Vụ cháu bé 3 tuổi bị nhốt trong tủ đông: Điều gì giúp cháu bé sống sót?
Các chuyên gia cho rằng việc nhốt trẻ vào tủ cấp đông nếu không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến thiếu oxy gây ngạt, làm thân nhiệt hạ...có thể gây tử vong.
Nhiệt độ lạnh và nguy cơ tử vong đối với con người
Thông thường nhiệt độ cơ thể 37 độ C sẽ đảm bảo hoạt động tốt nhất của các bộ phận cơ thể. Nếu vì một lý do nào đó như yếu tố môi trường, bệnh lý... nhiệt độ cơ thể có thể tăng cao hơn hoặc xuống thấp hơn.
Nếu nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường sẽ rơi vào tình trạng hạ thân nhiệt. Tùy từng mức độ hạ thân nhiệt bao nhiêu, thời gian ít hay kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể như: Tim mạch, hệ thần kinh, tiêu hóa…
Khi hạ thân nhiệt từ trung bình đến nặng xảy ra lúc thân nhiệt xuống dưới 32,2 độ C. Đây là một tình trạng lâm sàng của nhiệt độ dưới mức bình thường, lúc cơ thể không còn khả năng sinh nhiệt để duy trì các hoạt động bình thường.
Hạ thân nhiệt xảy ra lúc nhiệt độ cơ thể xảy ra bất thường và bắt đầu xuống thấp dưới 35°C (nhiệt độ này khi đo ở hậu môn). Do đó, nhiều trẻ bị hạ thân nhiệt dưới 36 độ C cũng cần phải theo dõi sát. Hiện nay, tùy vào nhiệt độ của cơ thể khi bị hạ mà mức hạ thân nhiệt được chia ra các mức sau:
Hạ thân nhiệt nhẹ: 35 - 34°C
Hạ thân nhiệt trung bình: 34 - 32°C
Hạ thân nhiệt nặng: 32 - 25°C
Hạ thân nhiệt nguy kịch: Dưới 25°C
Ngoài nguy cơ hạ thân nhiệt, khi thay đổi nhiệt độ đột ngột, mạch máu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tiếp xúc với lạnh quá huyết áp sẽ tăng đột ngột. Mạch máu co lại và máu dồn về não gây ra tình trạng xuất huyết não.
Như vậy, có thể nói khi bị nhốt vào tủ đông nhiệt độ thấp, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ cũng có nguy cơ tử vong. Trong khi tủ đông rất bé, không gian hẹp, nếu thời gian kéo dài có thể xảy ra nguy cơ về ngạt khí. Nhiệt độ lạnh trong khoảng từ 0 tới -18 độ C đóng kín sẽ khiến nạn nhân bị thiếu dưỡng khí, thiếu oxy, CO2 tăng lên, có thể rơi vào tình trạng hôn mê nếu không được phát hiện sớm và kịp thời.
Sự nguy hiểm là khi cơ thể bị nhốt trong nhiệt độ lạnh sẽ chuyển sang giai đoạn hạ thân nhiệt, nhiệt sinh ra không bù đủ nhiệt mất đi, trừ người đã quen ở vùng lạnh, cơ thể có thể chịu được điều kiện này trong khoảng vài tiếng đồng hồ.
Theo đó, để đảm bảo hoạt động tốt nhất của các cơ quan, nhiệt độ cơ thể thường duy trì tốt nhất là 37 độ C. Do nhiều yếu tố (môi trường, bệnh lý...) nhiệt độ cơ thể có thể tăng cao hơn hoặc xuống thấp hơn. Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường (trạng thái hạ thân nhiệt) và kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể như: tim mạch, hệ thần kinh, tiêu hóa…
Khi thân nhiệt giảm quá thấp, nếu không kịp thời xử lý tăng thân nhiệt, người bệnh có thể bị đe dọa tính mạng do tim và hệ thống thần kinh không thể hoạt động tốt.
Cách sơ cứu khi cơ thể khi bị lạnh
Cơ thể khi gặp nhiệt độ lạnh lưu lượng máu trong các mao mạch, gần bề mặt da sẽ được giảm xuống để tăng lưu lượng máu bên trong nội tạng. Vì vậy, chân, tay lạnh hơn, tim đập nhanh hơn, thở gấp gáp và huyết áp cũng tăng lên một cách đột biến.
Nhiệt độ quá thấp khiến các cơ bắp co bóp cơ thể con người sẽ run rẩy. Do lưu lượng máu tới mao mạch bị hạn chế khiến làn da tím tái dần và chuyển sang trắng bệch. Cơ thể bắt đầu trở nên tê cóng. Các ngón tay, ngón chân có thể chuyển qua màu xanh, đen. Thậm chí, con người còn không thể cảm nhận được chúng nữa hay không nhận ra mình đang bị tê cóng.
Do nhiệt độ xuống thấp khiến tim chuyển từ trạng thái đập nhanh, dồn dập qua trạng thái đập chậm hơn, làm hô hấp khó khăn và não nhận được ít oxy hơn. Nhiệt độ trong cơ thể con người tiếp tục giảm sâu và các cơ quan trên cơ thể ngưng hoạt động. Lúc này, con người đã ngừng thở và tử vong. Những hiện tượng và phản ứng của cơ thể con người trước khi chết vì bị đóng băng.
Về sơ cứu, khi phát hiện nạn nhân cần bình tĩnh và có biện pháp làm ấm cho nạn nhân và nhanh chóng gọi ngay cho xe cấp cứu để đưa người bệnh đến cơ sở y tế.
Những bước cần làm trong khi chờ đợi lực lượng y tế đến, cần giúp nạn nhân:
Hãy cởi bỏ lớp quần áo ướt cho nạn nhân và thay bằng quần áo khô ráo.
Làm ấm cơ thể bằng cách đắp nhiều lớp chăn khô hoặc áo choàng, sưởi ấm bằng nệm nước ấm và đặt nạn nhân nằm ở những nơi tránh gió lùa, che kín đầu. Cho nạn nhân uống nước ấm hoặc uống cháo nóng, thức uống không chứa caffeine.
Theo dõi nhịp thở của nạn nhân để có thể hà hơi thổi ngạt kịp lúc khi có biểu hiện thở chậm hoặc nông trầm trọng;
Không nên chườm nóng trực tiếp hoặc dùng đèn sưởi, nệm sưởi làm ấm, không cố làm ấm tay và chân vì sẽ đẩy máu lạnh về tim, phổi, dẫn đến hạ thân nhiệt trung tâm và tử vong; Không chà xát, xoa bóp quá mạnh để tránh nguy cơ ngừng tim.
Điều gì khiến bé 3 tuổi bị nhốt vào tủ đông may mắn sống sót một cách kỳ diệu?
Vụ việc cháu N.H.Đ (sinh năm 2019, trú tại xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, Hà Nam) bị đối tượng Nguyễn Trường Giang (sinh năm 1997, trú tại xã Chính Lý, Lý Nhân) bạo hành nhốt vào tủ cấp đông đang khiến dư luận xôn xao.
Các chuyên gia của Khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi TW cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận trẻ bị nhốt vào tủ đông lạnh. Các y bác sĩ khẳng định, nếu trẻ không được phát hiện kịp thời, thân nhiệt hạ sâu do ở nhiệt độ lạnh quá lâu hoặc thiếu khí (nếu tủ bị đóng kín) có thể dẫn đến nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Chia sẻ liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi TW nhấn mạnh: Việc nhốt trẻ trong tủ cấp đông sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy, từ đó gây ngạt; đồng thời tủ cấp đông làm thân nhiệt của trẻ giảm, sẽ gây rối loạn đến chuyển hoá trong cơ thể.
"Cả hai lý do trên dẫn tới suy chức năng các cơ quan, hiểm hoạ cho tính mạng của trẻ, thậm chi gây tử vong", TS Tạ Anh Tuấn khẳng định.
Đề cập đến việc cháu bé được cứu sống một cách kỳ diệu sau khi bị đánh đập, nhốt trong tủ cấp đông, nhiều chuyên gia cho rằng, có 2 yếu tố may mắn giúp cháu bé thoát nạn.
Một là, cháu bé được phát hiện một cách kịp thời. Đây là điều vô cùng quan trọng vì càng phát hiện muộn đồng nghĩa với việc thời gian cháu bé bị nhốt trong tủ cấp đông càng dài, nguy cơ bị ngạt do thiếu oxy và hạ thân nhiệt sâu càng lớn. Và hệ lụy như đã phân tích ở trên, tình huống xấu hoàn toàn có thể xảy ra.
Thứ hai, có một chi tiết được các bác sĩ chỉ ra, đó là việc cho cháu bé vào thùng carton sau đó để trong ngăn đông có thể là yếu tố làm chậm quá trình hạ thân nhiệt của trẻ vì chính tấm bìa này mang tính cách nhiệt.
Nếu trẻ bị bỏ trực tiếp vào bên trong tủ, cơ thể tiếp xúc với đá lạnh kèm nhiệt thấp sẽ khiến quá trình hạ thân nhiệt diễn ra nhanh hơn gây ra những tổn thương nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của trẻ. Rất may, điều này đã không xảy ra.
23h15 ngày 13/8, khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) tiếp nhận bé trai 3,5 tuổi, được chuyển đến từ Bệnh viện Sản nhi Hà Nam với chẩn đoán: Suy Hô hấp/ Hạ thân nhiệt/ Chấn thương vùng đầu mặt cổ.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã xử lý cấp cứu, tiến hành làm thêm các xét nghiệm để xác định tổn thương về sọ não, cột sống cổ... đồng thời hội chẩn các chuyên khoa chấn thương, ngoại thần kinh.
Khai thác từ gia đình, khoảng gần 18h ngày 13/8, gia đình phát hiện trẻ đang bị nhốt trong một thùng carton đặt trong tủ đông.
Lúc phát hiện trẻ đã tím tái toàn thân, không kêu khóc được, chân tay lạnh ngắt, được gia đình đưa đi cấp cứu.
Tại thời điểm được chuyển đến từ Bệnh viện Sản nhi Hà Nam, bé trai được chẩn đoán: Suy Hô hấp/ Hạ thân nhiệt/ Chấn thương vùng đầu mặt cổ.
Theo công an Hà Nam, đối tượng bạo hành cháu bé là Nguyễn Trường Giang (cạnh nhà cháu Đ., ở xã Chính Lý) đã khai nhận cho cháu bé vào thùng carton, cho vào tủ cấp đông rồi đóng cửa bỏ đi.
Ngày 14/8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hà Nam cho biết đang tạm giữ hình sự Nguyễn Trường Giang (sinh năm 1997, trú thôn 8, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân) để điều tra về tội giết người.
Tại cơ quan công an, Giang đã thừa nhận hành vi gây ra với cháu bé 3 tuổi nói trên.
Trúc Chi