Vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu: Loạt sỹ quan biên phòng, CSGT bị mua chuộc thế nào?

Chia sẻ Facebook
12/07/2022 13:36:38

Ngoài hối lộ hai vị cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, ông trùm xăng lậu Phan Thanh Hữu còn dùng tiền “mua chuộc” loạt sĩ quan Biên phòng, Cảnh sát giao thông và cán bộ Cảng vụ hàng hải của nhiều tỉnh, thành phía Nam.


Tiền “bảo kê” chuyển qua tài khoản ngân hàng

Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương vừa hoàn thành cáo trạng, truy tố 14 bị can, trong đó, có nhiều cựu sĩ quan Cảnh sát biển liên quan đến đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng dầu từ Singapore về Việt Nam do ông trùm Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cầm đầu.

Theo cáo trạng, tháng 9/2019, Phan Thanh Hữu buôn lậu xăng và tiêu thụ tại Campuchia, quá trình vận chuyển xăng lậu phải đi qua địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh, do thượng tá Nguyễn Văn Hùng làm Đồn trưởng. Vì thế, ông Hữu liên lạc và nhờ ông Hùng giúp đỡ.

Ông Hữu đã gặp ông Hùng để bàn bạc, thống nhất các nội dung thực chất là nhờ ông này “bảo kê” cho việc buôn lậu được thuận lợi hơn, đồng thời nhờ Hùng giúp “móc nối” với các bị can có chức trách nhiệm vụ, như Phạm Văn Trên (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh), Lê Văn Phương (cựu thượng tá, cựu Phó phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Trà Vinh)...

Đáp lại, mỗi tháng ông Hữu chỉ đạo con trai mình là Phan Lê Hoàng Anh đều đặn chuyển vào tài khoản của ông Hùng và tài khoản của bà Nguyễn Thị Tới (vợ ông Hùng).

Cơ quan truy tố xác định, từ 9/2019 - 12/2020, ông Nguyễn Văn Hùng đã tiếp nhận và hưởng lợi số tiền hơn 6,3 tỷ đồng từ ông Hữu. Đến khi bị bắt, bị can chủ động nộp lại toàn bộ số tiền hối lộ khắc phục hậu quả.

Trong khi đó, bị can Phạm Văn Trên bị cáo buộc có nhiệm vụ chủ trì chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nhưng khi được Phan Thanh Hữu nhờ, bị can này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu vận chuyển xăng của ông Hữu từ biển đi qua địa phận tỉnh Trà Vinh để vào tiêu thụ trong nội địa.

Tổng số tiền ông Trên nhận từ Hữu và nhận thông qua bị can Nguyễn Văn Hùng là 1,53 tỷ đồng, hiện đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.


Chối tội nhưng nộp tiền khắc phục

Liên quan đến vụ án, cáo trạng của Viện kiểm sát Quân sự Trung ương còn đề cập đến hành vi của cựu thượng tá Lê Văn Phương (Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Trà Vinh).

Theo đó, ông Phương được tổ chức phân công trực tiếp phụ trách các Đội, Trạm Cảnh sát giao thông đường thủy, có nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; trật tự an toàn xã hội trên đường thuỷ nội địa tỉnh Trà Vinh, trong đó, có tuyến Kênh Quan Chánh Bố mà các tàu của Phan Thanh Hữu thường xuyên vận chuyển xăng lậu đi qua.

Theo cáo trạng, tháng 1/2020, ông Nguyễn Văn Hùng điện thoại cho ông Phương trao đổi về việc: “Phan Thanh Hữu có các tàu trong thời gian tới sẽ vận chuyển xăng qua địa bàn tỉnh Trà Vinh, Hữu nhờ Phương tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu trong quá trình hoạt động qua địa bàn. Hằng tháng, Hữu sẽ gửi tiền quà cho Phương”.

Sau khi ông Phương đồng ý, ông Hùng xin số tài khoản ngân hàng nhưng ông Phương chỉ cho Hùng số tài khoản của con rể ông ta là Lâm Quốc Khải. Có được số tài khoản này, từ tháng 1 - 12/2020, sau khi nhận được 500 triệu đồng của Phan Thanh Hữu, mỗi tháng ông Hùng chuyển 30 triệu đồng cho ông Phương.

Cơ quan truy tố kết luận, tổng số tiền mà ông Nguyễn Văn Hùng chuyển giúp Phan Thanh Hữu cho ông Lê Văn Phương là 360 triệu đồng; ông Phương hiện mới nộp 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Ngoài những người đã nêu, cơ quan truy tố còn nhắc đến các bị can: Phạm Hồ Hải (cựu Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải Trà Vinh) nhận hối lộ 330 triệu đồng của Phan Thanh Hữu; Sơn Hoàng Ngự (nhân viên thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh, nhận của ông Hữu 500 triệu đồng; Nguyễn Thanh Lâm (cựu trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng) nhận của ông Hữu hơn 1,3 tỷ đồng và Lưu Thế Đức (cựu thiếu tá, Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển) cũng nhận 400 triệu đồng để “bảo kê” cho việc buôn xăng lậu.

Quá trình điều tra, riêng bị can Lê Văn Phương và Phạm Hồ Hải, ngoan cố, không thừa nhận hành vi phạm tội.

Hôm nay xét xử hai cựu Tư lệnh Cảnh sát biển về tội "Nhận hối lộ"

Ngày 12/7, tại Tòa án Quân sự Thủ đô sẽ diễn ra phiên xét xử vụ án "Buôn lậu", "Nhận hối lộ", "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" và "Không tố giác tội phạm".

Trong vụ án này 14 bị cáo sẽ hầu tòa, gồm 4 người từng thuộc lực lượng Cảnh sát Biển là Lê Văn Minh, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4; Lê Xuân Thanh, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3; Phùng Danh Thoại, cựu đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu Cảnh sát Biển; Lưu Thế Đức, cựu Thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển.

Ông Lê Xuân Thanh (trái) và ông Lê Văn Minh khi đương chức.

5 bị cáo từng công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng gồm Nguyễn Thế Anh, cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang; Phạm Văn Trên, cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Văn Hùng, cựu Thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Thanh Lâm, cựu Trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng; Các bị cáo khác không thuộc quân đội gồm Lê Văn Phương, cựu Thượng tá, cựu Phó phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh và nhóm thuộc các đơn vị dân sự: Phan Thị Xuân, Nguyễn Văn An, Phạm Hồ Hải, Cao Phước Hoài.

Cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh - cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4; cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 Lê Xuân Thanh bị đưa ra xét xử về tội "Nhận hối lộ".

Cựu Đại tá Phùng Danh Thoại bị xét xử về tội "Buôn lậu"; Nguyễn Thế Anh - cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang tội "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".


Hoàng An

Tiền Phong

Chia sẻ Facebook