Vụ bún chả 35.000 đồng: "Ở đây chúng tôi bán thế thì hôm sau đóng cửa"
Trong phần ăn của suất bún chả 35.000 đồng ở phố cổ Hà Nội, có 6 miếng chả miếng thái lát, 4 miếng chả lá lốt cỡ nhỏ, một đĩa bún có thể xin thêm, bát nước chấm đủ vị và một rổ rau sống.
Cầm 35.000 đồng vào ngõ chợ Đồng Xuân, khu ẩm thực nổi tiếng phố cổ Hà Nội, Thanh Mai (27 tuổi, Cầu Giấy) có ba lựa chọn hàng quán khác nhau, đều bán bún chả nướng với tầm giá này.
Sau khi thanh toán, Mai được biết là quán bún chả này đã bán ở đây ba đời, hơn 60 năm tuổi, từ khi suất bún chả chỉ có giá 500 đồng, đến nay lên 35.000 - 40.000 đồng. "Giá này là giá bán chung cho cả khách du lịch chứ không phải bán riêng cho người lao động đâu", cô Hằng, chủ quán cho biết.
Theo khảo sát của PV Dân trí , các hàng quán bún chả ở khu vực ngõ chợ Đồng Xuân có mức giá trung bình từ 35.000 - 40.000 đồng/suất đầy đủ chả lá lốt (hoặc chả viên) và chả miếng.
Nếu thực khách muốn thưởng thức món ăn này theo kiểu "cao cấp" hơn, có thể lựa chọn những quán có thương hiệu như: bún chả Obama; bún chả Sinh Từ; bún chả Đắc Kim… đều nằm trong nội đô phố cổ. Những quán này có mức giá trung bình từ 50.000 - 70.000 đồng/suất.
Phần ăn sẽ có khoảng 10 miếng chả viên và chả miếng cỡ lớn, ăn kèm nước mắm và rau sống. Giá bán bún chả đều được niêm yết trong menu, một số quán còn có hình ảnh đi kèm giá để khách du lịch dễ hình dung.
Theo đại diện quán "bún chả Obama" ở phố Lê Văn Hưu: Giá một suất bún chả thường được cấu thành bởi các yếu tố như giá nguyên liệu đầu vào, nhân viên, tiền thuê nhà, chi phí vận hành và tên tuổi của thương hiệu.
"Ví dụ như bạn ngồi một quán ở ngoài chợ thì giá sẽ khác với một quán trong nhà có điều hòa. Nhưng dù ở đâu, giá nguyên liệu cũng thường chiếm khoảng 50% giá bán. Một suất bún chả 50.000 đồng thì giá nguyên liệu thường khoảng 25.000 đồng", đại diện quán bún chả Obama nói.
Đánh giá về suất bún chả 35.000 đồng ở Thanh Hóa với một đĩa bún và hai miếng chả viên, người này cho biết: "Bán như vậy là đắt và làm ảnh hưởng hình ảnh món ăn truyền thống của Việt Nam, vì chưa có ở đâu bún chả lại bán kiểu như vậy".
Đồng quan điểm, cô Thanh Nga, chủ quán bún chả 70 năm ở chợ Đồng Xuân cho biết: "Tôi sống và bán hàng ở nơi cả vật giá lẫn mặt bằng phố lớn không đâu đắt đỏ bằng nhưng chưa bao giờ thấy một suất bún chả tệ đến vậy. Chắc họ bán một mùa rồi thôi chứ ở đây chúng tôi bán vậy thì ngày mai đóng cửa luôn vì không ai đến".
Các tiểu thương ở chợ Đồng Xuân cho biết, khách hàng của họ có khoảng 60% là khách du lịch trong và ngoài nước, 40% là khách vãng lai và người địa phương. Mức giá niêm yết được bán cho tất cả mọi người giống nhau không phân biệt khách du lịch, khách quốc tế hay khách Việt.
"Chúng tôi ở đây còn mất tiền thuê nhà đắt đỏ hàng tháng, cũng bán đầy cho khách du lịch mà gần 6 năm nay không dám tăng giá hay cắt xén nguyên liệu bao giờ", một tiểu thương ở ngõ chợ Đồng Xuân nói.
Thời gian gần đây, hình ảnh đĩa bún chả giá 35.000 đồng nhưng chỉ có một đĩa bún và hai miếng chả viên ở Thanh Hóa gây tranh cãi trong cộng đồng. Nhiều người cho rằng bán như vậy là quá đắt.
Theo cơ quan quản lý thị trường địa phương, việc niêm yết giá tại cửa hàng này được thực hiện đầy đủ, tức quán bán đúng giá chứ không hề có hiện tượng "chặt chém". Ngoài ra, hình ảnh chụp lên còn thiếu rau, nước chấm, đồ muối ăn kèm nên chưa phản ánh chính xác suất ăn.
Tuy nhiên, theo số đông người tiêu dùng và đại diện của các thương hiệu bún chả nổi tiếng ở Hà Nội, câu chuyện về suất bún chả này không còn dừng lại ở việc đúng hay sai, mà là vấn đề đạo đức bán hàng, là thái độ đúng mực của người làm dịch vụ.
"Nếu người bán có tâm, họ sẽ nói rõ cho khách hàng biết về chuyện giá thực phẩm đắt đỏ nên suất bún chả này chỉ có hai miếng chả, để thực khách biết trước và có suy nghĩ trước khi vào ăn.
Nhưng ở đây, người bán chỉ im lặng chờ khách gọi món xong xuôi, khách có hài lòng hay không không quan trọng thì đó không phải một người bán tử tế", anh Phương Nam (40 tuổi), quản lý chuỗi nhà hàng ăn uống ở Hoàng Cầu đánh giá.