Vụ bắt giữ Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng và cuộc tranh cãi ‘dân túy’

Chia sẻ Facebook
13/12/2023 07:41:21

Sau vụ bắt giữ Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, một số luồng dư luận tại Việt Nam cho rằng ông là đại biểu “vì dân”, số khác lại nói ông “dân túy”.

23 tháng 11 2023

Có nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng "nói vậy chứ không làm vậy", "mị dân"...

Trong khi đó, có những ý kiến khác lại nói rằng ông là người “vì dân”, ít ra là người dám nói lên những điều mà hiếm đại biểu nào khác dám lên tiếng; nhiều người cũng hoài nghi về khả năng ông Nhưỡng, một tiến sĩ luật, lại có thể dính dáng đến nhóm giang hồ khai thác cát ở Thái Bình.

Nhiều độc giả chia sẻ nỗi buồn và thất vọng sau vụ bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng trên trang Facebook và YouTube của BBC News Tiếng Việt.

Câu nói của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hội nghị đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam, vào ngày 30/9 cũng được dư luận nhắc đến rộng rãi: "Đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm".

Không ít người bày tỏ băn khoăn rằng việc bắt giữ ông Nhưỡng, một người “dám lên tiếng”, có thể làm nản lòng những ai có ý định thực hiện “tiếng nói của lòng trung thực, sự quả cảm” như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kêu gọi.

Hai đánh giá về việc ông Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu gì và lý do bị bắt lúc này

<strong class="bbc-1l7spgt edwq9ck1">Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem</strong>Play video, "Định hướng dư luận ra sao trong vụ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng?", Thời lượng 4,4504:45

Chụp lại video,

Định hướng dư luận ra sao trong vụ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng?

'Làm rất nhiều việc'

Một luật sư từ TP HCM, người đã có thời gian làm việc và tiếp xúc với Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng tại Ban Dân nguyện, nói với BBC News Tiếng Việt ngày 21/11 với điều kiện ẩn danh:

"Khoảng bốn đến năm năm trở lại đây, ông Nhưỡng làm rất nhiều công tác của Ban Dân nguyện, chuyển đơn đến các cơ quan, bộ, tỉnh... Bản thân tôi đã đại diện cho một số người dân, ra gặp và làm việc với ông ấy. Công tác đó ông ấy làm rất tốt, người dân rất vui mừng."

"Những người kêu oan, khiếu nại về đất, đặc biệt là dự án, về dưới địa phương được giải quyết tốt. Nói tóm lại là ông Nhưỡng được lòng những người đi khiếu kiện. Theo tôi, đây là công tác bình thường của Ban Dân nguyện Quốc hội, thế nhưng những người tiền nhiệm xưa nay không làm đúng mức giống như ông Nhưỡng làm. Cho đến thời kỳ ông Nhưỡng, tuy ông là phó ban, nhưng ông ấy lại quán xuyến làm hầu hết công việc của ban."

<strong class="bbc-1l7spgt edwq9ck1">Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem</strong>Play video, "Những phát biểu 'dậy sóng' của Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng", Thời lượng 3,4703:47

Chụp lại video,

Những phát biểu 'dậy sóng' của Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng

Theo cổng thông tin điện tử Quốc hội, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam có chức năng "Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban dân nguyện để nghiên cứu; khi cần thiết, chuyển đơn, thư đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân. Tổng hợp, phân loại, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết."

Luật sư giấu tên nói trên cho biết thêm: "Theo thông tin tôi có được thì Cường 'quắt' nhà ở gần ông Nhưỡng, tôi thấy bất ngờ với vai trò bị cáo buộc của ông Nhưỡng trong vụ việc, nếu giúp sức thì giúp như thế nào.”

Luật sư này cũng mô tả công việc của ông Nhưỡng là “rất bận rộn”, với “lượng đơn từ mà người dân gửi ra Ban Dân nguyện rất nhiều, họ phải đọc hồ sơ vụ việc, nghiên cứu và chuyển đơn”.

“Khi tôi ra đó làm việc cùng ông ấy thì ông ấy nói tôi phải làm việc đến 8 giờ tối vì phải xử lý đống hồ sơ. Ông ấy làm việc rất là mệt, tốn nhiều thời gian do đó tôi thấy lạ khi ông ấy bị cáo buộc tham gia giúp sức với nhóm cưỡng đoạt," ông nói.

Quốc hội Việt Nam, kỳ 3: Quyền bính 'thực chất vẫn trong tay Đảng'

Nguồn hình ảnh, Bộ Công an Việt Nam

Chụp lại hình ảnh,

Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt tối 14/11 khi vừa xuống sân bay Nội Bài tại Hà Nội. Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, ông vẫn còn xuất hiện trong lễ ra mắt chương trình 'Hành trình Net Zero'

Khi còn là đại biểu, tại phiên thảo luận ngày 30/5/2019 tại Quốc hội, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng từng nói: "Cán bộ công chức, nhất là lãnh đạo cao cấp, mà không khiêm tốn, thiếu gương mẫu, sống như thái tử, hoàng tử, như là chúa rừng xanh, thái độ như tuần phủ, tri phủ, chánh tổng... Có người lợi dụng chức vụ quyền hạn, vun vén đủ thứ, từ học hàm học vị, bằng cấp, sắp xếp bộ máy toàn cánh hẩu đệ tử, sống xa hoa, thậm chí cờ bạc thâu đêm, đi nước ngoài ăn chơi bằng tiền ngân sách, thì thử hỏi, sao cử tri và nhân dân có thể yêu mến, kính trọng và ủng hộ?"

Ông là ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016 - 2021). Tháng 9/2018, ông Lưu Bình Nhưỡng được bổ nhiệm chức Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông không được tái ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15 (2021 - 2026) do quá tuổi.

Luật sư từ TP HCM cũng nhận định với BBC News Tiếng Việt: "Thật ra tôi thấy ông ấy bức xúc chuyện của dân, và làm chức vụ là Phó trưởng Ban Dân nguyện, nên lên tiếng là hợp lẽ rồi, chứ mị dân gì đâu. Góc độ cá nhân qua lại, tôi cũng nhận thấy tính cách của ông Lưu Bình Nhưỡng là một nhà giáo, trịnh trọng, từ tốn, hòa nhã... không giống một số quan chức khác của nhà nước Việt Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa này đâu. Vả lại ông Nhưỡng cũng đâu phải làm chính trị gì, ông ấy cũng đâu có định hướng đi lên làm quan chức này, quan chức nọ gì nữa đâu... chỉ làm Ban Dân nguyện, khi làm thì ông ấy không còn là Đại biểu Quốc hội. 60 tuổi rồi, tôi không nghĩ ông ấy mị dân để làm gì".

Việt Nam: Vụ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng xảy ra trong môi trường tư pháp và báo chí như thế nào?

Dân túy là 'mị dân'?

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Sau vụ bắt giữ ông Nhưỡng, một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã gọi ông là một nhân vật “dân túy”. Nhiều người hiểu đơn giản dân túy đồng nghĩa với mị dân.

Dân túy dịch từ thuật ngữ "populism" trong tiếng Anh nói đến những phong trào chính trị với đường lối một mặt đề cao nhu cầu và lợi ích của đa số giới bình dân, mặt khác chỉ trích thiểu số cai trị hay tinh hoa vì đã bỏ mặc dân chúng lầm than.

Giáo sư Vũ Tường, từ Đại học Oregon (Hoa Kỳ), đưa ra góc nhìn của ông với BBC News Tiếng Việt ngày 21/11 về khái niệm dân túy: "Không phải tất cả phong trào dân túy đều có tính mị dân. Nhiều phong trào dân túy có tính mị dân khi chúng phóng đại mâu thuẫn xã hội để giành được sự ủng hộ của dân chúng (nhưng sẽ lại bỏ mặc dân chúng sau khi giành được chính quyền)."

"Ông Lưu Bình Nhưỡng là đảng viên cộng sản nhưng đôi khi có những phát ngôn chứng tỏ sự quan tâm đến những thành phần bình dân như công nhân, người nghèo, nên ông ấy là một chính trị gia được nhiều người dân thường yêu thích ("popular"). Những phát ngôn của ông ấy không phóng đại thổi phồng tình trạng khó khăn của dân chúng, và ông chưa từng chỉ trích tầng lớp chóp bu của Việt Nam, tức là các quan chức đảng viên cấp cao và gia đình họ, tầng lớp cai trị dễ dàng bị chỉ trích là độc tài, tham nhũng và cha truyền con nối, được hưởng quá nhiều đặc quyền đặc lợi. Vậy ông không mị dân mà cũng không phải là một chính trị gia dân túy", ông nói thêm.

Giáo sư Vũ Tường nhắc đến một số chính trị gia trước đây, cũng có những phát biểu được lòng dân.

"Hiện tượng này không chỉ giới hạn ở một vài thành viên của Quốc hội. Cũng có những quan chức chính phủ như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Bí thư Đinh La Thăng, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ hay cả cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đôi khi có những phát ngôn tỏ ra có quan tâm đến lợi ích của người dân thường bị cơ chế quan liêu hay cán bộ nhà nước vi phạm."

"Những người này có thể là ‘vuốt ve’, mị dân, hay họ thực sự quan tâm đến dân chúng, chúng ta khó có thể biết. Dù họ đôi khi nó vài câu ‘nghe được’, nhưng họ không đại diện cho phong trào chính trị nào, lại càng không dám phê bình tầng lớp chóp bu lãnh đạo đất nước, nên chắc chắn không nên dùng từ ‘dân túy’ trong những trường hợp này", ông cho biết.

Hai đánh giá về việc ông Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu gì và lý do bị bắt lúc này

Giáo sư Vũ Tường nhận định với 95% thành viên là đảng viên, Quốc hội "về bản chất là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản Việt Nam".

"Nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài vị bày tỏ quan tâm đến dân chúng vì lý do nào đó, có thể vì họ còn chút lương tri và thực tình nhận thấy nhiều bất công xã hội. Tuy nhiên, đại đa số thành viên của Quốc hội chẳng bao giờ dám nói khác với chỉ thị và tuyên truyền của đảng họ, mặc dù họ mang tiếng là đại biểu của dân," chuyên gia khoa học chính trị từ Đại học Oregon nói thêm.

Quốc hội Việt Nam: ‘Tiếc nhớ’ tuần trăng mật Đổi mới ngắn ngủi

<strong class="bbc-1l7spgt edwq9ck1">Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem</strong>Play video, "Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu gì và lý do bị bắt lúc này?", Thời lượng 3,4703:47

Chụp lại video,

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu gì và lý do bị bắt lúc này?

Chia sẻ Facebook