Vụ bác sĩ trốn việc: Hình ảnh ở phòng nội soi cho thấy ống nội soi diệt khuẩn sơ sài
Ngoài việc phát hiện các bác sĩ trốn việc ở bệnh viện công ra hành nghề tại phòng khám tư nhân ở Gò Công (Tiền Giang), tại phòng khám này còn phát hiện việc sử dụng thiết bị nội soi chưa diệt khuẩn, kỹ thuật này chưa được cấp phép.
Những hình ảnh quay được ở phòng nội soi của Phòng khám đa khoa Sài Gòn Gò Công (số 6/5 Nguyễn Trọng Dân, khóm 4, phường 3, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) cho thấy bác sĩ thực hiện nội soi dạ dày, nội soi đại tràng cho bệnh nhân nhưng ống nội soi không được diệt khuẩn theo đúng tiêu chuẩn, nguy cơ gây nhiều bệnh cho bệnh nhân.
Nội soi, diệt khuẩn đều chưa đến 3 phút
Trong phòng nội soi, một phụ nữ được đưa vào để thực hiện nội soi dạ dày. Khi bác sĩ nội soi xong, một nhân viên y tế kéo ống nội soi đến vòi nước gần đó, rửa qua đầu dây nội soi mềm, sau đó đưa phần đầu ống nội soi vào một ngăn tủ nhôm được đặt gần đó. Chưa đầy 2 phút bệnh nhân này được nhân viên y tế đẩy băng ca ra ngoài. Một lát sau, cô nhân viên này cùng một nhân viên khác đẩy một bệnh nhân khác vào để tiếp tục được nội soi.
Tại phòng nội soi này chỉ có một ống nội soi mềm để nội soi dạ dày và một ống nội soi mềm để nội soi ruột già, chứ không có hai ống nội soi mềm như các bệnh viện, phòng khám khác để thay khi mang một ống nội soi mềm đi diệt khuẩn. Thời gian trung bình thực hiện một ca nội soi chưa đến 3 phút.
Qua trao đổi, ông Lê Minh Trí, giám đốc Phòng khám đa khoa Sài Gòn Gò Công, thừa nhận kỹ thuật nội soi tiền mê phòng khám chưa được cấp phép. Hiện phòng khám đang làm thủ tục để xin giấy phép kỹ thuật này. Dù chưa có giấy phép cho kỹ thuật này, "mỗi ngày phòng nội soi này vẫn thực hiện từ mười mấy đến 30 bệnh nhân", ông Trí cho hay. Giá nội soi một ca dạ dày không đau là 1 triệu đồng, nội soi đại tràng không đau 2 triệu đồng/ca.
Còn về quy trình diệt khuẩn ống nội soi mềm sơ sài, không đủ thời gian, các bước để xử lý ống nội soi mềm, khi tiến hành nội soi cho bệnh nhân sẽ có nguy cơ lây nhiều bệnh, ông Trí thừa nhận phòng nội soi "còn thiếu sót và sẽ khắc phục sớm những thiếu sót này".
Nguy cơ lây bệnh lao, HIV, viêm gan B, viêm gan C...
Một chuyên gia nội soi có tiếng tại TP.HCM cho biết theo quy trình chuẩn, khi rút ống nội soi mềm ra khỏi người bệnh vừa được nội soi, ống nội soi mềm phải được xử lý để tránh lây nhiễm cho người sau.
Theo quy trình chuẩn, sau khi ống nội soi mềm được rút ra khỏi người bệnh, nhân viên y tế sẽ lấy dung dịch bằng nước để rửa ống nội soi, tẩy nhớt, đàm và tẩy khuẩn nhẹ phần đút vào người bệnh.
Sau đó, nhân viên y tế sẽ gỡ nguyên ống nội soi mềm ra khỏi máy và đưa vào phòng xử lý dụng cụ ngâm một lần nữa.
Cả dây ống nội soi mềm (gồm phần đưa vào người bệnh và phần ở ngoài) đều được ngâm dung dịch tan nhớt và tẩy khuẩn nhẹ khoảng 2 phút.
Ống nội soi mềm được lấy ra, tráng bằng nước thường và được ngâm tiếp vào một dung dịch tẩy khuẩn bậc cao. Trong lúc ngâm này, nhân viên y tế phải lấy đồ để cọ, rửa ống nội soi mềm này. Sở dĩ, phần ống mềm nội soi không chui vào người vẫn cần phải diệt khuẩn vì phần này vẫn có thể bị nhiễm khuẩn do bị vi trùng bắn vào. Phần tẩy khuẩn bậc cao ít nhất mất từ 5 đến 10 phút.
Sau đó, nhân viên y tế lấy ống nội soi mềm ra rửa bằng nước đã được diệt khuẩn, treo lên, sấy khô.
Nhà xử lý dụng cụ thường được đặt ngay bên cạnh phòng nội soi. Một lần diệt khuẩn ống nội soi theo đúng quy trình phải mất 15 - 20 phút. Theo chuyên gia này, nếu không làm đúng quy trình như trên, có thể lây nhiễm chéo giữa những người bệnh được nội soi với nhau như các bệnh nhiễm trùng thông thường (vi trùng sinh mủ, tả lị, thương hàn…) cho đến những bệnh lao, HIV, viêm gan B, viêm gan C…
Chuyên gia này cho rằng có nhiều lý do để phòng khám không làm đúng quy trình xử lý, diệt khuẩn ống nội soi mềm. Những lý do đó là xây dựng phòng xử lý dụng cụ tốn kém, tốn nhiều dung dịch diệt khuẩn, nếu tháo cả ống nội soi mềm ra xử lý thì máy nội soi sẽ bị hư nhanh hơn so với khi không tháo, thực hiện được nhiều ca nội soi hơn trong cùng một thời gian…
Cũng theo chuyên gia này, với một bác sĩ có kinh nghiệm nội soi một ca dạ dày đơn giản cũng phải mất ít nhất 5 phút, nặng hơn có thể mất 15 - 30 phút, còn nội soi ruột già thì mất ít nhất 10 - 15 phút, còn nặng hơn từ 30 - 60 phút.