Vụ apatit Lào Cai: Biết sai nhưng sợ không dám báo cáo

Chia sẻ Facebook
02/04/2024 06:33:54

Cán bộ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Lào Cai dù biết sai nhưng sợ ảnh hưởng đến vị trí công tác nên không kiến nghị để ngăn chặn hành vi vi phạm.

Biết sai nhưng sợ nên không báo cáo

Liên quan đến đại án khai thác quặng apatit tại Lào Cai, ngoài những sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo UBND tỉnh, một số Sở, ngành thì còn nổi lên sự thiếu trách nhiệm, tâm lý sợ cấp trên của cán bộ giúp việc.

Cụ thể, theo cáo trạng bổ sung mới được VKSND tỉnh Lào Cai công bố, Ngô Đức Hoàng là Chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai được phân công trực tiếp phụ trách công tác tham mưu và soạn thảo văn bản trình lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh ký ban hành các văn bản liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản.

Hai bị can Nguyễn Văn Vịnh (ảnh phải) và Doãn Văn Hưởng khi còn là chủ tịch UBND tỉnh đều không được cán bộ tham mưu kịp thời.

Hoàng biết rõ khu đất 37.700m2 (tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, Tp. Lào Cai) thuộc Khai trường 18 đã được Bộ Công thương quy hoạch và biết rõ thẩm quyền cấp phép khai thác, tận thu, thu gom khoáng sản tại khu vực này thuộc thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường, không thuộc thẩm quyền UBND tỉnh Lào Cai.

Sai phạm Apatit Lào Cai: Ai đề xuất giao đất của Bộ cho doanh nghiệp?

Tuy nhiên, khi nhận được văn bản từ các Sở, ngành báo cáo đề xuất UBND tỉnh có liên quan đến dự án trên của Công ty Lilama, Hoàng đã không kiểm tra đối chiếu, rà soát nội dung báo cáo đề xuất đó có đúng với các quy định của pháp luật không để tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết, xử lý theo đúng quy định.

Bị can trực tiếp tham mưu, soạn thảo cho bị can Nguyễn Văn Vịnh (khi ấy là Chủ tịch UBND tỉnh); Doãn Văn Hưởng (khi ấy là Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh); Nguyễn Thanh Dương (khi ấy là Phó chủ tịch UBND tỉnh); Lê Ngọc Hưng ( khi ấy là Giám đốc sở Công thương) ký nhiều văn bản trái quy định của pháp luật, vi phạm Luật khoáng sản năm 2010.

Quá trình điều tra, Hoàng khai nhận việc soạn thảo các văn bản trên là tổng hợp nội dung theo đề xuất của các Sở, ngành. Bản thân “biết là trái quy định của pháp luật nhưng sợ không thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên sẽ ảnh hưởng đến vị trí công tác nên đã không có ý kiến, kiến nghị cấp có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm”, trích cáo trạng.

Hành vi của bị can đã tạo điều kiện cho Công ty Lilama và Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đã khai thác và tiêu thụ trái phép 974 nghìn tấn quặng apatit các loại, có giá trị trên 289 tỷ đồng.

Vì động cơ cá nhân

Bị can Vũ Đình Thủy với cương vị là Trưởng phòng Quản lý khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, là người có trình độ chuyên môn, được phân công trực tiếp phụ trách công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản.

Giống bị can Hoàng, Thủy biết rõ về diện tích 37.700m2. Ngoài ra, Thuỷ cũng biết Công ty Lilama không có giấy phép khai thác, tận thu quặng apatit, biết số quặng được Lilama đề nghị tiêu thụ là trái phép, biết chỉ đạo của bị can Mai Đình Định - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường là sai, nhưng vì động cơ cá nhân nên Thủy không kiểm tra hồ sơ thủ tục pháp lý của Công ty Lilama.

Biết sai, nhưng vì "động cơ cá nhân" Vũ Đình Thủy không kiểm tra hồ sơ thủ tục pháp lý của Công ty Lilama.

Bị can này còn bị cáo buộc, không kiểm tra nguồn gốc đối với số quặng apatit của Công ty Lilama để có căn cứ tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp bảo vệ tài nguyên, khoáng sản và xử lý đối với sai phạm của Công ty.

Thậm chí Thủy còn cùng đoàn kiểm tra đề nghị UBND tỉnh cho phép Công ty Lilama cung cấp và tiêu thụ quặng apatit khai thác trái phép tại dự án khách sạn, nhà hàng cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp này.

Theo cáo buộc của VKS, hành vi trên giúp Công ty Lilama tiêu thụ trái phép hơn 118 nghìn tấn quặng apatit, giá trị lên tới trên 108 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch Lào Cai nhất trí “nếu có quặng thì được tận thu"


Cựu Bí thư tỉnh Lào Cai tiêu hết 5 tỷ đồng "quà Tết"

Chia sẻ Facebook