Vpbank tuyên bố DỪNG CHO VAY MỚI 1 lĩnh vực sản xuất, tiến tới loại bỏ hoàn toàn trong danh mục cấp tín dụng
Mới đây, trong báo cáo thường niên năm 2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng VPbank đã cho biết họ không tài trợ cho các dự án nhiệt điện than mới, đồng thời xây dựng lộ trình giảm tỷ trọng và hướng đến loại bỏ hoàn toàn nhiệt điện than trong danh mục cho vay của Ngân hàng.
Năm 2021 là thời điểm đánh dấu Thoả thuận Paris chuyển sang giai đoạn triển khai thực hiện trên phạm vi toàn cầu, và lần đầu tiên thế giới đã đạt được sự đồng thuận về một lộ trình nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang năng lượng sạch và chấm dứt sử dụng than.
Tại diễn đàn COP26 Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố cam kết sẽ giảm phát thải 30% khí metan vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 để góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Đây là mục tiêu đầy thách thức, do vậy để hoàn thành được các mục tiêu đề ra, Việt Nam được dự báo sẽ nhanh chóng đưa ra nhiều thay đổi lớn trong khung chính sách và luật pháp, tập trung vào các vấn đề loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và thay thế bằng nhiên liệu sạch, phát triển kinh tế tuần hoàn, duy trì, phát triển rừng và bảo vệ các hệ sinh thái.
Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch được công bố trong Ngày năng lượng của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Vương quốc Anh.
Theo tuyên bố, sản xuất điện than là nguyên nhân lớn nhất gây tăng nhiệt độ toàn cầu. Chính vì vậy, cần dừng triển khai các dự án điện than; mở rộng quy mô triển khai năng lượng sạch để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
(Nguồn: Báo lao động)
Chính sách này của Vpbank được cho là hợp với xu thế khi nhiệt điện than đang dần bị "ghẻ lạnh" và siết chặt trên toàn cầu.
Tại COP26, hơn 40 quốc gia, trong đó có các nước sử dụng nhiệt điện than nhiều như Canada, Ba Lan, Ukraine và Việt Nam, đã cùng cam kết bỏ dần than và ngừng xây thêm các nhà máy nhiệt điện.
Các bên tham gia cam kết sẽ nhanh chóng nâng cấp công nghệ kỹ thuật và chính sách trong thập kỷ này để thực hiện được việc chuyển dịch khỏi sản xuất điện than không áp dụng công nghệ thu giữ các bon vào thập niên 2030 trên toàn cầu.
Đồng thời, ngừng cấp giấy phép mới cho các dự án điện than, ngừng xây dựng mới các dự án điện than và chấm dứt nguồn hỗ trợ mới và trực tiếp của chính phủ đối với sản xuất nhiệt điện than trên toàn thế giới.
Theo thông tấn xã Việt Nam đưa tin, ngày 22/10/2021, tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết hầu hết các nước thành viên đã nhất trí ngừng cung cấp tín dụng xuất khẩu cho các nhà máy nhiệt điện than.
Các quốc gia ủng hộ quyết định trên gồm Australia, Anh, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
khoản tín dụng xuất khẩu là khoản hỗ trợ tài chính của chính phủ, tài trợ trực tiếp, bảo lãnh, bảo hiểm hoặc hỗ trợ lãi suất được cung cấp cho bên mua nước ngoài để mua hàng hóa từ các nhà xuất khẩu trong nước.
OECD cho biết lệnh cấm sẽ bao gồm các nhà máy nhiệt điện than mới không có công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS). Lệnh cấm cũng sẽ bao gồm các nhà máy nhiệt điện than hiện tại trừ khi sử dụng tín dụng xuất khẩu nhằm hạn chế ô nhiễm, không kéo dài tuổi thọ hoặc công suất của nhà máy, hoặc để trang bị nhằm lắp đặt CCUS.
Vpbank tăng cường giải ngân cho các lĩnh vực xanh
Bên cạnh việc tuyên bố không tài trợ vốn cho các dự án nhiệt điện than mới, Vpbank đưa ra khái niệm "tín dụng xanh" trong quá trình hoạt động của mình, theo đó tập trung tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh.'
Khung chính sách Tín dụng xanh do VPBank phát triển dưới sự tư vấn của IFC được Tổ chức Sustainalytics công nhận phù hợp với khuôn khổ Nguyên tắc Tín dụng xanh 2020 (Green Loan Principles, 2020) do Hiệp hội thị trường Tín dụng (Loan Market Association - "LMA") ban hành và đóng góp cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững số 6, 7, 11, 12, 14 và 15 của Liên hợp quốc.
Trong năm 2021, VPBank đã hỗ trợ 422 khách hàng chuyển đổi hoặc đầu tư vào các lĩnh vực xanh với tổng dư nợ xanh 4.066 tỷ đồng.
Có tổng cộng 4.580 tỷ đồng được Vpbank giải ngân cho các lĩnh vực xanh trong năm 2021, tăng 300% so với năm 2020, cụ thể:
(1) Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo: Tổng sản lượng điện mặt trời dự kiến đạt 308.975 MWh/năm, điện gió đạt 90.000 MWh/năm, đóng góp cắt giảm khí nhà kính quy đổi tương đương 154.266 tấn CO2 /năm
(2) Trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học: Sản xuất viên nén gỗ và hơi công nghiệp sản xuất từ nhiên liệu sinh khối mang lại hiệu quả cắt giảm 7.486 tấn CO2/năm khi so sánh với mức sử dụng tương đương của dầu DO.
(3) Trong kinh tế tuần hoàn: Chất thải được tái chế, quay vòng để trở thành nguyên liệu cho các lĩnh vực sản xuất. Tổng khối lượng kim loại được tái chế là 540.000 tấn/năm, khối lượng phế phẩm chế biến thủy sản được tái chế là 55.750 tấn/năm, tổng khối lượng phế phẩm chế biến nông sản tái chế là 1.362.250 tấn/năm, góp phần giảm thiểu cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm từ chất thải.
(4) Trong xử lý chất thải: Các dự án xử lý và tái chế chất thải góp phần giảm thiểu được 61.200 tấn rác thải phải chôn lấp hàng năm.
(5) Trong lĩnh vực giao thông sạch: Sản xuất xe máy điện, ước tính góp phần giảm 18.000 tấn CO2 khi thay thế cho phương tiện xe máy động cơ xăng theo tiêu chuẩn khí thải Euro 3.
(6) Trong lĩnh vực nguyên liệu bền vững: Thúc đẩy chứng chỉ bền vững quốc tế đối với nguồn cung ứng vật liệu (chứng chỉ FSC).
(7) Trong lĩnh vực cấp nước sạch: Tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch tại các khu vực nông thôn và tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi vấn đề ô nhiễm và Biến đổi khí hậu.
Ngược lại với sự "ghẻ lạnh" dành cho nhiệt điện than, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sẽ thúc đẩy đầu tư mạnh tay vào nhiệt điện khí LNG và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Với hơn 3.000 km bờ biển, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng điện gió lớn trên thế giới và trong khu vực. Theo nghiên cứu của Nhóm Ngân hàng Thế giới về điện gió ngoài khơi, ước tính tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là 599 GW, với 261 GW điện gió móng cố định và 338 GW điện gió móng nổ.
Hiện nay ở Việt Nam chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được chính thức triển khai, Bộ Công Thương hiện đang trong quá trình hiệu chỉnh dự thảo Quy hoạch Điện 8 để hoàn thiện, nghiên cứu song song cơ chế lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi.
Trọng Nghĩa (Tổng hợp)
Theo Nhịp Sống Kinh Tế