VPBank sẽ gỡ hạn chế chuyển nhượng hơn 4,4 triệu cổ phiếu ESOP
Ngân hàng sẽ giải tỏa 30% lượng cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng, được phát hành theo chương trình ESOP 2021. Thời gian dự kiến thực hiện giải tỏa hơn 4,4 triệu cổ phiếu từ 15/8 đến 19/8.
Ngày 10/8, VPBank ( HoSE: VPB ) thông báo giải tỏa đợt một 30% lượng cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng, phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động năm 2021 (ESOP 2021), tương đương 4,46 triệu cổ phiếu. Thời gian dự kiến giải tỏa từ ngày 15-19/8.
Đầu tháng 7, VPBank cũng thông báo phát hành 30 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP 2022 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. VPBank sẽ dùng 30 triệu cổ phiếu quỹ để chào bán cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,675%. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành ESOP là 300 tỷ đồng.
Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa trong vòng ba năm từ ngày kết thúc đợt chào bán. Sau năm đầu tiên, 30% số cổ phần sẽ được giải toả, năm thứ hai và năm thứ ba lần lượt có tỷ lệ giải toả là 35%.
VPBank cho biết mục đích đợt phát hành cổ phiếu ESOP lần này nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ nhân viên (CBNV), gắn liền lợi ích của CBNV với lợi ích công ty, tạo động lực cho người lao động. Ngoài ra còn khuyến khích CBNV, tăng động lực cho CBNV khi công tác chuyên môn, thu hút nhân tài và giữ chân những CBNV có năng lực.
VPBank hiện có 60,2 triệu cổ phiếu quỹ và hơn 4,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Sau đợt chào bán này, số lượng cổ phiếu quỹ của VPBank sẽ giảm xuống còn hơn 30,2 triệu đơn vị.
Tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2022, cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ thành hai đợt. Đầu tiên, ngân hàng sẽ chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%, từ các nguồn lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Thời gian thực hiện vào quý II hoặc quý III. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ sẽ tăng từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng.
Đợt thứ hai, VPBank dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Mức giá phát hành sẽ do HĐQT quyết định theo thoả thuận, đàm phán giữa hai bên nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm từ ngày hoàn tất đợt phát hành.
Nếu hoàn thành đợt tăng vốn thứ hai, vốn điều lệ sẽ tăng lên 79.334 tỷ đồng, đứng đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng đề cập nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay, không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới mà HĐQT dự kiến từ năm sau sẽ trình đại hội đồng dành 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm, chia cổ tức bằng tiền mặt.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, ngân hàng báo lãi 15.322 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ 2021, thực hiện 52% kế hoạch năm. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà ngân hàng này ghi nhận được từ năm 2015 đến nay. Tính đến 30/6, tổng tài sản đạt 608.275 tỷ đồng, tăng 11,1% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng và cho vay khách hàng đạt lần lượt 295.420 tỷ và 392.504 tỷ đồng, tăng 22,1% và 10,5% so với đầu năm.