Vòng xoáy mới của khủng hoảng khí đốt

Chia sẻ Facebook
20/06/2022 01:08:17

Mây đen của cuộc khủng hoảng khí đốt liên quan đến việc trừng phạt năng lượng Nga vẫn còn lơ lửng từ chân trời lại vần vũ bồi thêm những đe dọa về một vòng xoáy mới của cuộc khủng hoảng khí đốt.

Hệ thống đường ống thuộc Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin (Đức) trong hình chụp ngày 8-3-2022 - Ảnh: Reuters

Đầu tiên là vụ hỏa hoạn xảy ra hôm 8-6 tại công ty khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên vịnh Mexico Freeport LNG - một trong ba ga xuất khẩu LNG lớn nhất của Hoa Kỳ. Nhà điều hành Freeport LNG cho biết vụ cháy sẽ khiến nhà máy ngừng hoạt động cho đến tháng 9-2022 và chỉ dần phục hồi cho đến cuối năm.


Họa vô đơn chí

Điều lo ngại ở chỗ nhà máy bị hỏa hoạn là nơi cung cấp khoảng 20% sản lượng LNG của Mỹ, tức khoảng 22 - 23 tỉ m3 mỗi năm. Bình quân 3 tháng qua, 70% nguồn cung từ ga LNG này, tương đương khoảng 15 - 16 tỉ m3 hằng năm, xuất sang châu Âu. Công ty Freeport LNG chiếm 20 - 25% tổng nguồn cung LNG từ Mỹ đến châu Âu.

Tỉ trọng xuất khẩu LNG trung bình từ Mỹ sang châu Âu năm 2018 là 13%, năm 2019 và 2020 là 36%, năm 2021 là 33%, và năm 2022 là gần 72%! LNG của Hoa Kỳ hiện chiếm gần 2/3 tổng lượng LNG cung cấp cho châu Âu.

Với vụ hỏa hoạn vừa xảy ra, châu Âu đang mất khoảng 4 tỉ m3 khí hóa lỏng từ Mỹ. Trong khi đó, tăng sản lượng từ các trạm khác là không thể vì tất cả đang hoạt động đến giới hạn.

Chưa đầy một tuần sau đó, ngày 14-6 xuất hiện tin Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom đang giảm lượng khí đốt bơm qua hệ thống "Dòng chảy phương Bắc 1" (Nord Stream 1) xuống 40%, tức còn 100 triệu m3 mỗi ngày, so với dự kiến là 167 triệu m3.

Điều Gazprom cảnh báo đã xảy ra: việc giao hàng qua đường ống hiện có dưới biển Baltic phải giảm do chỉ có 3 trong số 8 tuôcbin tại trạm nén khí Portovaya hoạt động.

Một tuôcbin dù đã được Hãng Siemens sửa chữa xong tại nhà máy Montreal (Canada) nhưng do lệnh trừng phạt của Canada với Nga nên vẫn chưa hoạt động lại được (theo thông báo của Berliner Zeitung vào hôm 14-6), những tuôcbin khác không thể vận hành vì lý do kỹ thuật.

Ngày 13-6, Đức thông báo sẽ tạm ngừng vận chuyển khí đốt qua Nord Stream 1 trong hai tuần để thanh tra. Và nếu họ phát hiện những vấn đề kỹ thuật mà Gazprom đang lo ngại là chính xác thì Đức sẽ phải thừa nhận việc cắt giảm lượng bơm là biện pháp cần thiết!


Chưa biết sẽ ra sao

Từ 1-1 đến 10-6-2022, xuất khẩu khí đốt của Gazprom sang châu Âu giảm 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương âm 24,3 tỉ m3. Khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bắt đầu hồi cuối tháng 2-2022, xuất khẩu giảm 32,3%, sau khi áp dụng nguyên tắc "bán khí đốt lấy đồng rúp", mức giảm này là 40%.

Như vậy, Nord Stream 1 - kênh chính cung cấp khí đốt từ Gazprom sang châu Âu đã giảm 1/3 như đã nói - chỉ còn 100 triệu m3.

Cộng với 40 triệu m3 được bơm qua hệ thống truyền tải khí đốt GTS của Ukraine (so với 100 triệu m3 trước đó), 20 triệu m3 được xuất khẩu qua "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" (so với 40 triệu m3 trước đây), và con số 0 tròn trĩnh từ hệ thống Yamal-Europe (mà trong những năm hữu hảo nhất, từng lên tới 100 triệu m3 theo kênh aurora.network ngày 16-6) là toàn bộ lượng khí đốt châu Âu còn nhận cho đến nay.

Tính bình quân theo tuần, chỉ còn 1,1 tỉ m3 được bơm mỗi tuần - giảm 3 lần so với năm 2021, tức mất tới 2 tỉ m3 mỗi tuần. So với năm ngoái, lượng giao hàng bình quân của Gazprom đến châu Âu là 3,1 tỉ m3 mỗi tuần. Tổng cộng, châu Âu sẽ mất tới 1,3 tỉ m3 LNG mỗi tháng và tới 8 tỉ m3 từ Gazprom, tức hơn 110 tỉ m3 mỗi năm.

Có vẻ như kế hoạch lấp đầy các kho lưu trữ khí đốt cho mùa đông đang được tiến hành không suôn sẻ lắm và chứa đựng nhiều bất trắc, như Tổng thống Serbia Alexander Vucic lo ngại nói hôm 14-6: "Chưa biết sắp tới còn những trừng phạt gì".

Trong khi đó, người đứng đầu Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom Alexei Miller đã "nhắc" châu Âu về khả năng tăng cung cấp khí đốt của Nga cho EU bằng cách chuyển lượng khí đốt bị ách tắc sang hệ thống đường ống "Dòng chảy phương Bắc 2" đã hoàn thành từ lâu nhưng buộc phải "trùm mền" vì cấm vận.


Nga cắt khí đốt của các nước châu Âu

Khi các lãnh đạo châu Âu tuyên bố ủng hộ Ukraine trở thành ứng viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU), Nga đã cắt giảm mạnh nguồn cung khí đốt cho khu vực này.

Ngày 17-6, Ý và Slovakia cho biết chỉ nhận được chưa tới 1/2 lượng khí đốt so với thông thường từ Nord Stream 1 - đường ống chuyển 40% khí đốt của Nga vào châu Âu qua Đức.

Đức cho biết nguồn khí đốt từ Công ty Gazprom của Nga đã giảm đến 60%. Việc này ảnh hưởng đến các nước nhận khí đốt thông qua Đức như Pháp, Áo, CH Czech. Pháp nói đã không nhận được chút khí đốt nào từ giữa tuần này.

Trong thông báo ngày 15-6, Gazprom cho biết việc tạm cắt khí đốt là do chậm trễ trong việc giao thiết bị sửa chữa. "Sản phẩm của chúng tôi, luật của chúng tôi" - báo Washington Post dẫn lời lãnh đạo Gazprom, ông Alexey Miller. Tuy nhiên, các quan chức Đức chỉ trích Gazprom muốn nâng giá và gây ảnh hưởng lên kinh tế nước này.

Các nước châu Âu đang gấp rút tìm kiếm nguồn cung thay thế năng lượng từ Nga, trong bối cảnh mùa đông sắp đến. Tuy nhiên, đợt nắng nóng trong mùa hè đang khiến kế hoạch này thêm khó khăn.


TRẦN PHƯƠNG

Chính phủ Ukraine đã thông qua một nghị quyết đình chỉ xuất khẩu khí đốt, than đá và dầu nhiên liệu của nước này trong thời điểm chiến tranh.

Chia sẻ Facebook