Vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào bất động sản
Kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư FDI trong 11 tháng qua với gần 4,19 tỷ USD, chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư đăng ký. Cùng kỳ năm ngoái, con số này là 2,41 tỷ USD.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/11, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 25,1 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong bối cảnh hiện nay, hai dòng vốn quan trọng của thị trường bất động sản là tín dụng và trái phiếu đang bị kiểm soát chặt chẽ. Vốn FDI trở thành điểm sáng của thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với nhiều lợi thế. Giá đất cũng ở mức cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực.
Lấy dẫn chứng, ông Tuấn cho biết, năm 2018, xu hướng đầu tư bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất mạnh và đạt kỷ lục. Tuy nhiên, hai năm sau dịch, tốc độ này đã giảm đi. Giá trị đầu tư vào bất động sản Việt Nam giai đoạn 2019 – 2020 chỉ đạt loanh quanh ở mức 4 tỷ USD mỗi năm và năm 2021 con số này đạt hơn 2,6 tỷ USD. Trong khi chỉ tính riêng năm 2018 là gần 7 tỷ USD.
Theo vị này, dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục tăng, dự báo có thể phục hồi và vượt năm 2018. “Đây là một điểm tích cực đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để thu hút dòng vốn này, Việt Nam phải giải quyết nhiều khó khăn: Tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài qua các cam kết của chính quyền bảo vệ các dự án đầu tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; và tiếp tục đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết. Thay vì bắt kịp các quốc gia khác, chúng ta phải định hướng đi đầu. Để như vậy, ta cần tạo sự độc đáo và mang các đặc thù của Việt Nam”, vị này nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, việc huy động vốn cổ phiếu sẽ khó do thị trường chứng khoán suy giảm. Trong khi đó, huy động vốn trái phiếu giảm mạnh do các ngân hàng thương mại không tham gia. Quy mô trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 gấp 4 lần năm 2016. Năm 2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu là 495.029 tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2020 (phát hành riêng lẻ chiếm 94,3%).
Sang đến năm 2022, Nhà nước đã chấn chỉnh phát hành trái phiếu dưới chuẩn và lách luật. Dự kiến số lượng phát hành sẽ giảm, ảnh hưởng tới nguồn vốn các công ty sản xuất kinh doanh và bất động sản. Do vậy, ông Hiển cho rằng, chỉ có nguồn vốn FDI là điểm sáng.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, việc siết chặt tín dụng bất động sản sẽ hạn chế vay tín dụng xấu, gây khó khăn cho các ngân hàng. Song, đây là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài ra nhập thị trường Việt Nam.
“Đây sẽ là cơ hội cho việc phát triển nguồn lực cho dòng vốn FDI ở Việt Nam, bao gồm thị trường bất động sản. Đối với một đất nước với hơn 100 triệu dân như Việt Nam, một siêu độ thị với hơn 10 triệu dân như TP. HCM, các khoản đầu tư này là rất quan trọng”, ông Khương nhấn mạnh.
Ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội cho rằng, dòng tiền FDI vào Việt nam thời gian tới sẽ còn lớn hơn nữa. Bởi các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam. Theo ông Thành, Việt Nam là một trong những đất nước phòng chống dịch tốt nhất với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao. Đây là một trong những ưu điểm lớn, mang lại lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ký kết 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
“Nổi lên như một thị trường lớn mạnh với lực lượng lao động trẻ, năng động, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng cao, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh khả năng thu hút FDI với các nước khác trong khu vực”, chuyên gia của Savills nói.