Vốn hoá giảm hơn nửa triệu tỷ đồng, VN-Index đã chạm đáy?

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 06:29:48

Vốn hóa thị trường chứng khoán giảm gần 550.000 tỷ đồng sau 9 phiên giao dịch, VN-Index về ngưỡng 1.384 điểm sau khi giảm hơn 145 điểm.

Với những người đang đầu tư chứng khoán, chốt phiên ngày hôm qua (20/4), chắc có lẽ danh mục lại tiếp tục giảm lợi nhuận hơn một chút bởi tính trong 9 phiên trở lại đây thì có đến 8 phiên giảm khiến vốn hóa thị trường chứng khoán giảm khoảng 550.000 tỷ đồng.

Như trong phiên ngày hôm qua, 22/25 nhóm ngành là giảm giá, nhà đầu tư ít thì lỗ 3-10%, không ít người lỗ từ 25 - 35%... Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân là đồng pha với đà giảm của chứng khoán thế giới do xu hướng tăng lãi suất.

"Các ngân hàng trung ương thế giới tăng lãi suất, tôi nghĩ rằng mặt bằng lãi suất của Việt Nam sẽ có xu hướng tăng trương thời gian tới. Điều này khiến cho một số tài sản đầu cơ cao như bất động sản, chứng khoán... có hiện tượng bán tháo mạnh trên thị trường", ông Phan Linh - Giám đốc chuyên môn Takeprofit nhận định.

Xu hướng lãi suất tăng dẫn đến hiện tượng bán tháo các tài sản mang tính đầu cơ cao như bất động sản hay chứng khoán

Ngoài ra, với yếu tố nội tại là các biện pháp mạnh tay của cơ quan chức năng trong việc chấn chỉnh và làm minh bạch thị trường đã khiến các cổ phiếu đầu cơ về với giá trị thực.

Các nhà đầu tư cá nhân khi thấy lượng lớn bị giải chấp ở mức giá sàn, thì lại đua lệnh bán theo khiến lực bán áp đảo. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư tổ chức, đây lại là cơ hội. Trong 6 phiên trở lại đây, khối ngoại mua ròng hơn 2.300 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thời gian qua theo thông kê có 8/9 phiên thị trường giảm điểm. Lý do giảm đầu tiên là do cung cầu, lượng bán nhiều hơn lượng mua. Lý do thứ 2 có thể là do các công ty chứng khoán bán giải chấp.

Liên quan đến đề xuất bỏ phiên ATC, theo ông Sơn, phiên này đã có từ trước và đây là theo thông lệ chung. Do thời gian qua thị trường có nhiều biến động nên nhà đầu tư cần sự bình tĩnh, quan sát nhìn cung cầu.

Về tỷ lệ cho vay ký quỹ hay còn gọi là margin của các công ty chứng khoán, do tính hấp dẫn của việc cho vay lãi suất ít là khoảng 9%, có công còn cho vay lên đến 13% tức cao hơn gấp gần 2 lần lãi suất ngân hàng 1 năm. Đây được xem à nguồn thu rất tốt cho các công ty chứng khoán. Đến nay, theo thông cáo trong các báo cáo tài chính, tính đến cuối năm ngoái, tổng lượng cho vay toàn thị trường của các công ty chứng khoán là khoảng 193.000 tỷ đồng, với tỷ lệ trung bình là 1.3.

Tuy nhiên, sang năm 2022, với 7 công ty chứng khoán đã công bố, nhất là các cty có thị phần cao thì tỷ lệ ký quỹ đã tăng, thậm chí, đã có các cty chạm trần như MBS, VDS hay FPTS. Cho vay nhiều hơn, thì khi thị trường giảm điểm áp lực giải chấp để thu hồi vốn sẽ nhiều hơn nếu nhà đầu tư không có tiền nộp bổ sung vào tài khoản.

Về đánh giá áp lực giải chấp của các công ty chứng khoán, ông Phạm Hồng Sơn cho biết thời gian qua do thị trường giảm điểm nên áp lực chắc chắn là có. Song dù thị trường giảm 8/9 phiên gần đây, áp lực không đến mức các công ty chứng khoán giải chấp nhiều.

Hoạt động giải chấp của các công ty chứng khoán được đánh giá cũng tác động phần nào đến thị trường

Thị trường chứng khoán của Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh gía là hấp dẫn vì mức PE thấp 13-14 lần lợi nhuận của 2022. Đây là số hấp dẫn khi so với các nước trong khu vực là 17.

Cùng với đó là các yếu tố cơ bản, tăng trưởng và giá trị của doanh nghiệp. Mới đây nhất, hồi cuối tháng 3, tổ chức Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở triển vọng "tích cực". Tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023, dẫn dắt bởi sự phục hồi của cầu trong nước, xuất khẩu và dòng vốn FDI.

Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã cố gắng làm mọi cách để giữ ổn định thị trường và phát triển lành lạnh. Tuy nhiên thị trường chứng khoán, sự lên xuống là do cung/cầu trên thị trường, thuận mua/vừa bán… nên với mỗi nhà đầu tư cần thiết lập một cơ ché quản trị rủi ro, quản trị cảm xúc để hạn chế chạy theo đám đông, hành động theo tin đồn thất thiệt. Có như vậy, sự sáng suốt của từng nhà đầu tư sẽ là bệ đỡ vững chắc cho một thị trường tăng trưởng bền vững, trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế.


Hoạt động giải chấp của công ty chứng khoán tác động thế nào lên thị trường? Có nên tách bạch hoạt động tự doanh khỏi các công ty chứng khoán? Cơ quan quản lý sẽ có những động thái nào để tiếp tục làm minh bạch thông tin trên thị trường? Những câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 20/4.

Chia sẻ Facebook