Vốn cho startup công nghệ: Bữa tiệc kết thúc
Nguồn vốn khan hiếm khi các quỹ đầu tư mạo hiểm trở nên “keo kiệt”, buộc các công ty mới thành lập phải tiết kiệm và tập trung vào điểm hòa vốn.
Theo Bloomberg, sự thay đổi chóng mặt trong đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ đang làm thay đổi vận may của những người sáng lập. Hiện tại, startup đối mặt với vấn đề sa thải nhân sự, các nhà đầu tư hoài nghi, dòng vốn rút đi và triển vọng định giá thấp hơn.
Năm ngoái, công ty khởi nghiệp về thương mại điện tử Thrasio LLC dự kiến định giá từ 10 tỷ USD trong một thỏa thuận tài trợ giúp công ty 4 năm tuổi này sẽ niêm yết trên sàn. Thỏa thuận không xảy ra và Thrasio, công ty tập hợp các nhà bán lẻ bán trên trang Amazon, tiếp tục đốt hơn 3,4 tỷ USD nợ và vốn chủ sở hữu huy động được. Trong những tuần gần đây, Thrasio cắt giảm gần 20% lực lượng lao động, thay giám đốc điều hành mới, khắc phục hậu quả của việc mua lại và thu nhỏ các dự án kỹ thuật.
Thrasio và nhiều công ty khởi nghiệp được hưởng lợi nhiều năm qua nhờ lãi suất thấp và sự sụt giảm số lượng cổ phiếu của các công ty đại chúng. Điều này thúc đẩy các nhà đầu tư mạo hiểm. Xu hướng tăng nhanh vào năm 2020 khi các biện pháp kích thích và động thái cứu trợ đại dịch tạo ra dòng vốn giá rẻ. Lúc này, một số nhà đầu tư đổ xô vào các công ty khởi nghiệp vì những hạn chế của đại dịch khiến những ứng dụng và dịch vụ số trở thành loại tài sản được quan tâm.
Thời thế thay đổi
Tuy vậy tình thế thay đổi nhanh chóng. Nhiều quỹ đầu tư lớn đang bỏ rơi các công ty khởi nghiệp. Các nhà đầu tư mạo hiểm đang hạn chế việc định giá cao và yêu cầu công ty chi tiêu ít hơn và cải thiện tỷ suất lợi nhuận. Hiện tại, các công ty khởi nghiệp dường như tăng trưởng nhanh chỉ vài tháng trước khi phải sa thải nhân viên, cắt giảm chi phí tiếp thị, hủy bỏ các dự án và làm bất cứ điều gì có thể để kiếm tiền.
Mike Volpi, đại diện quỹ đầu tư mạo hiểm Index Ventures nhận định: "Đây là sự điều chỉnh thích hợp, sự kết thúc của một chu kỳ".
Hồi tháng 3, Giám đốc điều hành của một công ty khởi nghiệp Doug Ludlow cảnh báo với các nhà đồng sáng lập trên Twitter: "Nếu bạn chưa đạt được điểm hòa vốn, hãy bắt đầu ngay lập tức. Bởi vào năm 2022, các quỹ sẽ ồ ạt rút lui".
Ông Doug Ludlow cho biết phải đưa ra kế hoạch cho công ty dịch vụ tài chính 3 năm tuổi của mình là MainStreet Work, để hòa vốn trong 6 tháng đến một năm. Quá trình này khiến công ty phải sa thải 45 người, khoảng 1/3 tổng lực lượng lao động. "Mỗi USD bạn phải đối xử như thể đó là USD cuối cùng bạn có thể có", vị này nói.
Matt Schulman, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp phần mềm Pave, cho biết các nhà đầu tư của ông đang xem xét tỷ suất lợi nhuận gộp theo cách chưa từng làm trước đây. Pave, công ty giúp người sử dụng lao động phát triển kế hoạch trả công và thảo luận với nhân viên, định vị lại từ một dịch vụ giúp các công ty tuyển dụng sang một dịch vụ giúp các công ty giữ chân nhân viên. "Khi việc tuyển dụng khó khăn, chiến lược của chúng tôi trở nên hợp lý", Matt Schulman chia sẻ.
Tờ WSJ nhận định: "Việc thoái trào của vốn đầu tư mạo hiểm là sự điều chỉnh từ những đỉnh cao bất thường. Các nhà đầu tư rót 1,3 nghìn tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp trong hơn một thập kỷ, tạo ra hàng trăm công ty hàng năm đạt mức định giá hàng tỷ USD, thu hút sự quan tâm từ các chính phủ nước ngoài và các quỹ đầu tư hàng đầu".
Các quỹ đầu tư mạo hiểm huy động được 132 tỷ USD để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong năm 2021, gần gấp đôi số tiền từ năm 2019 và gấp 6 lần tổng số tiền huy động được một thập kỷ trước, khi số lượng quỹ chỉ bằng 1/3 so với hiện nay. Theo số liệu PitchBook Data, trong quý 4 năm ngoái, các khoản đầu tư mạo hiểm đạt mức kỷ lục 95 tỷ USD.
"Đang cần quá nhiều tiền để triển khai thay vì một kế hoạch hiệu quả và khôn ngoan", một chuyên gia nhận định. Theo dữ liệu từ các công ty đầu tư mạo hiểm, hệ số định giá được cho là có thể chấp nhận được với các công ty khởi nghiệp phần mềm đạt 100 lần doanh thu hàng năm, gần 10 lần so với định mức trước đó trong ngành này.
Các công ty khởi nghiệp huy động được số tiền lớn ở mức định giá cao phải đối mặt với áp lực tăng trưởng. Điều này khiến nhu cầu tuyển gấp nhân viên và thực hiện các thương vụ mua lại. Một số nhà đầu tư và người sáng lập startup cho biết tại nhiều công ty, chất lượng công việc giảm sút, việc mua lại không được quan tâm, lãnh đạo mất tập trung và lượng tiền mặt bị tiêu tăng vọt.
Các quỹ thua lỗ
Cổ phiếu của công ty mẹ của Facebook là Meta và Amazon giảm hơn 30% trong năm nay, Apple, Microsoft và Alphabet đều giảm khoảng 20%, Netflix giảm 69%. Chỉ số S&P 500 giảm 16% kể từ đầu năm và Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm hơn 1/4 so với mức cao trong tháng 11.
Với việc tăng lãi suất để chống lại lạm phát 8%, các công ty khởi nghiệp trở nên ít hấp dẫn hơn.
Coatue Management LLC và D1 Capital Partners tuyên bố dừng đầu tư vào công ty khởi nghiệp khi thị trường chứng khoán suy giảm.
SoftBank Group, công ty vận hành 2 quỹ đầu tư khởi nghiệp báo cáo khoản lỗ 26,2 tỷ USD. SoftBank cho biết tiến hành cắt giảm một nửa thậm chí 3/4 số lượng các khoản đầu tư cho khởi nghiệp trong tháng 3 so với năm ngoái.
Theo thống kê, tổng cộng khoản đầu tư mạo hiểm giảm 26% trong 3 tháng đầu năm nay so với quý thứ 4 năm ngoái. Theo dữ liệu của Carta, từ cuối năm ngoái đến quý 1/2022, định giá cho một nhóm công ty khởi nghiệp tiềm năng giảm trung bình 42%.
Nhà đầu tư mạo hiểm David Sacks cho biết sự suy giảm về nguồn tài trợ khiến tâm lý ở Thung lũng Silicon trở nên "tiêu cực nhất kể từ sau vụ sụp đổ dot com".
Reef Technology, công ty xây dựng nhà bếp cho dịch vụ giao đồ ăn trên bãi đậu xe, phải vật lộn để huy động vốn. Ban đầu công ty tìm kiếm tới 1 tỷ USD. Khi thị trường thắt chặt và nguồn vốn trở nên khó đảm bảo hơn, Reef cắt giảm hàng trăm nhân viên, đóng cửa nhà bếp và trì hoãn việc thanh toán các hóa đơn. Thực tế, công ty chỉ đạt được thỏa thuận tài trợ hơn 250 triệu USD.
Sự điều chỉnh cần thiết
Sự giảm sút về vốn đầu tư không dẫn đến sự phá sản với các startup công nghệ. Các nhà đầu tư cho biết, quá trình chuyển đổi số là xu hướng không thể đảo chiều trên toàn cầu trong tương lai.
Nhiều công ty khởi nghiệp vẫn nhận được đầu tư lớn, rủng rỉnh tiền mặt và chỉ cần tiết chế chi tiêu hơn. Tuy vậy, quá trình điều chỉnh đang diễn ra và sự cân bằng sẽ được thiết lập. Theo đó, các nhà đầu tư mạo hiểm đang đòi lại một phần quyền lực từ những người sáng lập công ty.
Nhiều giao dịch gần đây có thêm điều khoản có thể lấy lại số tiền đầu tư trong trường hợp định giá của một công ty khởi nghiệp giảm trong vòng gọi vốn hoặc chào bán công khai trong tương lai. Một số nhà đầu tư không ấn định mức định giá của startup cho đến khi có thể đánh giá doanh thu và khoản lỗ của startup này vào cuối năm.
Theo Bảo Nhi
BizLive