Vốn cho doanh nghiệp: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no"
Các chính sách hỗ trợ tín dụng, lãi suất cho doanh nghiệp cần được thực hiện sớm, bởi đối với đơn vị cần tiếp cận vốn thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no".
Phát biểu tại Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” ngày 22/3, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh, để nắm bắt các cơ hội phát triển trong những năm tiếp theo, tái định vị doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh là vấn đề mấu chốt.
Theo đó, tái định vị doanh nghiệp gắn liền với tư duy mới: phát triển bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững.
Các giá trị phát triển bền vững của doanh nghiệp cần được định hình và xây dựng dựa trên đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển.
Mặt hàng xuất khẩu thế mạnh đang suy giảm
Bàn về khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp hiện nay, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn cả ở bình diện kinh tế, thương mại và chính trị.
Đặc biệt cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn còn rất diễn biến hết sức căng thẳng và bất định, để lại nhiều hệ lụy khó lường với nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, thị trường tài chính ở một số nền kinh tế (như Mỹ, Thụy Sỹ...) đã có những xáo trộn không nhỏ do hệ lụy từ những vụ việc của các ngân hàng Silvergate Bank, Silicon Valley Bank, Signature Bank, Credit Suisse.
Theo bà Minh, trong Báo cáo cập nhật tháng 3/2023 của World Bank đã dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể tăng trưởng ở mức 6,3%. Vậy nên, nhu cầu trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng do lạm phát có thể gia tăng và thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động lớn trong năm 2023. Điều này sẽ đặt ra khó khăn không nhỏ đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Từ đó, bà Minh chỉ ra những khó khăn, thách thức chính mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Cụ thể, thứ nhất, tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
“Đáng chú ý, đã xuất hiện tình trạng suy giảm các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành may mặc, da giầy… vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam", bà Minh đánh giá.
Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn.
Đồng thời, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khoảng 97-98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp này đều gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận tài chính chính thức.
“Mặt khác, những khó khăn trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu thời gian vừa qua đã làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp thông qua các kênh này”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế nhận định.
Thực hiện sớm Chính sách hỗ trợ tín dụng, lãi suất
Đưa ra định hướng tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, bà Minh cho rằng cần duy trì, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá tiếp tục là những ưu tiên quan trọng để hỗ trợ và tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp.
Điểm quan trọng là các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm, bởi đối với doanh nghiệp cần tiếp cận vốn thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Theo đó, Chính phủ cũng cần sớm ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Cũng đưa ra gợi ý cho doanh nghiệp trong bối cảnh đầy khó khăn hiện tại, bà Lâm Thuý Nga - Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, ngân hàng HSBC Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp cần chủ động học hỏi, tìm tòi từ các hoạt động chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp, từ các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, những xu hướng kinh doanh, đầu tư của thế giới, những yêu cầu mới của người tiêu dùng, các công nghệ tiên tiến…
Theo bà Nga, đầu tư vào các hoạt động R&D đã được chứng minh ở nhiều quốc gia là chất xúc tác giúp đổi mới sáng tạo thành công. Vậy nên, với những doanh nghiệp có tiềm lực, đây nên là hoạt động cần chú trọng.
“Chính phủ cũng cần có những đầu tư tương xứng cho lĩnh vực này trong toàn bộ nền kinh tế. Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao, với chính sách khuyến khích FDI chất lượng và giá trị cao của Chính phủ thời gian qua, việc đầu tư cho R&D là hoàn toàn có thể”, bà Nga khẳng định.
Đồng thời, hoạt động đổi mới sáng tạo cần có lực lượng nhân sự nòng cốt với kiến thức và chuyên môn phù hợp. Do đó, doanh nghiệp cần tuyển lựa, tạo điều kiện và đào tạo để những nhân sự tiềm năng có thể được trau dồi và phát huy hết năng lực trong quá trình này.
“Khi thế giới thay đổi, với tư cách là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và năng động bậc nhất, có độ mở lớn và đã tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không thể đứng yên. Và chúng ta hoàn toàn có năng lực để thực hiện điều đó”, đại diện HSBC nhấn mạnh.
Bà Nga cho rằng, nếu doanh nghiệp tận dụng tốt những lợi thế như vậy, nhanh chóng và tăng tốc hơn nữa thì có thể tạo ra nhiều giá trị lớn trong đổi mới sáng tạo .