Volkswagen 'thua đau' BYD ở Trung Quốc: Đừng quên cách iPhone soán ngôi Nokia 10 năm trước!
VietTimes – Volkswagen - hãng xe hơi hàng đầu của Đức - đang 'hụt hơi' trước sự trỗi dậy của các công ty Trung Quốc, nổi bật là BYD.
Vào năm 1978, một đoàn đại biểu Trung Quốc mặc kiểu áo Tôn Trung Sơn đã đến tận 'đại bản doanh' của Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). Họ mang tới một thông điệp gây ấn tượng mạnh đối với các nhà quản lý của hãng xe Đức: Trung Quốc đang mở cửa chào đón các nhà đầu tư sản xuất ô tô của nước ngoài.
Giờ đây, sau 4 thập kỷ ăn nên làm ra, Volkswagen đang phải gồng mình để giữ vững vị thế ở Trung Quốc - một siêu cường kinh tế mới nổi và cũng là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.
Trong khi các mẫu xe Porsche và Audi vẫn 'sống khỏe', thương hiệu ' flagship ' của hãng xe Đức - Volkswagen, đã bị BYD - tập đoàn đa ngành được Warren Buffett hậu thuẫn, có trụ sở tại Thâm Quyến - soán ngôi vương về số lượng xe bán chạy nhất tại Trung Quốc.
Nguồn: Financial Times (Việt hóa: N.A)
Theo dữ liệu của Financial Times , trong phân khúc xe điện, thương hiệu Volkswagen của hãng xe Đức chỉ xếp thứ 9, với thị phần vỏn vẹn ở mức 2%. Trong khi đó, BYD giữ vị trí dẫn đầu với thị phần lên tới gần 40%, xếp ngay sau họ là Tesla của tỉ phú Elon Musk với hơn 10% thị phần.
Các nhà sản xuất xe điện tại Trung Quốc, bao gồm cả xe hybrid (xe lai điện) và xe chạy pin, không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn đang đẩy mạnh việc bành trướng ra thị trường toàn cầu. Trung Quốc đã vượt qua Đức về xuất khẩu ô tô vào năm 2022 và được dự báo sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới trong năm nay.
Trong số 22 tỉ EUR lợi nhuận ghi nhận vào năm ngoái của Volkswagen, có tới một nửa đến từ thị trường Trung Quốc.
Bởi vậy, không quá lời nếu nói rằng, tương lai của Volkswagen, một trong những hãng xe lớn và có uy tín nhất của Đức, đang phụ thuộc vào quốc gia tỉ dân. Việc hụt hơi trong lĩnh vực xe điện - đã và đang là xu hướng chính của ngành công nghiệp ô tô - đang phủ bóng lên triển vọng lợi nhuận của Volkswagen.
Các nhà quản lý của Volkswagen vẫn chưa nhận ra mối đe dọa mà họ đang đối mặt tại Trung Quốc, tờ Financial Times dẫn lời một nhà tư vấn tại Thượng Hải cho hay.
"Rất nhiều người đã dành phần lớn cuộc đời ở Volkswagen. Tôi không nghĩ rằng họ có thể tưởng được sẽ có ngày Volkswagen không còn tồn tại. Điều đó đang ở trước mắt chúng ta", người này nói.
Trong khi đó, Volkswagen bày tỏ quan điểm rằng họ xem trọng lợi nhuận quan trọng hơn doanh số bán hàng. "Chất lượng kinh doanh được chúng tôi ưu tiên hơn số lượng", đại diện của hãng cho biết.
Tuần trước, hãng thông báo doanh số bán hàng quý 1/2023 vượt dự kiến, được thúc đẩy bởi thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng tại Trung Quốc, doanh số của hãng đã giảm tới 15%. Dù vậy, Volkswagen vẫn tỏ ra tự tin. Họ dự báo rằng dòng sản phẩm mới và "công nghệ đặc thù Trung Quốc" sẽ giúp tăng doanh số bán hàng trong nửa cuối năm nay.
Thách thức của Volkswagen
Thách thức mà Volkswagen đang phải đối mặt không chỉ là các vấn đề về công nghệ. Đức đang xoay sở để giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga, đồng thời giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế quốc gia này.
Tuy vậy, Volkswagen vẫn quyết 'chơi lớn' ở quốc gia tỉ dân. Thời gian qua, công ty này đã thông báo về các khoản đầu tư trị giá gần 4 tỉ EUR ở Trung Quốc.
Năm ngoái, công ty đã điều Ralf Brandstätter - Thành viên hội đồng quản trị chịu trách nhiệm về thị trường Trung Quốc - tới Bắc Kinh để “hợp tác chặt chẽ hơn” với ba đối tác liên doanh chính của họ là các công ty ô tô quốc doanh FAW, SAIC và JAC của Trung Quốc.
Kế hoạch mới của Volkswagen được quảng bá là "ở Trung Quốc, cho Trung Quốc", một kế hoạch nội địa hóa sản xuất tại Trung Quốc như một cách để hóa giải các cú sốc về chuỗi cung ứng và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa phương Tây và Trung Quốc.
Khi Brandstätter lên sân khấu tại triển lãm ô tô Thượng Hải vào tháng trước, ông không đề cập đến tình hình địa chính trị, thay vào đó ông nói về cách mà công ty sẽ tái chiếm thị trường.
Một trung tâm sáng tạo trị giá 1 tỉ EUR vào Horizon Robotics - công ty thiết kế vi mạch Trung Quốc - sẽ được xây dựng. Công ty phần mềm Cariad của Volkswagen cũng sẽ tăng gấp đôi số lượng kỹ sư tại Trung Quốc lên 1.200 người.
Theo Brandstätter, kế hoạch chi hàng tỉ USD này sẽ rút ngắn 1/3 thời gian phát triển sản phẩm và tạo nhiều quyền tự chủ hơn cho bộ phận Volkswagen tại Trung Quốc.
"Khách hàng Trung Quốc có những nhu cầu và yêu cầu đặc thù so với những thị trường khác trên thế giới", Giám đốc điều hành của Volkswagen, Oliver Blume, nói khi đứng cạnh Brandstätter tại triển lãm ô tô. "Điều quan trọng là tất cả các sản phẩm do chúng tôi phát triển phải gần gũi với khách hàng".
Nhưng các nhà tư vấn, các chuyên gia phân tích và các cựu nhân viên Volkswagen, lại tỏ ra hoài nghi về kế hoạch của hãng xe này tại Trung Quốc.
Một mẫu xe của Volkswagen (Nguồn: caranddriver.com)
Các quyết định về thiết kế và kỹ thuật thường gặp những trở ngại giữa 'đại bản doanh' ở Wolfsburg và các văn phòng và nhà máy của Volkswagen tại Trung Quốc. Các mẫu xe Volkswagen được phát triển ở Đức cho khách hàng châu Âu trước khi được điều chỉnh để trở thành sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, dành cho người tiêu dùng Trung Quốc.
Trong nhiều năm qua, hệ thống này không gặp nhiều vấn đề. Các đối thủ Mỹ và Nhật Bản cũng làm điều tương tự và người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng trả mức giá cao cho tất cả các sản phẩm nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện tại, điều này khiến cho nhân viên của Volkswagen cảm thấy bị ràng buộc và mất đi quyền tự chủ khi đối thủ của họ ở Trung Quốc giới thiệu các công nghệ lái xe thông minh và mô hình xe điện mới.
Theo một cựu chủ tịch Volkswagen - người đã rời công ty trong những năm gần đây để tham gia vào một hãng sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc - hãng xe của Đức đang trả giá cho sự bảo thủ trong việc phát triển xe điện, trong khi các công ty khá đang “ném đá dò đường".
Vị này cho hay, trong quá trình chuyển đổi sang các mẫu xe điện, Volkswagen vẫn "phụ thuộc rất nhiều" vào các nhà cung cấp chính sản xuất các bộ phận cho động cơ đốt trong. Điều này có nghĩa là Volkswagen đã tụt lại phía sau so với đối thủ không chỉ tại Trung Quốc mà còn là Tesla.
"Volkswagen là một gã khổng lồ trong ngành sản xuất ô tô sử dụng nhiên liệu . . . Điều này (chuyển đổi sang các mẫu xe điện-PV) giống như yêu cầu một con voi quay đầu", vị này nói.
Một công ty tư vấn của Volkswagen tại Thượng Hải cho biết nhóm của họ ở Trung Quốc đang gặp khó khăn do các phần mềm đã lỗi thời được sử dụng cho các mẫu xe mới.
"Họ có thể cung cấp những chiếc xe điện đẹp, điều đó không phải là vấn đề gì cả, nhưng phần mềm thì quá lỗi thời, điều đó thật sự là đáng xấu hổ, " ông nói.
"Nó có thể đủ tốt với khách hàng châu Âu thêm vài năm nữa. Nhưng đối với thị trường Trung Quốc thì khác. Nếu họ không thể giải quyết được điều đó, họ sẽ gặp rắc rối trong việc ra mắt sản phẩm mới trong khoảng một hoặc hai năm - điều đó thật sự có thể giết chết một công ty ", ông nói thêm. Để giải quyết vấn đề này, Volkswagen đã sa thải gần hết các nhà quản lý tại chi nhánh phần mềm của mình vào thứ Hai vừa qua.
Bài học từ iPhone và Nokia
Được thúc đẩy bởi cam kết sản xuất xe điện tại Thượng Hải của Tesla , năm 2018, Bắc Kinh đã bãi bỏ hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với các nhà sản xuất ô tô. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Volkswagen và các công ty nước ngoài khác lo ngại sẽ làm phật lòng các đối tác liên doanh lâu đời của họ và mảng kinh doanh sinh lời mà họ tạo ra.
"Họ sẽ tiếp tục 'vắt sữa', nhưng bò sẽ không sống được lâu hơn", Bill Russo, người từng là giám đốc điều hành của Chrysler tại Trung Quốc và là người sáng lập công ty tư vấn Automobility ví von.
Mối lo ngại của các đối tác và quan chức Trung Quốc cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai phát triển của nhà máy Volkswagen đặt tại Tân Cương, khiến Volkswagen đã phải loại trừ khả năng đóng cửa nhà máy này.
Trong khi hoạt động của Volkswagen gặp nhiều thách thức, các công ty địa phương lại nổi lên nhanh chóng. Li Auto, Xpeng và Nio đang đưa các mẫu xe hơi giá cả phải chăng của họ tiến gần hơn đến khả năng lái tự động.
Một nhân viên cũ của Volkswagen tại Trung Quốc cho biết công ty đã quá "chậm chân" trong việc nhận thức được việc khách hàng tại Trung Quốc giờ đây chú trọng tới công nghệ của xe như thế nào. Điều này đã dẫn đến sự khác biệt lớn về dịch vụ và tính năng được cung cấp bởi các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc và những gì có sẵn trong các chiếc xe của tập đoàn Đức.
"Nó tựa như việc so sánh iPhone với Nokia cách đây 10 năm trước", người này nói./.
Nguồn tham khảo: Financial Times