Vợ rapper Tiến Đạt: 'Mẹ chồng rất tôn trọng tôi'
Báo VnExpress ngày 19/06 đưa thông tin với tiêu đề: "Vợ rapper Tiến Đạt: 'Mẹ chồng rất tôn trọng tôi'" cùng nội dung như sau:
Thụy Vy - bà xã rapper Đinh Tiến Đạt - cho biết mẹ chồng có tư tưởng tiến bộ, tôn trọng cô và không can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh của con cái.
Thụy Vy sinh năm 1991, từng làm việc ở lĩnh vực truyền thông trước khi hỗ trợ ông xã kinh doanh chuỗi cửa hàng cà phê. Cô và rapper Tiến Đạt lên xe hoa cuối năm 2018. Cả hai chào đón con trai đầu lòng hồi tháng 10/2019, rồi quý tử thứ hai ra đời tháng 8/2023.
Bận rộn công việc nhưng Thụy Vy vẫn cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho con. Cô chia sẻ với Ngôi Sao về cuộc sống hôn nhân, quá trình nuôi dạy hai bé cũng như mối quan hệ với người thân và bạn bè của chồng.
- Cuộc sống của chị thay đổi thế nào từ khi cưới Tiến Đạt?
- Tôi thấy cuộc sống của mình xoay ngược 180 độ luôn. Trước đây, cứ cuối tuần là tôi xách giỏ đi chơi với bạn bè, lê la mấy quán cà phê, xem kịch, xem phim, xa hơn thì có thể đi Đà Lạt, Mũi Né, Đà Nẵng, Hà Nội, nói chung cứ di chuyển miết. Khi tôi mới quen anh Đạt cũng vậy, hai đứa có điểm tương đồng là thích du lịch. Chúng tôi quen biết nhau trong chuyến đi chơi Đà Lạt cùng nhóm bạn, sau đó đi chung vài lần nữa rồi từ từ nảy sinh tình cảm. Tôi có giấc mơ màu hồng là mai mốt cưới về cũng đi chơi như vậy thôi vì hai người quá giống nhau về quan điểm du lịch. Nhưng không, mọi chuyện khác hoàn toàn.
Trước đây, chúng tôi du lịch theo kiểu cắm trại, lên núi lên đồi, ở xuyên đêm trên đó, hoặc trekking, lội suối rất vui. Sau khi cưới thì tôi có bầu liền, tôi nghĩ đó là cột mốc đáng kể nhất. Sinh con xong, nghỉ dưỡng thì chỗ ở phải khác, cái gì cũng cần tiện nghi hơn và mình sẽ nghĩ cho con nhiều hơn bản thân, đi thế nào cho con không bị mệt. Trước đây vô lo vô nghĩ, có con rồi thì làm gì cũng phải cân nhắc. Thực ra tôi thấy hối tiếc một chút vì vừa cưới đã cấn bầu, chưa kịp tận hưởng cuộc sống vợ chồng son. Lúc đó tôi kiểu rất ngây thơ, không lên kế hoạch gì hết, trời cho thì nhận thôi. Thêm nữa, anh Đạt hơn tôi 11 tuổi nên sinh con luôn cũng được, vì cả anh ấy lẫn gia đình đều mong ngóng. Nhưng thực sự tôi không nghĩ là sẽ có em bé liền. Mọi người còn đồn chúng tôi cưới chạy bầu.
Tôi là con út trong nhà, đã có nhiều cháu và kha khá kinh nghiệm chăm con nít nên không quá lo lắng. Anh Đạt muốn mọi thứ tự nhiên, nói tôi cứ để con ra ngoài chơi và tiếp xúc nhiều, nó bệnh cũng được, sẽ có thêm sức đề kháng và cứng cáp hơn. Còn với các bà mẹ như tôi, sự quan tâm sẽ khác đàn ông, luôn sợ con bị này bị kia. Chưa kể nếu con ốm thì mẹ là người cực nhất, nó sẽ mè nheo, ôm bám nên mình không làm được việc. Con tôi cũng khá tội nghiệp bởi vừa được ba tháng tuổi thì đại dịch xuất hiện, suốt quãng thời gian đó tôi không dám cho con ra ngoài chơi vì chưa có vaccine và chúng ta không biết tình hình sẽ thế nào. Con cứ ở nhà như thế, đến khi bé 18 tháng thì thành phố đóng cửa, trong khi lẽ ra được đi học rồi. Thế là tiếp tục ở nhà với tình trạng còn kinh khủng hơn. Lúc bé được ra ngoài chơi thì đã 28 tháng tuổi. Thời điểm đó, cả gia đình bị stress, con cũng dễ cáu hơn và tôi có cảm giác bé không được lanh hay bạo dạn do chưa có môi trường để tiếp xúc, làm quen.
Ngoài ra, công việc của tôi cũng khác hẳn. Trước khi kết hôn, tôi làm ở lĩnh vực truyền thông, cảm thấy cuộc sống màu hồng vì được theo ngành mình thích. Tuy nhiên, khi tính chuyện kết hôn với anh Đạt, tôi nghĩ công việc của mình quá mất thời gian. Tôi đảm nhận những thứ liên quan đến báo chí và sản xuất sân khấu, giai đoạn gần cưới vẫn đi sớm về khuya, liên tục ở công ty tới đêm. Tôi tự nhủ nếu cứ như vậy thì không biết cuộc sống hôn nhân sẽ thế nào, chắc phải tạm nghỉ một thời gian.
Sau khi kết hôn, tôi nghỉ việc và bắt đầu phụ ông xã kinh doanh lĩnh vực F&B. Lúc mới quen Tiến Đạt, thấy anh ấy vận hành hai thương hiệu cà phê, tôi đã nghĩ: "Ủa, sao anh này làm kiểu rất nghệ sĩ, mọi thứ cứ bay bổng mà không chuyên nghiệp lắm". Anh ấy có rất nhiều ý tưởng nhưng loay hoay không biết thực hiện chúng thế nào. Tôi bắt đầu hỏi anh có muốn xây dựng thành chuỗi, đưa mọi thứ vào quy trình bài bản không, thì anh ấy nói muốn nhưng chưa làm được. Vậy là tôi nghĩ mình sẽ giúp anh ấy vụ này, bởi đó cũng là thế mạnh của tôi.
- Cụ thể, chị hỗ trợ chồng ra sao trong công việc của anh ấy?
- Chuyên môn của tôi là truyền thông, nói đến chuyện set up thế nào thì trong đầu đã chạy số hết rồi. Nhưng sau khi kết hôn và bắt đầu giúp anh Đạt, tôi mới nhận ra mọi thứ không như mình nghĩ. Tất cả đều xa vời với tôi, vì bản thân chuyên về lĩnh vực sân khấu và nó hoàn toàn khác F&B. Khi bắt tay xây dựng mọi thứ, nó không chỉ liên quan đến truyền thông mà còn rất nhiều vấn đề như nhân sự, nguồn hàng, cách vận hành... Thêm nữa, tôi cấn bầu sau đám cưới chỉ khoảng một tháng. Quá nhiều thứ đến cùng lúc khiến tôi rất hoang mang.
Sau khi sinh em bé, tôi tĩnh tâm và nhận thấy mình phải thay đổi, không thể mãi loay hoay như vậy. Thế là hai vợ chồng ngồi lại với nhau tính toán nhiều thứ, lên kế hoạch đi học bài bản. Anh Đạt trước đây kinh doanh cà phê thì không học nhiều về cách vận hành, nhưng lại nắm rất rõ những thứ liên quan đến chất lượng sản phẩm. Chúng tôi phân chia công việc rõ ràng, phần vận hành và truyền thông là tôi lo, còn anh Đạt phụ trách về sản phẩm. Nhờ chuyên môn hóa nên mọi thứ cũng hiệu quả hơn. Lúc ấy, chúng tôi quyết định dừng hai thương hiệu cà phê anh Đạt từng kinh doanh và mở chuỗi 4 cửa hàng như hiện tại.
- Nhiều người cho rằng chị may mắn vì được gả vào một gia đình có điều kiện như nhà Tiến Đạt, chị nghĩ sao về điều này?
- Thật ra tôi không biết thế nào gọi là có điều kiện, mọi người nghĩ vậy thôi. Khi quen và cưới anh Đạt, tôi không quan tâm chuyện đó. Tôi chỉ nhìn mối quan hệ giữa mọi người trong nhà thế nào, cuộc sống ra sao chứ không để ý gia đình anh có tài sản gì. Thời điểm tôi gặp Tiến Đạt, anh ấy đã tập trung kinh doanh và không còn đi diễn nữa. Hai đứa thống nhất là sẽ làm việc dựa trên khả năng của mình thay vì nhờ vả gia đình. Phụ huynh hai bên luôn muốn giúp đỡ, nhưng chúng tôi sẽ cân nhắc xem có cần nhờ đến mọi người không. Nếu có thể tự xoay được thì vẫn cứ làm, còn sự hỗ trợ từ gia đình chỉ là phương án cuối cùng thôi.
- Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu của chị như thế nào?
- Tất nhiên gia đình nào cũng có mâu thuẫn. Mẹ chồng tôi là người làm kinh doanh nên rất nhanh nhẹn, suy nghĩ hay làm gì cũng tốc độ lắm. Còn tôi xuất thân là dân truyền thông, khi bước vào ngành F&B thì muốn mọi thứ chậm mà chắc, kiểu: "Mẹ từ từ để con suy nghĩ đã". Khi tôi mới về làm dâu, nhiều lúc mẹ nói con phải như này như kia, tôi không đồng ý. Tư duy hai người khác biệt, khi nói chuyện sẽ thể hiện rõ quan điểm của mình nhưng không phải là cãi nhau. Mẹ luôn tôn trọng quyết định của con cái, đó là điều khiến tôi rất vui. Chẳng hạn mẹ hỏi: "Tại sao con lại mở thêm quán, đang dịch bệnh khó khăn mà?". Nhưng chiến lược của tôi và anh Đạt khác mẹ, chúng tôi nghĩ điều đó là đúng thì sẽ làm và cũng giải thích kỹ với mẹ. Chỉ vậy thôi, chứ mẹ không can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh của hai đứa.
Về cuộc sống gia đình, chúng tôi ở cùng mẹ chồng và em chồng. Anh Đạt có em trai và em gái nhưng cậu em đang sống riêng, còn em gái đã kết hôn và mọi người sống chung nhà luôn, vì ai cũng thích cảm giác gia đình quây quần. Em gái ông xã bằng tuổi tôi nên hai đứa rất hợp nhau. Tôi đối xử với mẹ chồng như mẹ đẻ, và hai bà sui cũng thân thiết, cùng nhau trông cháu. Tuy nhiên do có khoảng cách thế hệ, đôi khi hai mẹ suy nghĩ khác mình trong vấn đề nuôi con hay chăm sóc nhà cửa. Chẳng hạn, cách nuôi dạy con của tôi sẽ khác do mình được tiếp xúc nhiều thông tin hiện đại, còn gặp bác sĩ để tư vấn nhiều thứ. Dẫu vậy, hai người mẹ đều tôn trọng tôi, chứ không hề xảy ra mâu thuẫn.
Nếu tôi làm gì đó khiến mẹ chồng không vừa ý, bà sẽ nói thẳng, và ngược lại tôi cũng thế. Hai mẹ con đều mệnh Thổ, cung Bạch Dương nên tính cách khá tương đồng. Nhờ vậy, tôi hiểu được mình nên ứng xử ra sao. Mẹ chồng tôi cũng rất thoải mái, tư tưởng tiến bộ. Dịp Tết, bà còn nói các con muốn du lịch thì cứ đi, ở nhà mẹ lo hết, không cần cúng kiếng gì nhiều.
- Chị kết hôn cùng Tiến Đạt sau khi anh ấy chấm dứt mối tình 9 năm ồn ào với Hari Won, điều này khiến chị gặp áp lực gì?
- Tôi vốn là người không suy nghĩ quá nhiều. Những mối quan hệ trước đây của anh Đạt, tôi cũng đọc và biết nhiều qua truyền thông nhưng tôi rất tôn trọng anh ấy, chưa bao giờ hỏi hay cần anh ấy tâm sự về vấn đề này. Tôi cảm thấy nó không ảnh hưởng đến mình, bởi khi quen ai thì tôi nhìn vào hiện tại và tương lai nhiều hơn quá khứ.
Thời điểm hai đứa mới quen nhau, báo chí còn nhắc nhiều nhưng tôi thấy anh Đạt vẫn ổn. Chúng tôi có kinh nghiệm lâu năm với truyền thông nên cả hai đều hiểu rằng những gì thể hiện trên mặt báo hay mạng xã hội chỉ là thông tin một chiều. Có thể mọi người nghĩ, viết và bình luận như vậy nhưng thực tế chưa chắc đúng. Điều đó chỉ người trong cuộc mới biết.
Anh Đạt và người cũ có rất nhiều bạn bè chung, giờ họ vẫn chơi cùng hai người và với tôi một cách bình thường. Tôi không thấy chuyện đó ảnh hưởng gì. Vốn dĩ mối quan hệ giữa anh Đạt và chị ấy không hề căng thẳng. Mỗi người đã có cuộc sống riêng nên hạn chế nói chuyện với nhau, nhưng nếu gặp ở sự kiện thì vẫn chào hỏi bình thường. Trước chị Hari, chồng tôi có mối tình với chị Đài Trang nhóm The Bells và đến giờ tôi vẫn chơi khá thân cùng chị ấy.
- Trong hơn 5 năm chung sống, chị áp dụng bí quyết nào để giữ lửa hôn nhân?
- Thực ra tôi không có bí quyết gì cả, hai đứa sống với nhau dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu, như thế sẽ đi được đường dài. Đương nhiên không thể biết tương lai thế nào, hiện tại tôi cảm thấy khá ổn. Nếu có gì không hài lòng về nhau hoặc thấy người kia làm chưa đúng, chúng tôi sẽ trao đổi thẳng thắn, cùng suy nghĩ và nhìn nhận lại xem đối phương góp ý có đúng không, để từ đó sửa đổi bản thân.
Chẳng hạn trong chuyện kinh doanh đâu thể hợp ý nhau hoàn toàn, dù cả hai đã phân chia công việc rõ ràng, khi làm chung vẫn sẽ hỏi ý kiến nhau và đôi lúc phát sinh bất đồng. Tuy nhiên, quan trọng là sau đó thế nào. Khi cuộc tranh luận lên tới cao trào, một trong hai người sẽ bảo thôi mình dừng ở đây vì quan điểm khác nhau, và người kia sẽ không cố nói tiếp. Tính cách chúng tôi khá giống nhau ở điểm không thích tranh cãi. Mâu thuẫn sẽ được giải quyết vào dịp sau đó, khi cả hai tĩnh tâm sẽ phân tích cho nhau nghe tại sao lại nghĩ như vậy, rồi quyết định theo ý người nào.
Còn về đời sống riêng, chúng tôi may mắn có bà nội, bà ngoại và các dì phụ chăm con nên vẫn sắp xếp để thỉnh thoảng đi công tác, dự tiệc hay du lịch. Hoặc tối con ngủ, bà ngoại sẽ trông giúp để hai vợ chồng đi coi phim. Tôi và anh Đạt gần như gặp nhau 24/24 nên cũng không rõ khi nào là hẹn hò "hâm nóng".
- Đâu là cách chị cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình?
- Sau khi tôi sinh bé đầu lòng, thời gian đó là dịch nên công việc trì trệ, tôi có nhiều thời gian dành cho con và thường xuyên xuống bếp nấu ăn. Được cái là anh Đạt chăm con rất khéo nên những phần khó nhất như cho bé ngủ, dỗ nín khóc, tập cho con chơi thì anh ấy đảm nhận rồi. Những thứ còn lại rất đơn giản với tôi.
Thông thường, các bà mẹ sẽ chăm con đầu lòng rất kỹ, nhưng đến đứa thứ hai thì tôi không có nhiều thời gian như vậy nữa. Bé út hiện giờ 10 tháng tuổi, tôi đang cố gắng từ từ cân bằng để ở bên con nhiều hơn. Buổi sáng tôi ôm ấp đứa nhỏ, đưa anh lớn đi học rồi tất bật với công việc. Cứ có thời gian trống là tôi về nhà với con, mà cơ sở kinh doanh ở ngay tầng trên nên rất tiện.
Mấy tháng đầu bé út ngủ rất sớm, 19h đã vào giấc nên tôi không thực sự có nhiều thời gian cho con. Nhưng hai tháng gần đây, tôi phải chia lại công việc để về nhà sớm, bởi giai đoạn này con đã nhận thức nhiều hơn, cần sự xuất hiện của mẹ. Thêm nữa, bà hay cô nanny không thể chăm bé được như mẹ. Vợ chồng tôi khá cầu toàn trong việc nuôi con, hướng đến mục tiêu tự lập, chẳng hạn muốn bé cứng cáp thì phải thả con xuống để nó tự bò, trườn, xoay xở đủ thứ. Chắc chắn bà ngoại sẽ không làm vậy, vì bà xót cháu, cả cô nanny cũng sợ nó té nên không thể hướng dẫn con được như mình.
Ba mẹ sẽ có trách nhiệm với con nhiều hơn, dạy con tốt hơn nên hai vợ chồng bàn bạc để sắp xếp thời gian đưa anh lớn đi học xong phải về chơi với đứa nhỏ một chút rồi mới bắt đầu công việc. Chiều cũng phải về sớm chơi với bé út, khi đứa lớn đi học về thì dành thời gian cho cả hai. Con đầu lòng của tôi hơi chậm nói do ở nhà quá nhiều trong đợt dịch, nên tôi càng phải dành thời gian cho bé và đưa con đi học can thiệp ngôn ngữ.
- Vợ chồng chị phân chia vai trò thế nào trong việc nuôi dạy hai con?
- Thời gian đầu con lớn đi học, chúng tôi cùng đưa đi và đón về để cậu nhóc yên tâm. Sau đó hai vợ chồng bận rộn hơn, tôi lại có bầu em bé thứ hai nên phân chia người này đưa đi, người kia đón về. Bạn lớn vẫn chậm nói nên buổi chiều phải học can thiệp một tiếng nữa. Quỹ thời gian trong ngày của chúng tôi dành cho việc kinh doanh không được nhiều vì đa phần dành cho đứa lớn, nhưng tôi muốn giúp con cải thiện và thấy việc đó cần thiết cho bé nên tôi sẽ duy trì.
Hai vợ chồng thỏa thuận với nhau, khi dạy con thì "một người đánh, một người xoa" chứ không phải cả hai đều mắng, khiến con bị tổn thương. Bởi những đứa trẻ không thể nghĩ được kiểu: ba mẹ muốn tốt cho mình nên mới mắng. Cứ hình dung là chúng đang xem TV hay muốn món đồ chơi nào đó mà ba mẹ cắt ngang, dẹp ngay lập tức để đi ngủ, nếu là mình cũng sẽ rất bực. Tôi đã có kinh nghiệm trông cháu nên với con cũng vậy, tôi sẽ thông báo trước để bé chuẩn bị tinh thần: "Con ơi, 5 phút nữa đi ngủ nha". Tôi thấy rất nhiều nhà dẹp ngay, bản thân anh Đạt trước đây cũng thế, nên tôi đã góp ý với anh ấy.
Khi con bướng bỉnh, đòi hỏi, gây chuyện, nếu anh Đạt ở đó thì anh ấy sẽ dạy con và tôi đi ra, hoặc ngược lại. Không có chuyện ba đang dạy mà mẹ vào ôm ấp con hoặc nạt nộ ba. Chúng tôi muốn bé hiểu rằng làm sai thì phải chịu trách nhiệm và bị phạt. Sau đó, mẹ sẽ ôm con và giải thích là hồi nãy con hư thế nào. Anh Đạt thường nghiêm khắc hơn vợ. Tôi cũng có mắng và phạt con nhưng khoảng thời gian ngắn hơn.
Hai bé nhà tôi đều là con trai nên anh Đạt sẽ dạy chúng nhiều về mindset. Anh ấy cũng hướng dẫn con rất tốt về logic, lắp ráp, leo trèo. Còn vấn đề ăn uống, tắm rửa, sinh hoạt thì tôi lo.
- Chị cảm nhận ra sao về Tiến Đạt trong vai trò người chồng, người cha?
- Tôi thấy anh ấy đang làm rất tốt cả hai vai trò. Để một người cân bằng được việc kinh doanh và gia đình như anh Đạt là rất khó. Tôi nghĩ ông xã còn có thể làm tốt hơn, nhưng quỹ thời gian không cho phép.
Anh ấy đối xử với tôi rất tốt, dù không phải người lãng mạn. Chẳng hạn mua hoa, mua quà tặng vợ, nhớ tới ngày lễ Tình nhân, những điều đó không có ở anh Đạt. Bù lại, anh ấy có cách quan tâm khác. Ví dụ về sức khỏe, ông xã thấy tôi mệt mỏi trong người hoặc hơi dư cân thì sẽ hướng dẫn tập thể dục, thấy vợ gù lưng thì nhắc mở vai ra, còn chỉ cách ăn uống, giữ cửa cho tôi lên và xuống xe... Sự quan tâm của anh ấy rất thực tế. Mà tính tôi cũng hơi đàn ông nên thấy như vậy hợp với mình. Chứ quen ai quá lãng mạn, tôi sẽ sợ vì thấy kỳ lắm.
Phải nói là anh Đạt quá chiều vợ luôn, tôi muốn làm gì, đi đâu cũng được. Nhiều khi tôi trêu là anh trông con cho em đi chơi vài ngày nha, anh ấy đồng ý liền. Mỗi lần ông xã được bạn bè gọi ra ngoài ăn uống cũng rủ vợ đi cùng, tôi từ chối thì có khi anh ấy lại ở nhà. Rồi còn thích đưa đón tôi mỗi ngày. Hồi chưa cưới, cứ tầm 17-18h là anh Đạt hỏi: "Em xong việc chưa, anh qua đón". Tôi thấy anh ấy dính quá trời, hơn cả mức tôi mong muốn.
- Chị tác động thế nào đến quyết định tái xuất truyền hình của Tiến Đạt với chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai"?
- Khi nhận lời mời, anh Đạt tìm hiểu rồi hỏi vợ có nên tham gia không. Tôi đọc tên chương trình là biết nó như nào rồi, và bảo anh chơi đi, vui đó. Ông xã bỏ nghệ thuật đã lâu nhưng tôi cảm nhận anh ấy vẫn hứng thú lắm, nó ăn vào máu rồi. Tôi cũng biết thể lệ show là các anh trên 30 tuổi gặp nhau, chưa biết họ là ai nhưng đa phần đều chung thế hệ với anh Đạt. Tôi nghĩ đây là sân chơi để chồng giải tỏa năng lượng, làm mới bản thân sau thời gian dài đi học và kinh doanh.
Đúng là tôi tác động khá lớn đến quyết định của anh Đạt khi tham gia show này. Nếu tôi phản đối thì anh ấy sẽ gạt bỏ lời mời vì tôn trọng ý kiến của vợ. Kể cả ông xã rất thích, chỉ cần tôi nói không, anh ấy sẽ nghe.
- Nhịp sống thường ngày của hai vợ chồng thay đổi ra sao khi Tiến Đạt tham gia chương trình?
- Chúng tôi đều có quan điểm không làm thì thôi, đã nhận lời phải thực hiện cho tốt chứ không có ương ương dở dở. Khi quyết định tham gia show, anh Đạt phải đi tập nhảy, tập hát trở lại, nghe nhạc nhiều hơn, sau đó bắt đầu sáng tác, viết lời, dành nhiều thời gian cho chương trình. Vậy là tôi phải "cân" luôn phần việc của ông xã, cũng vì muốn anh ấy được nghỉ ngơi nhiều hơn để đảm bảo sức khỏe.
Đúng lúc nhận lời góp mặt trong show, chúng tôi khai trương quán cà phê thứ 4, dẫn đến công việc càng chồng chất. Khu vực quán đó được gọi là "thánh đường chạy bộ", anh Đạt lại là runner thuộc thế hệ kỳ cựu ở Việt Nam, từ 2017 đã chơi 70 km đường núi, nên giờ anh ấy tái khởi động, chạy nhiều hơn để mọi người nhớ tới. Mà việc tập nhảy, tập hát vẫn diễn ra song song. Đợt tháng Ba, anh ấy hoạt động như ba đầu sáu tay vậy, và việc chăm con, đưa đón các bé lại đến lượt tôi. Cũng may có bà ngoại và các dì hỗ trợ nhiệt tình nên tôi đỡ vất vả.
Trước đó, báo Phụ nữ mới ngày 17/06 cũng có bài đăng với thông tin: "Xemesis từng khẳng định chắc nịch Xoài Non là "bến đỗ" cuối cùng, cư dân mạng nhớ ngay câu nói của Hari Won!". Nội dung được báo đưa như sau:
Sau một quãng thời gian dài cư dân mạng liên tục đồn đoán về việc Xoài Non và Xemesis có bất đồng trong hôn nhân, soi "hint" cho thấy Xoài Non đã ra ở riêng, thì ngày 16/6 vừa qua, cả hai đã công khai với người theo dõi trên MXH về cuộc hôn nhân gián đoạn của mình, cho biết cặp đôi kết thúc trong êm đẹp.
Phản ứng của cư dân mạng chia thành nhiều luồng, tiếc nuối có, khó hiểu có. Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất là dân tình bỗng gọi tên Hari Won và Tiến Đạt khi mối tình của Xemesis và Xoài Non đi đến hồi kết.
Lý do xuất phát từ 1 điểm tương đồng này đây.
Cụ thể, trong vlog cách đây 4 năm, Xemesis và Xoài Non chơi trò đặt câu hỏi và giải đáp những thắc mắc của cư dân mạng. Xemesis nói mình đã qua lại với khoảng 150-200 cô gái khiến Xoài Non sốc. Ngay sau đó, anh lập tức trấn an, cho biết mối quan hệ của hai người với nhau là mối quan hệ nghiêm túc, có sự tin tưởng hoàn toàn khác so với những người yêu trước đây. Qua lời nói của Xemesis, nhiều cư dân mạng ngầm hiểu anh đang khẳng định Xoài Non chính là "chân ái" , "bến đỗ" cuối cùng của mình. Thời điểm video đó được đăng tải là khoảng 3 tháng trước khi Xemesis và Xoài Non đính hôn.
Xem đến đây và đối chiếu với hiện tại, cư dân mạng nhận ra "kịch bản" này vô cùng quen thuộc, hình như đã nghe ở đâu rồi.
Thì ra, Hari Won cũng từng có 1 niềm tin như vậy với mối tình cùng Đinh Tiến Đạt. Khi Trấn Thành đặt câu hỏi tìm hiểu cô đã có bao nhiêu mối tình thì cô không tiết lộ cụ thể nhưng khẳng định Đinh Tiến Đạt là người đàn ông cuối cùng của đời mình, phản hồi "Chắc!" khi được hỏi lại lần nữa. Và Trấn Thành trở thành chồng của Hari Won sau này, chứ không phải "người đàn ông cuối cùng" kia.
Có những điều cứ tưởng là "chân ái" cuộc đời nhưng hoá ra chưa phải. Kể từ đó, phát ngôn của Hari Won vẫn được lan truyền khắp trên mạng, một phần đã trở thành "meme" thường được sử dụng trong bình luận nhằm mục đích vui đùa.
Trước sự trùng hợp đến ngỡ ngàng giữa tình huống trên, dân mạng rút ra 1 điều: Tình yêu luôn khó đoán và nó không phải là một điều bất di bất dịch, một lúc nào đó tất cả đều sẽ thay đổi. Điều đó không có nghĩa chúng ta chưa từng thành thật với tình cảm của bản thân, mà đơn giản vì: Ai rồi cũng sẽ khác!
Dẫu sao, hạnh phúc của mỗi cá nhân đều là do họ tự quyết định, dù là lựa chọn như thế nào tin rằng tất cả đều hướng đến lựa chọn tốt đẹp nhất cho chính mình và đối phương.