Vợ phải biết khích lệ điểm mạnh của chồng thay vì chỉ biết cằn nhằn

Chia sẻ Facebook
22/05/2023 00:43:50

Cuộc hôn nhân có thể bền vững sau nhiều biến cố lớn, nhưng đôi khi lại rạn nứt chỉ vì điều không ai ngờ đến, đó là những lời cáu bẳn, cằn nhằn hàng ngày của quý bà, quý cô

Hầu hết đàn ông luôn tỏ ra chán chường, mệt mỏi với thói cằn nhằn của phụ nữ, thậm chí coi đó là nỗi ám ảnh trong cuộc sống hôn nhân. Không ít những trường hợp  vì không chịu nổi tật nói nhiều của vợ nên đã phản ứng theo những cách tiêu cực: chọn thái độ im lặng, trốn tránh, la cà sau giờ làm việc vì không muốn về nhà, bực dọc, cãi cọ… và thậm chí chọn giải pháp ly hôn.

Thói cằn nhằn của phụ nữ khiến đàn ông mệt mỏi. (Ảnh minh họa: Báo Phụ Nữ)


Rạn nứt vì vợ hay cằn nhằn

Nhiều ông chồng cứ than phiền có bà vợ hay cằn nhằn đến nhức đầu chóng mặt, các bà vợ thì cho rằng những lời than vãn là xuất phát từ sự yêu thương và có ý tốt giành cho gia đình, vì tức tối những thói xấu trong sinh hoạt hàng ngày, không kiềm được nên mới thế. Nhưng nhiều khi cái sự cằn nhằn này lại tạo tác dụng ngược.

Chị Linh ở xóm tôi có bản tính nói rất nhiều, đặc biệt là chị rất thích cằn nhằn chồng. Anh Quân (chồng chị) rất khổ vì tật cằn nhằn này của vợ. Mỗi ngày, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ lúc vui đến lúc buồn gì chị cũng ca cẩm, cằn nhằn bên tai anh suốt. Bữa nào anh đi nhậu nhẹt cùng bạn bè là y như rằng về tới nhà đã thấy chị đón sẵn ngoài cửa rồi cằn nhằn… dài vô tới trong nhà. Anh biết mình đi tụ tập nhậu nhẹt không phụ giúp được việc nhà với vợ nên đành im lặng chịu trận.

Nói nhiều, nói dai là bản tính của hầu hết phụ nữ. (Ảnh minh họa: Dân Việt)

Được nước làm tới, cứ hễ anh mà đi đâu ra ngoài với bạn bè đồng nghiệp là về bị vợ cằn nhằn suốt. Thậm chí những lúc trong không khí vô cùng hòa bình, chị Linh cũng kiếm chuyện này kia ra mà cằn nhằn, chẳng hạn như thấy nhà hàng xóm mua được chiếc xe mới hay món gì đáng giá là chị quay vô cằn nhằn chồng ngay, nào là anh chỉ biết làm xong công việc cơ quan là tụ tập nhậu nhẹt đi chơi không lo kiếm gì làm thêm kiếm tiền cho bằng người ta, nào là hết giờ làm về nhà chỉ biết ngồi đọc báo, xem ti vi không tự ý thức được phụ giúp vợ việc nhà… Nghe riết anh Quân chịu không nổi, thế là hết giờ làm là anh kiếm cớ rủ mấy chiến hữu đi làm vài chai cho lâng lâng rồi về ngủ, khỏi nhức đầu vì những lời càm ràm của vợ.

Nhiều ông chồng chọn cách im lặng để gia đình êm ấm. (Ảnh minh họa: Gia Đình)

Chuyện không của riêng gia đình nào, tôi có một chị bạn đồng nghiệp tên Hoa, được nhận xét là người bướng bỉnh và nóng tính. Từ khi có con, việc chăm sóc con, việc ở công ty khiến cô mệt mỏi, nhiều áp lực. Chính vì vậy mà cô hay cằn nhằn, trách móc chồng. Chỉ cần có chuyện gì không vừa ý là cô "chửi chồng như hát hay". Hôm nào chồng bận việc ở công ty về muộn, không cần hỏi lý do, cô vừa to tiếng, vừa "đá xéo" chồng bằng những từ ngữ bậy bạ. Chưa hết, vừa nói, cô còn vừa đóng sầm cửa phòng khiến anh rất khó chịu. Điều anh khó chịu nhất là cô không giữ thể diện cho chồng. Ở trước mặt bố mẹ chồng, hay anh chị em chồng, cô cũng không giữ ý mà chê bai, nhiếc móc chồng.

Tính chồng cô hiền lành nên thường nhịn vợ. Thế nhưng, càng im lặng, cô lại càng tưởng mình đúng, càng thể hiện thói "ngông cuồng" với anh. Cô xúc phạm, nói năng hỗn hào với anh, không tôn trọng anh. Trước đây, anh yêu cô rất nhiều. Thế nhưng, vì bị vợ quá coi thường, tình cảm của anh dành cho cô ngày càng cạn kiệt. Anh không còn muốn gần gũi vợ. Có chuyện gì, anh cũng không muốn chia sẻ cùng vợ. 2 vợ chồng sống rất gượng gạo, mất hẳn sự kết nối.

Vợ càng cằn nhằn, chồng càng chán nản. (Ảnh minh họa: CafeF)

Cũng tương tự như những cặp vợ chồng trên, cuộc sống hôn nhân thay đổi khá nhanh chỉ sau gần 5 năm lấy chồng khiến chị Hà cảm thấy sốc. Từ một người chồng thường xuyên quan tâm đến vợ, chồng chị, anh Nam lại dành thời gian bên ngoài nhiều hơn là cho gia đình riêng của mình. Quanh quẩn trong nhà với cô vợ hay cằn nhằn khiến anh có tâm lý “oải”, chỉ muốn tìm cách đi đâu đó cho bớt mệt cái lỗ tai. Đã vậy, vừa ló mặt vô nhà lại bị vợ “hỏi han”.


Chị Hà cho rằng, bản tính cằn nhằn của mình đều có lý do cả. Mỗi cuối tuần, nhờ chồng chở đi siêu thị mà cũng bị làm khó. Trong khi chồng chỉ kiếm cớ họp mặt với mấy người bạn vô công rỗi nghề, chứ chẳng bận bịu gì. Hơn nữa, từ lúc sống chung đến nay, không ít lần chị Hà khuyên chồng bỏ dần thuốc lá, vì chồng chị vốn có tiền sử bệnh phổi. Khuyên mãi chồng vẫn không nghe, chị hết chọn cách nói xa nói gần đến cằn nhằn, than thở nhằm mục đích “để ổng sợ bị bệnh rồi bỏ thuốc lá”. Nhưng kết quả chẳng đến đâu, vợ chồng chị dần ít nói chuyện với nhau hơn trước, chồng chị thường lẻn ra ngoài hút thuốc để tránh sự xoi mói của vợ.

Không thấu hiểu khiến vợ chồng dần ít chia sẻ với nhau hơn. (Ảnh minh họa: Dân Việt)

Vốn dĩ, phụ nữ thường mơ mộng trong cuộc sống nói chung và hôn nhân nói riêng. Nếu cuộc sống sau hôn nhân phụ nữ không nhận được sự quan tâm thương yêu của chồng mình thì ắt sẽ nảy sinh những ưu phiền. Điều này dẫn đến họ không hài lòng, mệt mỏi với chồng và muốn được thay đổi. Khi không tìm được cách nào thay đổi, thì xảy ra tình trạng nói nhiều hay cằn nhằn là dễ hiểu, đây cũng chính là biểu hiện nhu cầu của họ.


Muốn hạnh phúc, vợ ngừng cằn nhằn

Theo tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, bệnh nói nhiều xuất phát từ nhu cầu muốn chia sẻ, tìm sự đồng cảm của người phụ nữ. Một nguyên nhân khách quan khác là phụ nữ có thế mạnh về tư duy ngôn ngữ, do đó, chính khả năng ăn nói lưu loát vô tình đẩy họ vào tình huống nói nhiều và nói dai.

Bạn cằn nhằn vì cho rằng “mưa dầm thấm lâu” chồng sẽ dần ngấm sâu bài học. Tuy nhiên, đàn ông vốn có nhiều sở thích và suy nghĩ khác với phụ nữ, vì thế những lời bạn nói hoài đôi khi còn phản tác dụng nếu tai chồng chịu hết thấu.

Lời bạn nói hoài đôi khi còn phản tác dụng. (Ảnh minh họa: Người Đô Thị)

Ở một số phụ nữ, việc cằn nhằn trở nên thường xuyên và ngày càng nhiều hơn đó là do thái độ bất hợp tác và sự thiếu quan tâm của chồng. Họ cho rằng nếu như chồng chịu nghe, chịu sửa đổi thì mình sẽ không phải cằn nhằn. Vì vậy, nhiều chị em cứ thích cằn nhằn suốt, nhắc đi nhắc lại những chuyện cũ rích để nhồi vào tai chồng ngày này, tháng khác khiến nhiều ông tỏ ra bức bối, khó chịu.

Kinh nghiệm cho thấy, chị em nên sớm “tắt loa”, chỉ cằn nhằn vừa đủ thôi, ngừng chiêu ca thán, chỉ cần trao đổi, yêu cầu nghiêm túc một vài lần là đủ sức thuyết phục. Nếu muốn chồng chia sẻ thì nên biết chọn thời điểm hòa thuận để “thương thảo” phân công rõ nhiệm vụ phù hợp với mỗi người, đảm bảo không khí gia đình sẽ dần thay đổi.

Cằn nhằn vừa đủ, biết chọn thời điểm hòa thuận trao đổi với nhau. (Ảnh minh họa: Thanh Niên)

Đàn ông sợ nhất việc vợ liên tục đặt lên vai chồng cả danh sách những đòi hỏi cũng như yêu cầu chồng phải làm thế này thế khác hoặc chỉ trích chồng khi không làm đúng theo mong muốn của vợ. Phụ nữ thông minh, tinh tế sẽ hiểu tâm tư nguyện vọng của người đàn ông cạnh mình. Không ép buộc, không biến anh ấy thành cái máy của mình. Ngược lại hãy biết cách lắng nghe, cảm thông và hỗ trợ chồng nhiều hơn.

Thay vì chỉ đạo, chỉ trích người vợ sẽ ở bên đồng hành và động viên, khích lệ chồng. Đặc biệt trong mọi hoàn cảnh, vợ không tiếc lời khen dành cho chồng. Dù kết quả công việc không thực sự được như mong muốn, vẫn cười nói với chồng. Có như vậy, đàn ông mới bớt đi áp lực trong lòng từ đấy hạ quyết tâm nỗ lực nhiều hơn để có thể khiến vợ tự hào nhất.

Ca ngợi chồng chính là một nghệ thuật. (Ảnh minh họa: Dân Việt)

Một chuyên gia về tâm thần kinh nhận xét, đàn ông rất dễ bị bức bối, stress do những lời ca thán của phụ nữ. Nam giới đặc biệt bị ảnh hưởng nhiều hơn phụ nữ bởi họ thường không chia sẻ các vấn đề của mình với bạn bè và gia đình. Đàn ông thường chỉ tâm sự với vợ hay bạn gái, trong khi đó là những người đã khiến họ đau buồn. Gia đình là cái nôi ươm trồng tình yêu thương, khi sống vui vẻ mới duy trì được hạnh phúc bền lâu.

Kỳ thực, một người vợ khôn ngoan là phải biết cương – nhu đúng lúc, vừa giải quyết được vấn đề nhưng lại không gây mất hòa khí trong gia đình. Dù mạnh mẽ ra sao, các chị cũng đừng quên sử dụng một “vũ khí” lợi hại của người đàn bà chính là: “sự dịu dàng” nhé!

Dịu dàng chính là vũ khí giữ gìn hạnh phúc. (Ảnh minh họa: Gia Đình)


Còn bạn, bạn quan điểm như thế nào về câu chuyện này? Hãy chia sẻ ở phần bình luận ngay bên dưới cùng YAN nhé. Ngoài ra, những thông tin hấp dẫn sẽ liên tục được cập nhật tại Cú Đêm

Vợ nên khích lệ điểm mạnh của chồng thay vì chỉ biết cằn nhằn. Một môi trường gia đình tích cực và ủng hộ có thể tạo ra một tổ ấm hạnh phúc và phát triển cho cả hai vợ chồng.

Khi vợ biết đến và đánh giá cao những điểm mạnh của chồng, điều này có thể tạo động lực và tự tin cho anh ấy. Sự khích lệ và ủng hộ từ vợ cũng giúp chồng cảm thấy yêu thương và được đánh giá trong mối quan hệ. Điều này có thể thúc đẩy chồng phát triển và thành công hơn trong các lĩnh vực mà anh ấy tốt.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY!

Chia sẻ Facebook