Vở opera L’Olimpiade: Tình bạn, tình yêu và sự thủy chung
Sau khi Pietro Metastasio sáng tác lời cho Olimpiade, hơn 50 nhà soạn nhạc đã phổ nhạc cho câu chuyện đậm chất thơ về thế vận hội Olympic.
Mặc dù Thế vận hội Olympic gắn liền với Hy Lạp, nhưng Ý mới là xứ sở của những vở nhạc kịch về Olympic – những di sản âm nhạc đến ngày nay vẫn còn tiếp tục vang lên trong các nhà hát và trung tâm biểu diễn hòa nhạc hiện đại.
Ngay sau năm 1733, khi nhà thơ La Mã Pietro Metastasio sáng tác ra lời nhạc kịch cho vở L’Olimpiade (Tạm dịch: Thế vận hội), hơn 50 nhà soạn nhạc đã bắt đầu phổ nhạc cho câu chuyện đầy đam mê về tình bạn, tình yêu và sự trung thành này. Suốt thế kỷ 18, các nhà hát ở khắp châu Âu đã công diễn hàng loạt tác phẩm soạn nhạc đó, và chúng đã được hoan nghênh nhiệt liệt tại các nhà hát hoàng gia, cho tới các nhà hát kịch lớn từ Rome, Moscow, cho tới London.
Nội dung vở opera L’Olimpiade
Vua Clistene của xứ Sicione sinh được hai người con, một trai một gái. Tin vào lời sấm truyền rằng ông sẽ bị chính con trai của mình giết hại, nhà vua đã vứt bỏ đứa con trai, và chỉ giữ lại cô con gái tên là Aristea.
Aristea lớn lên trở thành một nàng công chúa xinh đẹp. Nàng và Megacle, một quý tộc người Athen yêu nhau. Mặc dù Megacle đã vài lần vô địch thế vận hội Olympic, và thật xứng đôi với Aristea, nhưng vua Clistene không muốn con gái kết hôn với một người Athen. Vì vậy, Megacle đã tuyệt vọng bỏ đi tới xứ Crete. Không may trên đường lưu lạc, chàng bị lũ cướp tấn công và may mắn được Licida cứu mạng. Không ai biết rằng Licida chính là đứa con đã bị vua Clistene vứt bỏ.
Vua Clistene được lựa chọn làm người chủ trì Thế vận hội tiếp theo. Và nhà vua hứa rằng sẽ ban thưởng con gái yêu của mình là công chúa Aristea cho người vô địch. Trong khi đó, không biết Aristea là em gái của mình, Licida đem lòng yêu mến nàng, và sẵn sàng làm mọi việc để có được Aristea. Vì thế, Licida nhờ Megacle – một vận động viên cừ khôi – giả danh mình để tham gia vào các cuộc thi đấu. Không biết người mình yêu là phần thưởng cho kẻ chiến thắng, Megacle đồng ý nhằm trả ơn Licida đã cứu sống mình.
Trong khi đó, Argene, một nữ quý tộc, đã bỏ trốn khỏi Crete để lẩn tránh cuộc hôn nhân ép buộc. Nàng giả dạng làm một cô gái chăn cừu, và tình cờ gặp được Aristea. Argene tâm sự với Aristea rằng nàng đã đem lòng yêu Licida, người đã hứa sẽ cưới nàng làm vợ, nhưng lại đang bị ép gả cho Megacle.
Quay lại Thế vận hội, vua Clistene tới tuyên bố các cuộc tranh tài bắt đầu. Và chỉ sau khi tuyên thệ, Megacle mới nhận ra rằng chàng sẽ thi đấu dưới tên của Licida để giành lấy Aristea – tình yêu của cuộc đời chàng.
Bị dằn vặt bởi việc giữ lời hứa của mình, với tình yêu của bản thân, cuối cùng Megacle quyết định đặt đạo đức lên trên, dù biết rằng có thể Aristea sẽ khinh bỉ chàng vì đã không giữ được sự chung thủy trong tình yêu.
Điều gì đến cũng phải đến, Megacle chạm mặt Aristea trong Thế vận hội. Trong khi nàng công chúa đang vui vẻ phấn khích vì ngỡ người yêu đến để thi đấu giành lấy mình, thì Megalce đành phải tỏ ra lạnh lùng và xa cách. Sự bối rối và thất vọng dâng lên khi mọi người được gọi tới vũ đài.
Và cao trào của L’Olimpiade là khi vua Clistene nhận ra được đứa con trai mình bỏ rơi năm xưa, dẫn đến một đoạn kết kịch tính, có tình yêu nồng thắm của Aristea, tình bạn tuyệt vời của Megacle, sự hào phóng và chung thủy của nàng Argene, cùng sự giận dữ của chàng Licida tội nghiệp… Nhưng đó là một cái kết có hậu.
Trào lưu nghệ thuật thời kỳ ra đời vở L’Olimpiade
Ngay từ khi bắt đầu, opera tại Ý đã tập trung khai thác các đề tài cổ điển. Tuy nhiên lúc đó nó được coi là một hình thức nghệ thuật giải trí đại chúng, phụ thuộc vào số lượng vé bán ra (bất kể đối tượng mua thuộc giai tầng xã hội nào), và sự thay đổi thị hiếu của xã hội.
Sự hấp dẫn của nền văn hóa cổ đại có một bước ngoặt lớn vào thế kỷ 18. Học viện Arcadian ở Rome trở thành trung tâm của cuộc cải cách thi ca thời bấy giờ. Các nhà nghệ thuật gặp nhau ở một khu vườn trên đồi Janiculum, mỗi người lấy một bút danh, thảo luận làm thế nào để nền thơ ca Ý không còn chịu ảnh hưởng của phong cách Baroque. Lời thơ cũng trở nên đạo đức hơn, cắt bỏ các cảnh hài hước và tục tĩu, đưa các vở kịch trở về thời kỳ nguyên bản. Văn hoá Hy Lạp cổ đại dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống trí thức châu Âu.
Vở L’Olimpiade được Pietro Metastasio viết phục vụ cho đối tượng khán giả vô cùng khắt khe và bảo thủ, do Antonio Caldra phổ nhạc cũng theo một phong cách hoài cổ. Đa phần các soạn giả người Ý sau này soạn L’Olimpiade lại phục vụ các đối tượng khán giả khác nhau. Khi viết các bản opera thương mại cho nhà hát thì họ phải đối diện với các áp lực khác như ông bầu, ca sỹ, công chúng. Và Metastasio luôn đau lòng trước những sự thay đổi này, bởi vì ông đã cố gắng cân bằng chất kịch, chất thơ của L’Olimpiade.
Dẫu sao, L’Olimpiade của Metastasio là một câu chuyện đầy cảm xúc và được kể theo lối chính thống, dựa trên mâu thuẫn giữa lòng trung thành và tình yêu. L’Olimpiade được đánh giá là vở kịch hoàn hảo nhất trong số các vở của Metastasio về kỹ năng xử lý câu chuyện điêu luyện cùng chất thơ cao quý.
Độc giả quan tâm có thể theo dõi vở opera dưới đây :
Thanh Thanh
Vở opera Carmen: Là tự do hay là dục vọng?
Mời xem video :