Vỡ kế hoạch du lịch vì 'combo giá rẻ': Du khách 'đói' thông tin chuẩn

Chia sẻ Facebook
29/06/2022 20:51:55

Sau việc một số du khách đặt tour du lịch "combo" rồi bị "bẻ kèo" trong những ngày qua, nhiều người mới nhận ra hiện còn quá ít thông tin du lịch chuẩn được cập nhật thường xuyên, chính thức từ các điểm du lịch nổi tiếng.

Người dân tìm hiểu thông tin các tour du lịch tại Saigontourist, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Trao đổi với Tuổi Trẻ, các địa phương cho rằng họ cũng đã nhận ra vấn đề và tìm cách khắc phục trong thời gian sớm nhất.


App du lịch đang phục vụ cho ai?

Hiện nay du khách khi đến Việt Nam vẫn phải dựa vào những trang đánh giá quốc tế, mạng xã hội hay các OTA (đại lý trực tuyến) để tìm kiếm thông tin cho hành trình. Các trang thông tin chính thức từ Tổng cục Du lịch hay sở du lịch địa phương vẫn chưa là nguồn tìm kiếm thông tin ưu tiên, đáng tin cậy cho du khách. Trong khi đó, từ sau đại dịch COVID-19, nhu cầu thông tin trực tuyến càng trở nên bức thiết hơn.

Hiện Tổng cục Du lịch có 2 app (ứng dụng) đưa thông tin tới du khách là Du lịch Việt Nam và Hướng dẫn du lịch Việt Nam.


Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, app này chủ yếu cập nhật thông tin hoạt động của tổng cục, các thông tin dành riêng cho du khách gần như rất ít và nguội, du khách không thấy những thông tin thực sự cần thiết để tham khảo cho chuyến đi tại thời điểm truy cập. App còn lại Hướng dẫn du lịch Việt Nam thì du khách muốn sử dụng phải trải qua nhiều bước đăng nhập, khai báo.

Ngoài ra Tổng cục Du lịch còn có trang web vietnam.travel từng có lượt truy cập khá ổn định, tuy nhiên thời gian gần đây trang này bắt đầu có dấu hiệu "chậm" và "đơ". Như trong ngày 27-6, khi cập nhật vào mục sự kiện trong tháng 6 thì không có sự kiện nào, còn tháng 7 chỉ có một sự kiện nổi bật ở Nha Trang...

Ông Phước Đặng, CEO Outbox Consulting, cho rằng về nguyên tắc, khách luôn ưu tiên tìm đến nguồn thông tin chính thống như một kênh tham khảo đáng tin cậy trước các chuyến đi. Sau khi chưa được đáp ứng, du khách mới tìm đến các kênh thông tin khác để thay thế như các kênh OTA, trang đánh giá, so sánh về giá các sản phẩm du lịch, tour, vé vào khu vui chơi giải trí và nhộn nhịp nhất là dịch vụ ăn uống...

Trong bối cảnh du lịch đang chuyển đổi số mạnh mẽ đây còn là cách thức quảng bá, xúc tiến số gần gũi và được du khách, doanh nghiệp chú trọng. Ông Đặng cũng cho rằng việc xác định được đối tượng phục vụ của website hay app rất quan trọng, đó là trang thông tin dành cho du khách để quảng bá, xúc tiến các hoạt động du lịch hay một website thực hiện chức năng cổng thông tin dữ liệu về ngành để phục vụ quản lý.

Tra cứu thông tin du lịch trên app Du lịch Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Giữa mùa hè, còn đăng tin sự kiện mùa đông

Từ thực tế trong ngành, ông Đặng cho rằng nhiều trang web về du lịch hiện nay đang được xây dựng mà không biết phục vụ cho đối tượng nào, rất chậm cập nhật và nội dung thường nghèo nàn, các công nghệ AI, big data vẫn chưa được sử dụng tương xứng...

"Trong khi sự thành công của một vài trang web cá nhân hay doanh nghiệp tư nhân cho thấy đầu tư một app du lịch chỉ là câu chuyện muốn làm hay không chứ không hẳn là tài chính quá mạnh", ông Phước Đặng chia sẻ.

Chuyện thông tin chậm có thể lấy ví dụ về hiện trạng của cổng thông tin điện tử về du lịch chính thức của thành phố Đà Lạt tại địa chỉ dalat.vn. Thông tin từ trang này cũng xuất hiện trên app điện thoại Dalat Flower City, cung cấp nhiều thông tin thú vị về các tour du lịch, đặc sản, cảnh báo lừa đảo, lịch trình trải nghiệm Đà Lạt, dịch vụ giải trí...

Nhưng theo một số du khách, đây là những thông tin "cứng", cả năm cũng không thay đổi. Đa số du khách cần thông tin cập nhật hằng tuần, hằng ngày, thậm chí hằng ngày về giá cả khách sạn, chương trình giảm giá - kích cầu, cập nhật thời tiết và các cảnh báo cần thiết khác lại không có trên dalat.vn và app điện thoại.

Ngày 27-6, chúng tôi truy cập vào trang dalat.vn, trang chủ vẫn là thông tin từ tháng 4-2022 với các sự kiện giỗ Tổ Hùng Vương, Tuần lễ vàng du lịch Đà Lạt 2022. Thậm chí có cả những sự kiện mùa đông năm 2020, 2021.

Anh Nguyễn Hồng Nam, hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM, nhận định: "Đăng thông tin cũ để khỏi trống trang là phí phạm, không những làm mất thời gian của du khách khi truy cập tìm kiếm thông tin mà còn che mất những thông tin quan trọng mà đơn vị quản lý du lịch muốn gửi đến du khách. Đa số khách hàng của chúng tôi truy cập vào cổng này để lấy số điện thoại đường dây nóng phản ánh về du lịch, nhưng thông tin đó lại nằm ở đẩu ở đâu".

Trong khi đó, Khánh Hòa là một trong số ít địa phương sớm xây dựng cổng thông tin điện tử chuyên về du lịch từ năm 2003 tại địa chỉ http://www.nhatrang-travel.com.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Hương Giang - quản lý Alma Resort (Bãi Dài, thành phố Cam Ranh): "Chúng ta chỉ mới xây dựng trang thông tin du lịch mà quên mất việc quảng bá, giới thiệu nó. Vì thế tôi thấy nhiều du khách khi đến Khánh Hòa sẽ không truy cập nhiều vào cổng thông tin du lịch Khánh Hòa mà sẽ xem review trên các hội nhóm ở Facebook, YouTube, TikTok... Đã có nhiều trường hợp tin vào những bài review và khi đến trải nghiệm trực tiếp thì thất vọng".

Tương tự, ông Trương Công Tâm, chủ tịch Hội hướng dẫn viên chuyên nghiệp thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết trước đây Kiên Giang cũng có trang thông tin cập nhật về hình ảnh du lịch Phú Quốc. Tuy nhiên để đầy đủ hơn, địa phương rất cần có trang thông tin về du lịch chính thống, cập nhật liên tục hằng ngày những điểm đến, khách sạn, món ăn... để khách lựa chọn mà không cần lo ngại bị lừa hay bỡ ngỡ.

Du khách nước ngoài tham quan Đà Nẵng cuối tháng 6-2022 - Ảnh: T.T.D.


Sẽ nỗ lực khắc phục

Ông Nguyễn Viết Vân, giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, nhìn nhận hiện trạng của cổng thông tin đúng như phản ảnh của du khách và người làm du lịch. Theo ông Vân, trong kế hoạch phát triển du lịch trong giai đoạn tới và tổ chức festival hoa Đà Lạt 2022, có tính đến chuyện nâng cấp cổng để phù hợp với thực tế kinh doanh du lịch tại Đà Lạt. Theo đó sẽ mở thêm một kênh để người kinh doanh dịch vụ du lịch có thể post nội dung trực tiếp.

"Kênh này sẽ rất hiệu quả trong những giai đoạn hạ tầng du lịch của Đà Lạt bị quá tải. Tin tức về ăn, ở, đi chơi, tắc đường, thời tiết đều phải thay đổi cách đăng tải cho phù hợp với tính chất của cổng thông tin trực tuyến về du lịch", ông Vân cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cũng cho biết sở đang chuẩn bị trình thường trực HĐND tỉnh đề án nâng cấp cổng thông tin du lịch Khánh Hòa, sau khi được thông qua sở sẽ triển khai các bước đầu tư, phát triển và quảng bá để phục vụ du khách.

Thông tin trên app Du lịch Việt Nam và Hướng dẫn Du lịch Việt Nam chủ yếu là hoạt động trong ngành - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Chốt tour qua người quen cho chắc

Nhiều du khách tại các điểm du lịch trên chia sẻ họ chốt tour chủ yếu phải qua người thân, bạn bè từng có trải nghiệm chứ rất khó tìm thêm những thông tin cập nhật mới. "Tôi nghĩ thông tin du lịch ở cổng thông tin điện tử địa phương là chính xác, an tâm nhất khi tôi và nhiều du khách xem và lựa chọn chỗ chơi, chỗ ăn...", anh Huỳnh Công Minh, du khách ở quận Thốt Nốt, Cần Thơ, đang du lịch ở Phú Quốc, chia sẻ.


Công ty du lịch tăng ca, chạy "bở hơi tai"

Nhiều ngày qua các du khách đã phản ảnh tình trạng quá tải ở nhiều dịch vụ tại các điểm đến nóng như Phú Quốc, Quảng Ninh, Khánh Hòa... Họ phải xếp hàng, chờ đợi trong nắng nóng, một số nhà hàng phải treo biển không nhận khách ở vài thời điểm...

Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, tổng giám đốc Công ty du lịch Hòa Bình Việt Nam, cho biết những ngày này nhân viên của công ty phải tăng ca, một vị trí kiêm thêm nhiều công việc khác nhau để kịp phục vụ du khách. Ước tính mỗi ngày có hơn 1.000 khách đang sử dụng các dịch vụ của doanh nghiệp này, chủ yếu đi tour về Phú Quốc, Nha Trang... Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Công ty TST Tourist, cho biết khách lưu trú, tham quan, cáp treo đều phải chờ đợi.

Còn theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - phó tổng giám đốc Vietravel, từ đầu mùa đã có những lo lắng từ phía các doanh nghiệp về ảnh hưởng của lạm phát, nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định sức mua của du lịch hè này là rất tốt. Ngay cả các loại hình dịch vụ về vé máy bay, khách sạn, resort và thủ tục làm visa cho các nhóm khách hàng trẻ cũng nhộn nhịp bất ngờ.

Đà Nẵng làm "một trang báo chuyên ngành du lịch" thế nào?

Giao diện đẹp mắt và thông tin phong phú được trình bày trên cổng thông tin du lịch Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC


Tại Đà Nẵng công tác tuyên truyền quảng bá du lịch được địa phương này thúc đẩy từ sớm với việc thành lập Trung tâm Xúc tiến du lịch và ra mắt cổng thông tin du lịch trực tuyến tại địa chỉ https://danangfantasticity.com/.

Ngoài rất nhiều thông tin, hình ảnh, video chi tiết mà nhiều người nhận xét là không khác gì một trang báo chuyên ngành du lịch trên cổng thông tin này, du khách cũng có thể tùy chọn tiện ích lên kế hoạch chuyến đi với thời gian định trước, mức ngân sách và sở thích du lịch hoặc chọn tính năng gợi ý hành trình khi đến tham quan TP.

Các tin tức mới nhất về tình hình du lịch TP cũng được đội ngũ Trung tâm Xúc tiến du lịch cập nhật thường xuyên bao gồm các hoạt động kích cầu, thu hút phát triển du lịch của ngành chức năng và hiệp hội doanh nghiệp. Các chương trình lễ hội sự kiện do ngành văn hóa, du lịch và doanh nghiệp tổ chức trên địa bàn. Đặc biệt là các khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá từ những cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch như nhà hàng khách sạn, khu điểm vui chơi cũng được cập nhật thường xuyên để giới thiệu cho du khách.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Lương Phúc Vinh - hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng - nhìn nhận đây là trang thông tin du lịch có chất lượng, chính xác từ cơ quan quản lý ngành. Là kênh tham khảo quan trọng cho cộng đồng hướng dẫn viên địa phương về những diễn biến mới của hoạt động du lịch, các chính sách mở cửa, chương trình khuyến mãi, kích cầu để cập nhật cho du khách. Tuy nhiên, anh Vinh cho rằng cần làm tốt hơn nữa công tác quảng bá trang trên Internet, cải thiện thứ hạng tìm kiếm trên các nền tảng Google, Facebook...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hoài An - giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng - cho biết ngoài việc xây dựng trang web, đơn vị này còn lập các kênh thông tin du lịch trên những mạng xã hội lớn như Facebook, TikTok, YouTube, Instagram và app trên điện thoại. Theo bà An, đơn vị sẵn sàng phối hợp chia sẻ thông tin với Tổng cục Du lịch nếu có yêu cầu tham gia xây dựng ứng dụng du lịch chung cho toàn quốc. Bà An cho rằng đây là ý tưởng tốt, giúp mở rộng cơ hội quảng bá du lịch các địa phương.

Từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp, ông Cao Trí Dũng - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - đánh giá TP này là địa phương đi đầu trong quảng bá, quảng cáo các sản phẩm, điểm đến du lịch qua các kênh của chính quyền. Ông Dũng nhận xét Trung tâm Xúc tiến du lịch rất năng động, có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo. Không chỉ các hoạt động quảng bá offline mà hoạt động online trên các nền tảng số là rất tốt.


Tuy nhiên, theo ông Dũng, gọi là tốt khi so với các địa phương khác nhưng nếu so với yêu cầu thì còn phải phấn đấu nhiều hơn. "Cái quan trọng bây giờ là phải làm sao để thông tin điểm đến tới được với khách hàng cuối cùng, để du khách tự mua dịch vụ. Trong việc này vai trò của cơ quan xúc tiến du lịch địa phương rất quan trọng. Cùng với nguồn lực chủ đạo của Nhà nước, doanh nghiệp sẵn sàng chủ động bỏ thêm nguồn lực để phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ này. Tốc độ chuyển đổi số trong cuộc sống hiện quá nhanh, cần phải liên tục cải tiến, làm mới" - ông Dũng cho hay.


TẤN LỰC

Đáp ứng nhu cầu du lịch tự do, không bị gò bó vì phải "đúng giờ đi, đúng giờ ăn" của nhiều gia đình, các combo du lịch bao gồm vé máy bay khứ hồi được chào bán rầm rộ cho mùa hè năm nay.

Chia sẻ Facebook