Vợ chồng khiếm khuyết bị gia đình cấm cản vẫn "nắm tay" nhau
Cuộc đời phải chịu nhiều thiệt thòi, đôi vợ chồng khiếm khuyết đã quyết định đến với nhau, cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc mặc sự phản đối của xa đình và định kiến xã hội.
Cuộc sống vốn dĩ không dễ dàng, với những người khiếm khuyết lại càng khó khăn hơn vì thiệt thòi đủ đường. Dù vậy, nhiều người vẫn cố gắng sống thật tốt, quyết tâm chứng minh mình tàn nhưng không phế, vẫn có thể làm việc và lập gia đình hạnh phúc như bình thường. Điển hình như câu chuyện của 2 vợ chồng anh Lê Văn Sơn (37 tuổi) và chị Hoàng Thị Tuyết (33 tuổi) đang sống tại thôn Dinh Mười (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) dưới đây.
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Sơn cho biết bản thân bị u máu bẩm sinh ở tay trái nên phải từ bỏ đôi tay lành lặn khi vừa chào đời. Dù vậy, anh vẫn học lên cao đẳng kế toán, sau đó biết khó tìm được việc nên về nhà chăn nuôi, trồng trọt kiếm thu nhập.
Đến năm 2015, khi tham gia câu lạc bộ của những người khiếm khuyết, anh quen anh Toán - một thành viên trong hội, từ đó mà biết đến chị Tuyết. " Thấy tôi đã là thanh niên nhưng chưa một mảnh tình 'vắt vai', anh Toán liền giới thiệu cho tôi một cô gái ở xã Bảo Ninh, có cùng cảnh ngộ ”, anh nói.
Chị Tuyết cũng là người khiếm khuyết, vừa sinh ra đã mắc bệnh lạ khiến cơ thể yếu đi một nửa, đi đứng mất cân bằng. So với anh Sơn, chị còn thiệt thòi hơn khi chỉ học đến lớp 5. “ Hồi nhỏ cơ thể đã yếu, ở Bảo Ninh chỉ toàn là cát, đường đến trường xa lại còn khó đi, nên học đến lớp 5 tôi đành nghỉ học. Lớn lên, tôi xin đi giữ trẻ cho một gia đình thân thiết với anh Toán, thế là từ đó tôi và anh Sơn biết đến nhau ”, chị kể với báo Thanh Niên.
Kể từ khi "bén duyên", anh Sơn luôn chủ động tìm hiểu và "tán" chị Tuyết. Dù nhà 2 người cách nhau 20 cây số, anh vẫn chăm chỉ lái xe bằng 1 tay đến gặp chị. 6, 7 tháng sau đó, vào cuối năm 2016 bất chấp sự phản đối của gia đình cũng như định kiến trong xã hội, đôi trẻ tiến tới hôn nhân.
Khi 2 người khiếm khuyết đến với nhau, điều đáng lo nhất là liệu đứa trẻ sinh ra có được bình an, lành lặn hay không. May mắn, con đầu lòng của vợ chồng anh Sơn không di truyền bất cứ thứ gì từ bố mẹ khiến cặp đôi vỡ òa vui sướng. " Thời gian mang bầu chúng tôi cũng lo lắm, nhưng đến bây giờ con mình mạnh khỏe, vợ chồng tôi như chứng minh được cho mọi người" , người cha "một tay" tâm sự.
Quyết tâm đến với nhau, đôi vợ chồng khiếm khuyết chăm chỉ làm việc, cho mọi người thấy mình "tàn nhưng không phế", vẫn tự lo được cho bản thân và gia đình cuộc sống ổn định. Mỗi ngày, anh Sơn chạy xe máy 10km mua ốc biển về cho vợ nấu để đem đi bán. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm vịt, ngan, hoặc nhập dừa Bến Tre về bán mỗi dịp Tết đến. Chứng kiến đôi trẻ đầy nghị lực, hạnh phúc, anh Toán - "ông mai" năm xưa bộc bạch: " Nhìn cả hai vượt qua khó khăn để đến với nhau, tôi cũng vui lắm vì cũng đã giúp đỡ được cho cả hai phần nào đó tìm thấy nhau, tìm được động lực để phấn đấu ".
Tương tự, trước đó, câu chuyện về cặp đôi "lính chì" giữa chị Nguyễn Thị Lệ Thu (sinh năm 1994, quê ở Bắc Giang) và anh Đoàn Ngọc Bảo (sinh năm 1993, quê ở Ứng Hòa, Hà Nội) cũng truyền động lực tích cực về tình yêu và cuộc sống cho nhiều độc giả. Đều trải qua những ngày tháng tăm tối, họ đã vượt qua khó khăn để đến với nhau, có nhau trong đời.
Báo Dân Trí viết, anh Bảo thành "lính chì" do bị bệnh bẩm sinh, còn chị Thu mất một chân do sự cố khi mới 12 tuổi. Vượt lên nỗi mặc cảm, tự ti, hai người dần mạnh mẽ và quyết tâm thể hiện mình hơn ở các hội thi hay trong lĩnh vực thể thao, trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội. Vì cùng cảnh ngộ, cả 2 như mảnh ghép hoàn hảo dành cho nhau, nhanh chóng bị thu hút và ấn tượng với đối phương. Sau vài lần tò mò, tương tác qua lại, anh Bảo và chị Thu đã nên duyên. Hiện, cả hai đang sống rất tốt, có mái ấm riêng và con trai kháu khỉnh.
Ai sinh ra cũng muốn được tận hưởng cuộc sống với một cơ thể lành lặn, thế nhưng cả anh Sơn - chị Tuyết hay anh Bảo - chị Thu đều không may phải mang cơ thể khiếm khuyết bẩm sinh. Ấy vậy mà cả hai đều không chịu đầu hàng số phận, vẫn sinh hoạt, làm việc, tìm thấy niềm vui của cuộc sống như bao người bình thường khác. Và cũng chính nhờ sự đồng cảm ở cùng hoàn cảnh thiệt thòi đã se duyên cho 2 cặp đôi trên, khiến họ trở thành mảnh ghép cuộc đời nhau.
Cùng cập nhật thêm nhiều thông tin tại YAN nhé!
Chẳng thể nói rằng trên đời này không có tình yêu "cổ tích", chỉ là những câu chuyện như vậy cũng phải do chính người trong cuộc xây dựng và bồi đắp nên. Từ hai con người phải chịu nhiều thiệt thòi vì có cơ thể không hoàn thiện, anh Sơn và chị Tuyết đã tự tay vẽ nên cho cuộc sống của mình một bức tranh đẹp và viên mãn.
Tình yêu chân chính vốn không phân biệt già hay trẻ, giàu hay nghèo, bình thường hay khiếm khuyết. Đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt, việc họ yêu và được yêu càng khiến nhiều người ngưỡng mộ, chúc phúc.
Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY