VNZ trở thành cổ phiếu đầu tiên có thị giá vượt ngưỡng 1 triệu đồng
Lần đầu tiên thị trường chứng khoán Việt Nam có cổ phiếu đạt thị giá trên 1 triệu đồng, vốn hoá VNG đã vượt 1 tỷ USD sau 9 phiên liền tăng kịch biên độ.
Kể từ khi niêm yết lần đầu vào ngày 5/1/2023 với mức giá 240.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG tiếp tục tăng kịch biên độ.
Cho đến ngày 13/2, thị giá đã lên đến ngưỡng 1.027.400 đồng/cổ phiếu với tổng khối lượng giao dịch trong phiên là 134.000 đơn vị và khối lượng dư mua giá trần 5.337 đơn vị. Ước tính sau 9 phiên trần liên tiếp, cổ phiếu VNZ đã tăng hơn 300% trong vòng 9 phiên liên tiếp.
Đáng chú ý, đây là phiên thứ 9 liên tiếp cổ phiếu này tăng kịch trần, VNZ tiếp tục phá kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi chạm đến mức giá trên 1 triệu đồng/cổ phiếu.
Trước đó, phiên ngày 10/2, VNZ đã tăng trên 130.000 đồng/cổ phiếu, vượt mặt cổ phiếu BMC của CTCP Khoáng sản Bình Định đạt được hồi tháng 5/2007 - thậm chí con số này cao hơn hầu hết thị giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Công ty cũng đã giải trình việc tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư và khẳng định không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến của giá cổ phiếu trong thời gian vừa qua.
Việc tăng “nóng” 9 phiên liên tiếp đã mang về cho VNG số vốn hoá 29.500 tỷ đồng, tương đương 1,25 tỷ USD, gấp gần 4,3 lần thời điểm chào sàn.
Tuy nhiên, con số này chưa phải đỉnh cao mà “kỳ lân” công nghệ chạm đến. Hồi cuối tháng 3/2019, VNG đã được quỹ đầu tư Temasek định giá lên tới 2,2 tỷ USD, tương đương 1,8 triệu đồng/cổ phiếu. Năm 2021, VNG vẫn được định giá cao “chót vót” khi Công ty quản lý quỹ Mirae Asset mua cổ phần với giá 1,7 triệu đồng/cổ phiếu.
CTCP VNG được thành lập vào năm 2004, tập trung chủ yếu vào games, nền tảng kết nối, thanh toán điện tử, tiêu biểu như Zalo, Zing MP3, ZaloPay, VNG Cloud…
Ngoài ra, VNG cũng đang đầu tư mạnh tay cho trí tuệ nhân tạo (AI) và các xu hướng công nghệ, startup giàu tiềm năng. Công ty chính thức giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 5/1/2023 với 35,8 cổ phiếu cùng mức giá 240.000 đồng/cổ phiếu.
Về bức tranh tài chính, tại quý IV/2022, VNG ghi nhận doanh thu đạt 2.036 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Cùng chiều, lợi nhuận gộp công ty tăng 19% so với cùng kỳ lên 917,47 tỷ đồng, nhưng mảng doanh thu tài chínhlại ghi nhận giảm 51,8%, tương ứng giảm 29,8 tỷ đồng về 27,78 tỷ đồng, mức chi phí tài chính của quý này lên 42,06 tỷ đồng, đạt ngưỡng 50,28 tỷ đồng. Kết quả là VNG chịu lỗ 547 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 267 tỷ đồng.
Theo bản giải trình, mức lỗ tăng lên do các công ty trong nhóm thúc đẩy quảng cáo cho sản phẩm mới và mở rộng thị trường quốc tế. Ngoài ra chi phí tăng mạnh đến từ mức lỗ thanh lý tài sản, loại bỏ một số sản phẩm không đạt kết quả hoạt động như kế hoạch.
Luỹ kế cả năm 2022, VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.800 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ và ghi nhận lỗ 1.315 tỷ đồng, so với cùng kỳ chỉ lỗ 70 tỷ đồng, tức giảm 1.245 tỷ đồng .