VN-Index nhiều khả năng tiếp tục xu hướng tích lũy trong cả năm 2023
Theo nhận định của ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), nửa đầu năm 2023 sẽ là giai đoạn tích lũy và ổn định lại của thị trường cổ phiếu. VN-Index được kỳ vọng biến động trong biên độ 900 - 1,250 điểm.
VN-Index nhiều khả năng tiếp tục xu hướng tích lũy trong cả năm 2023
Yếu tố vĩ mô vẫn theo chiều hướng không tích cực
Nhìn lại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2022, ông Trần Minh Hoàng đánh giá, các biến động về vĩ mô thế giới cũng như trong nước chính là yếu tố trước tiên tác động phần lớn lên tâm lý, dòng tiền và diễn biến của thị trường.
“Trong bối cảnh hầu hết các thông tin đều theo chiều hướng không mấy tích cực, xu hướng giảm của thị trường chiếm ưu thế. Việc cần là phải cải thiện từ nền tảng kinh tế vĩ mô khi thị trường có dòng vốn phục hồi trở lại” - ông Hoàng nhận định.
Cũng theo đánh giá của Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích VCBS , khả năng các biến động kinh tế vĩ mô vẫn theo chiều hướng không mấy tích cực trong nửa đầu năm 2023. Đây sẽ là những thông tin tương đối áp lực cho TTCK Việt Nam.
Từ thế giới, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn có thể tiếp diễn, dù với cường độ thấp hơn. Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng vẫn duy trì mặt bằng lãi suất cao, cộng thêm những áp lực khác như căng thẳng địa chính trị, lạm phát vẫn hiện hữu.
Còn trong nước, cần có thêm thời gian để thị trường cũng như nền kinh tế vượt qua những ảnh hưởng từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như rủi ro về thanh khoản.
VN-Index kỳ vọng dao động trong vùng 900 - 1,250
Giai đoạn nửa cuối năm 2023 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến trước đó. Nếu xử lý tốt các vấn đề nội tại, tình hình thế giới dễ thở hơn thì thị trường sẽ vượt qua xu hướng tích lũy. Ngược lại, xu hướng tích lũy vẫn có thể là chủ đạo trong cả năm 2023 và chờ đợi cho đến tận năm 2024.
Trước mắt, ông Hoàng đánh giá các biến động của thế giới, cũng như trong nước vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhà đầu tư (NĐT) vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi thông tin tốt, các giải pháp hỗ trợ được đưa ra; còn diễn biến thực tế thì chưa có gì thật sự tích cực.
“Tâm lý dè dặt, thận trọng của các NĐT hoàn toàn có thể trở lại bất kỳ lúc nào, không chỉ riêng trong năm 2023; đặc biệt nếu như thời gian chờ đợi quá lâu, các biện pháp hỗ trợ từ thị trường vốn và thị trường trái phiếu doanh nghiệp không được đưa ra một cách kịp thời” - ông Hoàng nói.
Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích VCBS cũng cho biết, nếu chứng khoán chỉ được nhìn một cách đơn thuần từ diễn biến thị trường năm 2022 thì ắt hẳn kênh đầu tư này chưa được hấp dẫn. Nhưng thực tế không thể nhìn một cách đơn giản như vậy.
Từ quý 2/2022 trở về đây, hoặc thậm chí dự báo tới năm 2023, không chỉ chứng khoán mà hầu hết các kênh đầu tư đều bị rút tiền. Kênh được hưởng lợi phần nhiều có lẽ chỉ là gửi tiết kiệm khi lãi suất tăng; do đó, tạo nên cục diện tất cả các kênh đầu tư đều bị ảnh hưởng.
“Trong nửa đầu năm 2023, với góc nhìn lãi suất nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức cao, chắc chắn độ hấp dẫn của các kênh đầu tư bao gồm cả chứng khoán khó mà tích cực” - ông Hoàng nói thêm.
Đặt kỳ vọng ở đâu?
NĐT nên quan sát động thái tăng lãi suất trên thế giới, đặc biệt từ phía Mỹ. Nếu lạm phát của Mỹ có dấu hiệu đạt đỉnh thì xu hướng tăng lãi suất của Fed chững lại và có thể giảm. Đây là dấu hiệu NĐT nên quan tâm đầu tiên để khẳng định xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, độ bất định về kinh tế trên thế giới đang rất cao. Rủi ro phải cân nhắc bởi các biến động từ thế giới có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các điểm nóng có thể kéo dài thêm hoặc lan rộng.
Trong nước, Việt Nam đứng trước bài toán xử lý các áp lực ngắn hạn, đặc biệt liên quan đến thị trường vốn, nổi bật là trái phiếu doanh nghiệp. Tất cả liên quan đến khả năng tiếp cận vốn, bài toán đảm bảo thanh khoản cho các doanh nghiệp, hay rộng hơn là hệ thống ngân hàng.
Theo ông Hoàng, nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời “gỡ rối” cho thị trường vốn, không có phương pháp dòng tiền luân chuyển tốt giữa các kênh đầu tư, các chủ thể trong thị trường vốn, chắc chắn sẽ tạo nên một áp lực rất lớn cho nền kinh tế. Đây là một rủi ro đáng quan ngại.
Tuy nhiên, các NĐT có thể kỳ vọng vào việc nếu tăng trưởng kinh tế dễ thở hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại ngoại tệ. Đó sẽ là tín hiệu sơ khởi cho thấy dòng tiền có thể bắt đầu trở lại ưu thế tốt hơn.
Bên cạnh đó, NĐT nên chờ đợi các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, gỡ các nút thắt trên thị trường vốn với trọng tâm là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp bây giờ cần có phương án để tái cơ cấu nợ, có phương án để huy động vốn, tiếp cận vốn tốt để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Đây là yếu tố đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho nền kinh tế cũng như thị trường cổ phiếu, qua đó khẳng định được xu hướng.
Tuy nhiên, nếu xu hướng thị trường rơi vào tình trạng tích lũy và chờ đợi, NĐT nên tập trung vào các cổ phiếu phòng thủ hơn, lựa chọn cổ phiếu ít ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế, có thể kể đến là nhóm công nghệ thông tin, điện, nước hoặc những nhóm cổ phiếu có lượng tiền mặt cao.
Đặc biệt, ông Hoàng đánh giá nhóm ngành có khả năng là điểm sáng trong năm 2023 bao gồm ngành bất động sản khu công nghiệp; bán lẻ tiêu dùng và cảng biển.
Thế Mạnh