“VN-Index mất 20% chưa phản ánh hết độ sát thương, không hiếm tài khoản lỗ đến 90%”

Chia sẻ Facebook
04/07/2022 17:44:27

Một trong nguyên nhân khiến thanh khoản sụt giảm do nhà đầu tư sử dụng margin, thua lỗ 80-90% tài khoản, nhà đầu tư muốn vay margin trở lại cũng không đủ tài sản đối ứng.

Thanh khoản bình quân phiên trên HoSE trong tháng 6 chỉ đạt hơn 13.000 tỷ, là mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Con số này nói lên điều gì và theo ông đâu là nút thắt giúp thanh khoản cải thiện trở lại?


Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC): Đối với thanh khoản thấp, cá nhân tôi luôn nhìn nhận ở các điểm sau:

Thứ nhất, tài khoản nhà đầu tư thua lỗ nặng và giảm margin. Mức độ giảm khoảng 20% của chỉ số VN-INdex từ đỉnh không phản ánh đầy đủ mức độ sát thương của đợt giảm. Nhiều cổ phiếu giảm 50-80% từ đỉnh. Nếu dùng margin, nhiều nhà đầu tư thua lỗ 80-90% tài khoản là không hiếm. Vốn thực và dòng vốn margin đều suy giảm sau thời gian qua. Nhà đầu tư muốn vay margin trở lại cũng không đủ tài sản đối ứng. Nguyên nhân này cải thiện khi thị trường ổn định lại.

Thứ hai, siết chặt thị trường trái phiếu, một số doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không tìm ra nguồn cân đối. Từ thực tế nghề nghiệp, cá nhân tôi thấy nhiều cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp lớn tìm nguồn vay thế chấp cổ phiếu thay thế để bù vào. Nhiều nhóm sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất cao hơn, mặt bằng lãi suất làm deal cũng tăng trong thời gian qua. Nguyên nhân này cải thiện khi doanh nghiệp cân được nguồn, theo tôi cần 2-3 quý.

Thứ ba, dòng tiền trở lại sản xuất kinh doanh và chuyển kênh đầu tư khi thị trường chứng khoán không thuận lợi. Nguyên nhân này cải thiện khi bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn và chứng khoán trở nên hấp dẫn.

Tôi vẫn luôn cho rằng dòng tiền luôn rất thông minh. Khi nào bối cảnh và môi trường đầu tư thuận lợi trở lại, dòng tiền sẽ sớm quay lại.

Thông tin hỗ trợ của ngành là nhà đầu tư sắp được giao dịch vào chiều ngày T+2. Theo thông tin tôi có, sau khi lấy ý kiến của các Thành viên lưu ký, có thể được triển khai trong tháng 8. Đây là thông tin tích cực, theo ước tính, thanh khoản có thể tăng 5-10% so với quy định hiện tại. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc dòng tiền mới sẽ chảy vào thị trường vì thông tin trên, đơn giản tăng vòng quay thêm một chút và cải thiện thêm sự linh hoạt cho nhà đầu tư.

Lạm phát là từ khóa được nhắc đến nhiều và ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu, còn ở VN, ông đánh giá thế nào về mức lạm phát sau 6 tháng và dự báo thời gian tới? TTCK Việt Nam liệu có ảnh hưởng bởi lạm phát?

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát tháng 6 của năm 2022 tăng 0,69% so với tháng trước và tăng 3,18% so với tháng 12/2021. Chỉ số CPI bình quân lũy kế 6 tháng đầu năm là 2,44%. Cá nhân tôi cho rằng số liệu lạm phát Việt Nam hiện chưa quá đáng lo ngại. Lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là chu kỳ kinh tế Việt Nam có độ trễ nhất định so với thế giới.

Trong bức tranh tổng thể, áp lực lạm phát của Việt Nam sẽ thấp hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Nguyên nhân khiến lạm phát toàn phần của Việt Nam vẫn được kiểm soát bất chấp giá năng lượng tăng cao là lạm phát thực phẩm (vốn chiếm tỷ trọng lớn hơn trong rổ CPI) ở mức vừa phải.

Trong bối cảnh hiện tại, để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường, theo anh nhà đầu tư cần làm gì?

Tôi cho rằng chứng khoán cũng là một kênh đầu tư trong số nhiều kênh đầu tư khác và không phải lúc nào cũng thuận lợi. Khi bối cảnh xấu đi, việc hạ tỷ trọng phân bổ vào chứng khoán và tăng tỷ trọng với các loại tài sản an toàn hơn là hoàn toàn hợp lý. Do đó, ở thời điểm hiện tại, trước tiên nhà đầu tư nên xem xét lại tỷ trọng tài sản của mình vào kênh cổ phiếu đã hợp lý hay không.

Còn đối với riêng kênh chứng khoán, ở thời điểm hiện tại, vẫn nên giữ một thái độ cân bằng và thận trọng nhất định. Chưa có gì cần phải quá vội vàng và luôn ưu tiên quản trị rủi ro trong thị trường giá xuống.

Đương nhiên, chứng khoán trong dài hạn luôn là kênh đầu tư hấp dẫn, nhà đầu tư còn ở lại thị trường lúc này cần có tư duy dài hạn, hướng về các cổ phiếu giá trị và ít bị ảnh hưởng khi chu kỳ kinh tế không thuận lợi.

P/E thị trường là 1 chỉ số tham khảo để giải ngân, hiện mức P/E đang 13 lần, theo ông đã rẻ? Liệu giai đoạn này có thể gia tăng cổ phiếu cho kế hoạch đầu tư dài hạn không?

Trong thị trường giá xuống, đắt hay rẻ chỉ mang tính chất tương đối. Đặc biệt đối với thị trường Việt Nam, tỷ trọng các cổ phiếu chu kỳ là rất lớn. Do đó việc P/E 13 lần ở thời điểm hiện tại chưa hẳn là đã thấp. Khi vĩ mô, nền kinh tế bất lợi, việc các doanh nghiệp có duy trì được lợi nhuận hay không là câu hỏi rất quan trọng.

Như tôi đã nêu ở ý trên, nhà đầu tư dài hạn có thể tham gia khi định giá ở nhiều cổ phiếu có thể nói đã ở mức thấp và hợp lý. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên giữ thái độ cân bằng và thận trọng nhất định. Duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và chưa vội tăng tỷ trọng khi thị trường có dấu hiệu cải thiện rõ ràng.

Xin ông cho biết dự báo KQKD quý 2 và tác động đến TTCK?

Mùa kết quả kinh doanh đang đến gần cũng là một yếu tố đáng xem xét. Theo tôi KQKD quý 2 năm nay hầu hết nhóm ngành vẫn tăng trưởng tốt nhưng khó có đột biến cao vì nền so sánh quý 2/2021 vẫn còn cao. Do đó mùa KQKD quý 2/2022 dự kiến không phải quá nổi bật. Quý 3 và 4 năm 2021 mới chịu ảnh hưởng giãn cách.

Tuy nhiên tôi thấy có một số cổ phiếu hưởng lợi từ thị trường hàng hóa và chiến tranh Nga – Ukraine như Thủy sản, Hóa chất, Dầu khí, Phân bón,…khả năng sẽ có đột biến (tương tự như quý 1/2022). Mùa kết quả kinh doanh là cơ hội để thị trường phân hóa và có những câu chuyện riêng. Tuy nhiên chúng ta cũng không quên, nếu bối cảnh xấu, như mùa KQKD quý 1 – thị trường cũng đã suy yếu như thế nào.

Nếu không thủng đáy, nhiều nhóm ngành sẽ có cơ hội được phân hóa. Tuy nhiên cũng cần lưu ý với dòng tiền yếu như hiện tại, cơ hội (nếu có) sẽ không dành cho tất cả.


Theo Bảo Vy

BizLive

Chia sẻ Facebook