VN-Index lần đầu tiên nhúng xuống mức 3 chữ số sau gần 21 tháng
Lần gần nhất điều này xuất hiện đã cách đây gần 21 tháng vào ngày 29/1/2021 – thời điểm VN-Index có phiên ngược dòng ngoạn mục từ mức giảm 2,5% đầu phiên lên đóng cửa tăng 3,2%.
Tưởng chừng phiên ngược dòng tăng điểm đầu tuần sẽ tạo đà cho thị trường tiếp tục hồi phục nhưng thực tế lại không như kỳ vọng. Áp lực bán chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong khi tâm lý thận trọng vẫn bao trùm khiến cầu bắt đáy gần như mất hút. VN-Index đóng cửa giảm 36,28 điểm (-3,48%) xuống mức 1.006,2 điểm, thấp nhất trong vòng hơn 22 tháng kể từ ngày 30/11/2020.
Dòng tiền bắt đáy tỏ ra “thờ ơ” là một trong những yếu tố khiến thị trường chưa thể hồi phục thực sự rõ ràng dù mức giảm có thu hẹp đôi chút vào cuối phiên. Thanh khoản vẫn khá “heo hút” với giá trị khớp lệnh chỉ nhích nhẹ so với phiên trước lên 10.400 tỷ đồng, thấp hơn gần 12% so với bình quân phiên trong tháng trước.
Điều này khác biệt hoàn toàn với sự sôi động của thị trường trong lần gần nhất VN-Index nhúng xuống dưới 1.000 điểm cách đây gần 21 tháng. Thời điểm đó, làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu bùng nổ. Tuy nhiên, đến hiện tại dòng tiền này đã có phần thoái trào khi số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội liên tục giảm mạnh những tháng gần đây. Tháng 9 vừa qua, nhà đầu tư trong nước chỉ mở mới hơn 100.000 tài khoản chứng khoán, con số thấp nhất trong vòng 14 tháng kể từ tháng 7/2021.
Về mặt định giá, phiên giảm mạnh này tiếp tục đẩy P/E của VN-Index (theo dữ liệu của Algo Platform) rơi xuống mức 10,2x lần, gần tương đương với đáy Covid cuối tháng 3/2020 và giai đoạn năm 2012 (lãi suất tăng vọt, thị trường bất động sản đóng băng và nợ xấu ngân hàng tăng cao). Kéo theo đó, định giá của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn như Hòa Phát (HPG) hay nhiều ngân hàng đã về mức P/B xấp xỉ 1 lần, điều rất hiếm khi xảy ra, trừ những giai đoạn nền kinh tế đứng trước suy thoái hay khủng hoảng nghiêm trọng.
VNDirect cho rằng đà giảm vừa qua đã có phần thái quá và chịu ảnh hưởng quá mức bởi tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Với P/E forward 2022 dưới 10 lần, nhà đầu tư nên bình tĩnh và dừng bán tháo ở thời điểm này. Tâm lý chán nản có thể khiến nhà đầu tư rời bỏ thị trường và không kịp quay trở lại trong giai đoạn thị trường phục hồi mạnh sau đó. Việc bán ra ở thời điểm này chỉ nên thực hiện để hạ tỷ trọng đòn bẩy (margin) nhằm bảo vệ danh mục hoặc hạ tỷ trọng cổ phiếu nếu tỷ trọng cổ phiếu ở mức quá cao (full cổ).
Ngược lại, đối với những nhà đầu tư nắm giữ nhiều tiền mặt, nhịp giảm điểm mạnh thời gian qua đã mở ra cơ hội lớn để tích lũy cổ phiếu cơ bản với mức định giá rất hấp dẫn. Với tầm nhìn dài hạn, những nhà đầu tư giải ngân ở vùng này có thể thu được mức lợi nhuận hấp dẫn trong vòng 1-2 năm tới.
Tương tự, SGI Capital cũng cho rằng, với mức định giá rất rẻ hiện tại, những đợt tụt giảm của VN-Index dưới mức 1.100 điểm, dù vì lý do gì, đều sẽ mang lại cơ hội rất hấp dẫn cho một chu kỳ đầu tư mới. Lãi suất tiền gửi ngân hàng đã tăng lên mặt bằng 7-8%/năm, nhưng đà giảm của thị trường hiện nay đang mang lại nhiều hơn các cơ hội với mức sinh lời trên 20%/năm cho kỳ đầu tư 1-3 năm tới.
Theo SGI Capital, nhà đầu tư nên thận trọng trước các diễn biến xấu bất ngờ, nhưng sẵn sàng để có thể tham lam khi thị trường sợ hãi. Nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh từ đỉnh về gần vùng định giá rẻ lịch sử và rủi ro của thị trường đang giảm đi đáng kể khi nhiều tin xấu dần bộc lộ và phần nào được phản ánh vào giá. “Tháng 10 và quý 4 hứa hẹn sẽ còn nhiều tin xấu khiến thị trường biến động mạnh, thử thách tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư nhưng đó cũng là lúc thị trường chào mời những cơ hội với giá tốt nhất” – quỹ đầu tư nhấn mạnh.