VN-Index lại đảo chiều giảm điểm, các chuyên gia nói gì?

Chia sẻ Facebook
17/05/2022 00:52:56

Sáng nay 16-5, VN-Index đã xanh, ngay sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán tăng vọt đã khiến hàng loạt cổ phiếu lớn lao dốc. Kết thúc phiên, VN-Index giảm 10,82 điểm (-0,91%) xuống 1.171,95 điểm. Toàn sàn có 232 mã tăng, 224 mã giảm và 45 mã đứng giá.

Áp lực bán tiếp tục diễn ra mạnh khiến hàng loạt nhóm ngành không còn giữ được sắc xanh trong buổi sáng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE tiếp tục giảm 25%, xuống 13.754 tỉ đồng, tuy nhiên, điểm sáng là khối ngoại mua ròng 260 tỉ đồng, trong đó CTG và HPG là hai mã được mua ròng nhiều nhất.

Theo các chuyên gia phân tích chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh để tìm điểm cân bằng mới. Từ tiệm cận đỉnh lịch sử 1.524,7 điểm vào ngày 4-4, hơn một tháng qua, thị trường đã bị thổi bay hơn 23% giá trị vốn hóa, với mức giảm mỗi phiên cả mấy chục điểm.


Cùng với đó, thanh khoản thị trường có xu hướng giảm liên tục. Những phiên đầu tháng 5, thanh khoản thị trường chỉ đạt bình quân 18.916 tỉ đồng/phiên, giảm 28% so với bình quân tháng trước.


V ới một thị trường đang thiếu các thông tin hỗ trợ tích cực, VN-Index có thể sẽ bị đẩy lùi những ngưỡng hỗ trợ sâu hơn và gần nhất là ngưỡng 1.100 điểm.


Chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng đà bán tháo trên thị trường gần đây đến từ tâm lý thị trường tiêu cực sau những hành động quyết liệt làm trong sạch thị trường. Trong khi đó, thị trường toàn cầu điều chỉnh do lạm phát gia tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng. Áp lực giải chấp “margin” lớn đã ảnh hướng xấu đến thị trường.


Theo ông Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn thị trường tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, t rong quá trình điều chỉnh ngắn hạn, thị trường đang thiếu những nhà tạo lập dẫn dắt giá, vì thế đà giảm khó cưỡng. Tuy nhiên, đây là lúc thị trường trở về đúng vai trò là kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế.


"Những mất mát hiện nay cũng là quá trình thanh lọc nhà đầu tư cần thiết sau một thời gian chứng khoán được xem như "canh bạc" với nhiều người.


Đã đến lúc nhà đầu tư cũng phải thay đổi cách thức đầu tư của mình, tập trung vào đúng giá trị của cổ phiếu, phải tìm kiếm thông tin, hiểu về kết quả, tình hình kinh doanh... của doanh nghiệp, chứ không thể lao vào như con thiêu thân thời gian qua. Và đó mới là xu hướng phát triển bền vững của chứng khoán", ông Huân nhìn nhận.

Tỉ phú Elon Musk lại khiến cổ phiếu Twitter rung lắc ngày 13-5, nhưng lần này là đi xuống sau khi thông báo thương vụ mua lại mạng xã hội này sẽ bị tạm hoãn vì số lượng tài khoản giả trên Twitter quá nhiều.

Chia sẻ Facebook