VN-Index giảm xuống mức thấp nhất 20 tháng, chứng khoán Việt Nam lọt top chỉ số “tệ” nhất Châu Á
Loạt đầu tàu như GAS, VIC, VHM hay MSN tạo lực đè lớn nhất khiến VN-Index đánh rơi điểm trong phiên 28/9.
Sau khi để mất mốc điểm quan trọng 1.200 trong phiên đầu tuần, liên tiếp những phiên tiếp sau thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua áp lực điều chỉnh tương đối tiêu cực. Thậm chí chốt phiên 28/9, chỉ số sàn HOSE giảm sâu 22,9 điểm xuống mức 1.143,62 điểm. Đây là mức điểm đóng cửa thấp nhất của VN-Index trong vòng gần 20 tháng (kể từ phiên 9/2/2021, VN-Index đóng cửa tại 1.114,93 điểm).
Phiên giảm điểm hôm nay đã "thổi bay" thêm 90.920 tỷ đồng vốn hoá của HoSE, giá trị còn lại rơi về khoảng 4.548.000 tỷ đồng.
Thống kê từ Stockq, mức giảm gần 2% trong phiên 28/9 đã đưa VN-Index trở thành một trong những chỉ số chứng khoán có hiệu suất tệ nhất châu Á hôm nay.
Không chỉ giảm về điểm số, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm đáng kể trong những phiên gần đây. Giá trị giao dịch phiên hôm nay trên HoSE mặc dù cải thiện nhẹ so với phiên trước, song cũng chỉ đạt 11.784 tỷ đồng/phiên, trong đó giá trị khớp lệnh chỉ hơn 10.700 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Algo Platform, tại mức điểm chốt phiên 28/9, P/E trailing của VN-Index hiện đang dừng ở mức 12,21 lần, “hạ nhiệt” đáng kể so với mức 17,51 lần được thiết lập vào đầu năm 2022.
Xét về mức độ đóng góp cụ thể, loạt đầu tàu như GAS, VIC, VHM hay MSN đã trở thành "tội đồ" lớn nhất khiến VN-Index đánh rơi điểm trong phiên 28/9. Trong đó đáng chú ý là GAS khi giảm mạnh 6,7% về 104.000đồng/cp, thậm chí đã xuất hiện lệnh mua tại mức giá sàn, từ đó khiến VN-Index mất hơn 3,6 điểm. Top 15 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này này còn có những “ông lớn” khác như HPG, MWG, FPT, GVR, BCM, SAB…
Ngược lại, VCB, VPB hay VRE là những điểm sáng hiếm hoi trong phiên khi giữ được sắc xanh nhẹ đến khi đóng cửa, tuy nhiên mức tăng là không lớn và không có tác động đáng kể tới diễn biến của thị trường chung.
Việc thị trường tiếp tục có phiên giảm mạnh về vùng đáy hồi đầu năm 2021 được cho có nguyên nhân không nhỏ từ bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đối mặt với nhiều thông tin tiêu cực khi NHTW các quốc gia mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, các cuộc xung đột và khủng hoảng năng lượng. Ngoài ra, một số diễn biến thiếu ủng hộ thị trường trong ngắn hạn còn tới từ dòng tiền khối ngoại và tự doanh liên tục bán ròng, cùng dòng tiền chờ mua thiếu thuyết phục
Chứng khoán Everest trong báo cáo gần đây dự báo thị trường vẫn sẽ tiếp tục quay trở lại xu hướng giảm. Nhịp giảm điểm gần đây cho thấy thị trường vẫn chưa đủ động lực để thoát khỏi vùng đáy khi lực cầu vẫn chưa xuất hiện.
Theo EVS Research, mặc dù thị trường vẫn trong vùng định giá rất hấp dẫn, song nghị nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng trong giai đoạn tuần cuối tháng 9 và tuần đầu tháng 10 do đây là giai đoạn thị trường có thể sẽ có nhiều biến động bất thường.
Thực tế, trước áp lực từ sự bất ổn toàn cầu, vị thế của Việt Nam khó tránh khỏi bị tác động. Tuy nhiên kinh tế nội địa vẫn đang vận hành tốt và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Sau khi S&P tăng xếp hạng tín nhiệm lên BB+, Việt Nam tiếp tục được Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm lên Ba2 với sự triển vọng ổn định trong dài hạn. Cùng quan điểm, Dragon Capital dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt được 2 chữ số trong quý 3 và 7,8% trong năm 2022.
Tương tự, Pyn Elite Fund bày tỏ quan điểm tin tưởng nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua những áp lực và tốc độ tăng trưởng có thể chống chọi lại với khủng hoảng. Pyn Elite Fund dự phóng tăng trưởng kinh tế nước ta có thể đạt mức 7,5% trong năm nay, đồng thời tăng trưởng thu nhập tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết có thể đạt 25%. Do đó, chứng khoán Việt Nam đang ở mức định giá đặc biệt rẻ trong tương quan với triển vọng tăng trưởng thu nhập trong vài năm tới.