Vn-Index giảm 33% từ đỉnh, đã đến lúc bắt đáy chứng khoán hay chưa?

Chia sẻ Facebook
30/10/2022 08:24:22

Kinh tế trưởng CTCP chứng khoán SSI đưa ra lưu ý nhà đầu tư không nên “ném đá dò đường” để bắt đáy trong thời gian tới.

Sau một thời gian điều chỉnh mạnh, chỉ số VN-Index vẫn còn thấp hơn đến 32,5% so với đỉnh và nằm trong top các chỉ số giảm mạnh nhất thế giới từ đầu năm. Mới đây trả lời câu hỏi tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã phân tích các nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có sự điều chỉnh mạnh thời gian qua...

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính thời gian qua thị trường chứng khoán có điều chỉnh giảm, có lúc giảm sâu, xuất phát từ cả các yếu tố trong và ngoài nước.

Về yếu tố thế giới, hiện các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu có sự thay đổi rõ rệt sau đại dịch với lạm phát cao, tăng trưởng thấp và có sự điều chỉnh lớn về chính sách tài khóa và tiền tệ. Các tổ chức tài chính quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế này so với dự kiến từ đầu năm. Đây là một nguyên nhân tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam.


Ngoài ra tình hình địa chính trị và cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Điều này ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng năng lượng, đặc biệt là xăng dầu - mặt hàng chiến lược, theo đó tác động lớn tới nền kinh tế Việt Nam.


Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán khu vực và thế giới như ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… cũng có biến động mạnh và điều này tác động liên thông tới thị trường chứng khoán Việt Nam.


Về nguyên nhân trong nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, kiểm soát room tín dụng… để phản ứng với tình hình quốc tế đã ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.


Trong bối cảnh diễn biến như vậy, nhà đầu tư cần lưu ý điều gì trong 3 tháng tới? Đây là câu hỏi được host Ngọc Trinh đặt ra với các chuyên gia trong chương trình Bí mật đồng tiền số 44 với chủ đề Halloween phát sóng trên VTV Digital.

Từ giờ đến cuối năm việc đi dò đáy Index là 1100 hay 1000 hay như anh Lã Giang Trung bảo 950 thấp hơn là điều không nên bởi vì nó rất khó. Chúng ta cũng chả có cơ sở gì để bảo thị trường tạo đáy mức nào đấy. Chúng ta chỉ nhìn thấy đáy khi nó đi qua thôi. Việc dò đáy khá tốn tiền. Việc chúng ta sử dụng tài sản để đi dò đáy, ném đá dò đường tôi nghĩ không nên. Cái chính để thị trường có thể hồi lại thời điểm này là yếu tố vĩ mô đủ mạnh


Ông Phạm Lưu Hưng lấy ví dụ để thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục thì Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) buộc phải điều chỉnh chính sách như dừng hoặc giảm việc tăng lãi suất. Tương tự với thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2009, Chính phủ đưa ra khá nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế, lãi suất.

Đối với thời điểm này chúng ta tập trung và yếu tố vĩ mô nhiều hơn. Chúng ta theo dõi các cơ quan Bộ ban ngành có chính sách gì với thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Khi họ tìm ra được dự thảo hay chính sách giúp cho thị trường tránh được rủi ro thì sự tự tin sẽ quay lại. Không nên dò đáy bây giờ.


Cũng trong buổi họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh tới một số giải pháp về cả ngắn hạn và dài hạn mà Bộ Tài chính sẽ thực hiện để tiếp tục duy trì sự ổn định của thị trường chứng khoán.


Về ngắn hạn, trước mắt, Bộ Tài chính tiếp tục đảm bảo vận hành ổn định và an toàn của thị trường chứng khoán trong mọi tình huống.


Thứ hai, tăng cường minh bạch trong việc yêu cầu các công ty tham gia thị trường tuân thủ quy định về công bố thông tin, xử lý nghiêm vi phạm.


Thứ ba, tổ chức nhiều đoàn thanh tra giám sát các công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư để kịp thời phát hiện các vi phạm trên thị trường.


Thứ tư, tăng cường thông tin chính thống từ cơ quan quản lý nhà nước ra thị trường một cách chính xác và kịp thời để đảm bảo thông tin xấu độc không gây ảnh hưởng tới thị trường.


Thứ năm, tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật, trước mắt là Nghị định 155 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời xử lý các bất cập.

Về lâu dài, ông Chi cho biết Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát và xem xét điều chỉnh các nội dung bất cập của Luật Chứng khoán. Cùng với đó, tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán; đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực của cả nhà đầu tư, cơ quan quản lý và lực lượng thanh kiểm tra giám sát thị trường, cùng nhiều giải pháp khác.


Mộc An

Chia sẻ Facebook