VN-Index biến động mạnh, nhà đầu tư nên hành động ra sao trong thời điểm này?
"Tất nhiên, câu chuyện dài 2023 vẫn còn ở phía trước với nhiều động khó lường. Tuy nhiên trong ngắn hạn và phần còn lại của năm 2022, nếu phải đưa ra về ngưỡng, cá nhân tôi cho rằng thị trường sẽ không thủng vùng 1.000-1.030 điểm", ông Bùi Văn Huy nêu quan điểm.
Chứng khoán Việt Nam mở phiên đầu tuần bằng một phiên giao dịch đầy sóng gió. Cú "rũ cánh" của hàng loạt cổ phiếu trụ khiến VN-Index giảm sâu gần 46 điểm, chính thức mất ngưỡng hỗ trợ để lùi về vùng 1.086 điểm.
Điều đáng ngại không phải là mức giảm mạnh nói trên, mà là xu hướng giảm gần như không có bất kỳ nỗ lực hãm đà nào. Thanh khoản vẫn ở mức thấp trong phiên giảm mạnh cho thấy dòng tiền vẫn kiên quyết đứng ngoài, không chịu nhập cuộc khi chưa có tín hiệu tạo đáy rõ ràng.
Trên thực tế, trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, giới chuyên gia cho rằng nhịp giảm mạnh của thị trường trong phiên hôm nay không quá bất ngờ. Việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ, những biến số khó lường đến từ lạm phát leo thang, lãi suất tăng cao, rủi ro suy thoái và ẩn số từ những căng thẳng địa chính trị... đã tác động rất lớn lên tâm lý thị trường. Do đó, phiên hôm nay chỉ là "giọt nước tràn ly" khi những áp lực đã dồn nén quá mạnh.
Nhà đầu tư quay cuồng khi danh mục chìm trong sắc đỏ, những người mạnh tay "bắt đáy" trong phiên thứ Sáu tuần trước chịu thua lỗ nặng nề. Thị trường đã dần tiệm cận mốc 1.000 điểm, nhà đầu tư nên hành động như thế nào trong thời điểm này?
Đưa ra góc nhìn về thị trường thời gian tới, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC tỏ ra không quá bi quan. Chuyên gia cho rằng bản thận là người tham gia giao dịch cả 2 chiều, cả chiều lên và chiều xuống, do đó trước mỗi quyết định trong ngắn hạn thường "đặt tất cả lên bàn" để cân đong đo đếm.
Chuyên gia cho rằng bối cảnh trung và dại hạn vẫn rất tiêu cực và nhiều ẩn số, tuy nhiên những yếu tố tiêu cực ngắn hạn trong tháng 10 có thể lắng dịu hơn so với tháng 9.
Trong khi hoảng loạn, chuyên gia cho rằng người ta sẽ đặt những giả thuyết về những kịch bản tiêu cực như VN-Index có thể "thủng" ngưỡng 1.000 điểm để về 800 - 900 điểm. Tuy nhiên, cũng cần nhớ khi VN-Index ở ngưỡng 1.500 điểm cũng có nhiều người đặt kịch bản thị trường có thể lên đến 1.800-2.000. Từ đó cho thấy, tâm lý thị trường có những thời điểm sẽ rơi vào trạng thái bi quan thái quá hoặc lạc quan thái quá.
Khi thị trường đang ở trạng thái bất định, tất cả các dự đoán đều có sai số rất lớn. Tuy nhiên nếu xét trong ngắn hạn, chuyên gia DSC cho rằng vị thế bán hiện tại rủi ro hơn vị thế mua, nhất là vị thế bán đuổi.
Theo ông Huy, nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn vẫn duy trì ổn định. Thị trường chứng khoán với kỳ vọng 1.800-2.000 hay về 800-900 chỉ cách nhau vài tháng, trong khi đó bối cảnh vĩ mô không thay đổi nhiều. Do đó, chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán nhiều điểm sáng trong dài hạn.
Còn với những nhà đầu tư trong ngắn hạn, việc hiểu rõ bối cảnh sẽ giúp đưa ra những quyết định phù hợp. Song ở thời điểm hiện tại thì vị thế bán rủi ro hơn vị thế mua, tuy nhiên quan trọng vẫn cập nhật bối cảnh thường xuyên.
Đưa ra chiến lược hành động cho nhà đầu tư trong thời điểm này, ông Huy nêu 4 điểm quan trọng.
Thứ nhất , nhà đầu tư nên xác định chứng khoán có tính chu kỳ và không phải lúc nào cũng thuận lợi. Những lúc không thuận lợi thì tỷ trọng cho kênh chứng khoán nên ở mức thấp.
Thứ hai , nhà đầu tư vẫn nên tập trung vào các cổ phiếu phòng thủ, ít mang tính chu kỳ trong giai đoạn hiện tại
Thứ ba , đối với nhà đầu tư dài hạn, không có lạc quan nhưng không cần bi quan, cần nhìn vào căn cơ.
Thứ tư , quản trị rủi ro nên được ưu tiên. Nhà đầu tư nên giữ tiền để cùng xuất phát với số tiền lớn nhất trong chu kỳ mới.