VNBA chỉ ra lý do khiến công ty tài chính tăng lãi suất cho vay
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép gặp nhiều khó khăn, nhất là hoạt động thu nợ.
Ngày 24/5, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có công văn số 203/HHNH-PLNV gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sơ kết năm thứ 4 thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “tín dụng đen”, đồng thời có nhiều kiến nghị, đề xuất để góp phần ngăn chặn đẩy lùi “tín dụng đen”
Trong công văn này, VNBA cho biết, những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu. Trước bối cảnh đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể sau quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên mức lãi suất huy động và cho vay hiện nay vẫn ở mức cao do thực tế tốc độ huy động vốn vẫn tăng trưởng thấp hơn tín dụng.
Bên cạnh đó, các khoản huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là kỳ hạn ngắn trong khi các khoản cho vay dài hạn lại chưa thu hồi được trong bối cảnh khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm, các khoản huy động cũ lãi suất cao chưa đáo hạn,... nên các ngân hàng vẫn chưa có cơ sở để giảm mạnh lãi suất cho vay.
Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại. Đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, nhưng thấp hơn nhiều so với năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,46%).
Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng thương mại (NHTM) gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là một số khoản nợ về nguyên tắc đã trở thành nợ xấu song do được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, rồi các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái... Thực tế, trong hệ thống, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và quý 1/2023 cho thấy nợ xấu gia tăng mạnh so với trước, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 2%, một số ngân hàng nợ xấu tăng đột biến 4%. Chất lượng tài sản của các NHTM có sự phân hóa mạnh.
Việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, công ty cho vay tiêu dùng nào vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường. Vừa qua, lực lượng công an đã vào cuộc rất tích cực, góp phần trấn áp tội phạm tín dụng đen, xử lý nghiêm các đối tượng đòi nợ thuê.
Tuy nhiên, cùng với việc gần đây xảy ra tình trạng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, một số trụ sở, chi nhánh, văn phòng mở rộng của các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, được báo chí đưa tin dày đặc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh uy tín và dẫn đến hoạt động thu hồi nợ đang bị đình trệ, nợ xấu tăng cao, một số khách hàng có tình "vin" vào những tin tức này để tẩy chay, cho rằng hoạt động thu hồi nợ của các CTTC tiêu dùng này là phạm pháp, chây ỳ việc trả nợ và có hành vi thách thức lại nhân viên thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần.
Tỉ lệ khách vay "không trả nợ" ngày càng cao. Trong khi đó, chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp. Thêm vào đó, gần đây xảy ra hiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các CTTC (đến 31/12/2022, nợ xấu của các CTTC được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tăng 23,09% so với thời điểm 31/12/2021 và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới).
Bên cạnh đó, nhân viên thu hồi nợ của CTTC bị ảnh hưởng tâm lý về việc bị đe dọa ngược từ khách hàng, hoang mang, lo lắng vì nhiều thông tin trái chiều (bắt bớ, điều tra, ... từ kiểm tra của cơ quan chức năng). Tỉ lệ nhân sự nghỉ việc cao, tuyển dụng nhân sự khó khăn hơn trước, do nhiều nguyên nhân như định kiến xã hội về công việc, rủi ro tính mạng khi tác nghiệp, tác động của gia đình...
Việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các CTTC tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Hậu quả là lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng, tác động trực tiếp đến người đi vay.
Theo VNBA, để góp phần ngăn chặn đẩy lùi tín dụng đen đạt kết quả cao nhất cần có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các Bộ ngành, các cấp chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, Hiệp hội Ngân hàng đề xuất một số giải pháp.
Trong đó, VNBA kiến nghị NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng, tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Chẳng hạn quy định tỷ lệ nợ xấu chuẩn cho CTCT ở mức cao hơn để phù hợp với phân khúc khách hàng đa số dưới chuẩn, cho vay không có tài sản đảm bảo.
Nghiên cứu xây dụng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với tổ chức tín dụng, các chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ...
Đẩy mạnh truyền thông danh sách các CTTC được cấp phép để khách hàng hiểu được và không “đánh đồng” với các công ty cho vay tiền qua app mạng, "tín dụng đen". Tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, xem xét cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho một số CTTC.
VNBA cũng kiến nghị với Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm minh đối tượng “tín dụng đen” bất hợp pháp. Đồng thời, cần thông tin đến người dân về tính chất của các cuộc kiểm tra hành chính với CTTC, tránh gây hoang mang cho người dân và ảnh hưởng tâm lý người lao động tại chính các công ty tài chính hoạt động tuân thủ theo quy định pháp luật .
Tuệ Minh