VN: Vì sao rộ lên làn sóng phản đối Barbie, Blackpink và Google về vấn đề Biển Đông?
Những cặp mắt tinh tường của dân mạng đã phát hiện ban tổ chức đêm nhạc Blackpink sử dụng bản đồ có hình lưỡi bò và nhận ra hình lá cờ Việt Nam khổng lồ bằng gốm trên mái nhà tại quần đảo Trường Sa bỗng "trắng xóa" trên phần mềm bản đồ Google Maps.
12 tháng 7 2023
Sự việc phim Barbie bị cấm chiếu, đêm nhạc Blackpink bị thẩm tra, phim truyền hình "Flight to you" bị yêu cầu gỡ khỏi Netflix và FPT Play chưa nguội thì vấn đề lá cờ Việt Nam hiển thị trên Google Earth lại rộ lên.
Bắt đầu từ ngày 10/7, nhiều người chia sẻ tấm bản đồ trên Google Maps, cụ thể ở khu vực đảo Trường Sa với vị trí vốn dĩ là lá cờ khổng lồ của Việt Nam nhưng lại hiển thị màu trắng xóa.
Lá cờ vẫn nguyên trạng trắng xóa cho tới hôm nay, 12/7. Hình ảnh này được cho là chụp từ khoảng tháng 3/2022.
Theo chú thích từ Google Earth, dữ liệu hình ảnh bản đồ hiện tại được chụp trong giai đoạn từ giữa tháng 3/2022 với tọa độ mục tiêu là 8.644137, 111.919352.
Hình ảnh lá cờ Việt Nam là bức tranh bằng gốm với kích thước kỷ lục (12,4m x 25m) 310 mét vuông và đã nằm trên mái tòa nhà hội trường của đảo Trường Sa lớn được 10 năm.
Vào các năm 2020, 2018, lá cờ này vẫn có thể nhìn thấy rõ trên Google Earth nhưng hiện nay, hình ảnh nhà cửa, cây cối xung quanh nhìn thấy tương đối rõ trong khi lá cờ thì trắng xóa.
Điều này dấy lên nghi ngờ Google đã xóa đi hình ảnh lá cờ của Việt Nam, thúc đẩy sự bức xúc trong cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng điều này gây tổn hại đến chủ quyền của Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách đường lưỡi bò 9 đoạn.
Đã có những lời kêu gọi nhau tẩy chay, phản đối bằng cách đánh giá một sao đối với hai dịch vụ Maps và Earth của Google.
Google nói gì?
Trong email trả lời BBC, phát ngôn viên của Google cho biết:
"Vấn đề liên quan đến hình ảnh đang hiển thị là do chất lượng ảnh kém và chúng tôi đang tiến hành các bước cần thiết để thay thế bằng ảnh có chất lượng tốt hơn."
Trên Facebook cá nhân, bà Hà Lâm Tú Quỳnh - Giám đốc truyền thông Google châu Á - Thái Bình Dương giải thích thêm về công nghệ và chất lượng hình ảnh"
"Với các bạn quan tâm công nghệ có thể tự so sánh chất lượng các ảnh chụp vệ tinh thể hiện trên Google Earth Pro qua từng giai đoạn thời gian với cùng pin định vị bản đồ thì sẽ thấy chất lượng, màu sắc, thông tin chi tiết được thể hiện theo thời gian rất khác nhau. Tất cả hình ảnh này được lưu trữ và công bố công khai cho tất cả người dùng một cách minh bạch."
Chuyên gia bảo mật Nguyễn Hồng Phúc viết trên Facebook cá nhân rằng, chất liệu gốm men của bức tranh chính là nguyên nhân khiến nó rất khó hiện lên các tấm không ảnh vệ tinh chụp từ quỹ đạo địa tĩnh ở độ cao 35786 km.
Ông cũng lý giải và đưa ra hình ảnh minh họa về nguyên tắc làm mờ của Google đối với các cơ sở quân sự mà chính quyền các nước yêu cầu. Nhưng theo lời ông, Google sẽ kiểu làm mờ đó rất rõ ràng, nó là làm mờ căm nguyên một khu vực không thể nhìn thấy bất kì chi tiết nào.
Ông Phúc đưa ví dụ điện Elysee Pháp - nơi ở của tổng thống Pháp là khu vực bị chính phủ pháp yêu cầu xóa mờ.
Nguồn hình ảnh, Hong Phuc Nguyen
Làn sóng phản đối yêu sách Trung Quốc
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, đã có bốn vụ việc phản đối liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Hôm 3/7, Cục Điện ảnh cho biết bộ phim điện ảnh Búp bê Barbie bị cấm vì có chứa thông tin nhạy cảm về "đường lưỡi bò".
Ngày 6/7, người phát ngôn Phạm Thu Hằng của Bộ ngoại giao cho biết liên quan đến show diễn của Blackpink, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh về việc ban tổ chức đêm diễn có website đăng bản đồ chứa đường lưỡi bò.
Tới ngày 9/7, Cục Điện ảnh Việt Nam đã ra văn bản yêu cầu Công ty Netflix, Công ty CP Viễn thông FPT gỡ bỏ series dài 39 tập đã được chiếu từ cuối năm 2022 cũng vì đường lưỡi bò trong phim.
Và ngày 11/7, Google phải lên tiếng giải trình về hình ảnh cờ Việt Nam trên đảo Trường Sa lớn hiển thị trắng xóa.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 12/7, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói rằng, những phản đối liên tiếp nói trên cho thấy người dân và chính phủ đều có nhận thức cao về chủ quyền Việt Nam và có phản ứng nhanh mỗi khi phát hiện điều gì đó có thể xâm hại đến vấn đề chủ quyền.
Ông Hợp cũng nhận định, hình cờ biến mất không làm ảnh hưởng đến tuyên bố chủ quyền và các mặt pháp lý chủ quyền khác của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp cũng giải thích thêm, ảnh Google Earth được chụp định kỳ, chứ không chụp một lần, cho nên theo ông nó có thể bị nhiễu quang học (mờ), hoặc nhiễu điện từ... gây biến màu.
"Vì thế giải thích của Google có thể coi là hợp lý. Đơn giản là phía Việt Nam đã đề nghị Google đưa ảnh khác vào, trong đó có cờ Việt Nam." Tiến sỹ Hợp kết luận.
Hôm 4/7, phía Trung Quốc đã lên tiếng việc Việt Nam cấm chiếu phim Barbie vì lý do có đường lưỡi bò.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói các nước không nên gắn vấn đề Biển Đông với hoạt động trao đổi văn hóa bình thường.
Nguồn hình ảnh, MTRCB
Chụp lại hình ảnh,
Sau một tuần cân nhắc, các nhà chức trách Philippines vừa ra quyết định cho phép bộ phim Barbie được chiếu ở nước này, giải thích rằng họ “không có cơ sở để cấm bộ phim”
Tuy nhiên, việc Trung Quốc liên tục cài cắm bản đồ có đường 9 đoạn bị coi là phi pháp, không được quốc tế thừa nhận đã cho thấy rõ Trung Quốc đang cố gắng củng cố yêu sách của mình trên mọi bình diện.
Trong những tranh cãi xoay quanh việc cấm phim Barbie, một luồng dư luận cho rằng, việc cấm và phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc là đúng đắn, nhưng cần tỉnh táo và xác minh thông tin, không phải đường đứt đoạn nào cũng là đường lưỡi bò.
Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện các hành động theo chiến thuật vùng xám và cảnh báo chính phủ Việt Nam và người dân cần đề cao cảnh giác, phản ứng kịp thời, nhằm làm thất bại chiến thuật này.
Chiến thuật vùng xám, theo ông Hợp, là những hành vi cưỡng ép về kinh tế, chính trị, thông tin, không gian mạng… nhưng chưa đến mức xung đột quân sự.
Giáo sư Carl Thayer nhận định với BBC ngày 12/7 rằng, dư luận Việt Nam luôn cảnh giác trước các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trên thực tế, vụ đường lưỡi bò trong vụ Blackpink hay hình lá cờ trắng xóa trên Google Earth đều là sự phát hiện của cộng đồng Việt Nam.
Ông Carl Thayer cũng cho rằng, áp lực thường trực từ dư luận đã khiến các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước phải chủ động bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
"Đây là trường hợp đặc biệt xảy ra trong năm nay khi công chúng đi đến việc đánh giá liệu nhà cầm quyền có đứng lên để chống lại sự đe dọa của Trung Quốc một cách hiệu quả ở vùng biển gần Bãi Tư Chính hay không.
"Không có gì nghi ngờ khi nói áp lực từ người dân đã khiến các quan chức đảng phải công khai triệt để việc lên tiếng phản bác những mô tả về “đường lưỡi bò” trong phim ảnh và các buổi biểu diễn nghệ thuật khác," theo Giáo sư Thayer.
Nhà quan sát chính trị lâu năm này cũng nhắc lại dù hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã đồng tình về quản lý tranh chấp hàng hải ở Biển Đông trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh hồi tháng 10/2022, nhưng Trung Quốc vẫn gia tăng áp lực rõ rệt đối với Việt Nam.
Vào tháng 5 và tháng 6, Trung Quốc cắt cử tàu khảo sát và các tàu hộ tống đến quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển gần Bãi Tư Chính.
Ông Thayer cho rằng, có vẻ như một số quan chức đã tức giận với chính sách ngoại giao bất nhất của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có hành động thẩm tra ban tổ chức đêm nhạc BlackPink - IME vốn có trụ sở tại Bắc Kinh, chất vấn Google về lá cờ trên đảo Trường Sa lớn và cấm chiếu phim Barbie, gỡ phim “Flight to You” khỏi Netflix, theo GS Thayer.