Virus nguy hiểm khiến nhiều voi chết bất thường ở sở thú Thụy Sĩ
Một loại virus nguy hiểm đã xuất hiện tại sở thú Zurich (Thụy Sĩ), giết chết ba con voi châu Á trong một tháng, khiến các chuyên gia lúng túng khi chưa tìm được cách ngăn chặn.
Sở thú nhìn ra thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ hiện chỉ còn 5 con vật to lớn đang đi lại trong chuồng voi rộng 11.000m 2 , theo AFP.
Voi con hai tuổi Umesh là nạn nhân đầu tiên của virus herpes ở voi (EEHV) vào cuối tháng 6. Vài ngày sau đó, chị gái của nó, voi Omysha 8 tuổi cũng mắc bệnh.
Mới đây, hôm 23/7, Ruwani, một con voi cái 5 tuổi thuộc đàn voi khác cũng chết.
Trước tốc độ lây lan cực nhanh trước virus herpes , những con voi châu Á non bị xuất huyết nội tạng và suy nội tạng.
Trong điều kiện nuôi nhốt, virus này là "nguyên nhân chính gây tử vong cho voi 2-8 tuổi", người phát ngôn của sở thú Pascal Marty nói với AFP.
Ông cho biết virus này cũng được biết là có thể giết chết voi trong tự nhiên, nhưng "khó phát hiện hơn một chút".
Tạm biệt lần cuối
Virus herpes tồn tại tiềm ẩn trong hầu hết loài voi, cả trong tự nhiên và nuôi nhốt. Nhưng ở một số trường hợp, nó có thể đột ngột trở nên nguy hiểm, giết chết voi chỉ trong vài ngày.
"Chúng tôi vẫn không biết tại sao nó xảy ra và khi nào xảy ra", ông Marty nói.
5 con voi châu Á còn lại tại vườn thú - tất cả đều đã trưởng thành - được phép dành vài giờ bên xác voi con trong đàn của chúng.
Ông Marty cho biết các con vật cần có “thời gian (để) nói lời từ biệt".
"Rất khó để nói liệu chúng có buồn hay không, bởi nỗi buồn là một thứ gì đó để chỉ con người nhiều hơn" , ông nói.
Nhưng ông nhấn mạnh rằng vì voi là loài động vật có tính xã hội cao, chúng phải nhận ra khi nào một thành viên trong đàn chết.
"Chúng cần hiểu rằng con voi này không phải là một phần của nhóm của chúng nữa" , ông nói
Chưa đầy một tuần sau cái chết gần đây nhất của một con voi, loài động vật có vú khổng lồ này dường như trở nên chán nản, không còn quan tâm đến các hoạt động hàng ngày, từ bơi trong ao lớn cho đến tìm kiếm thức ăn.
Chúng luồn vòi của mình vào các lỗ cây, nơi một chương trình máy tính thường giấu ngẫu nhiên cà rốt và cỏ khô nhằm mục đích khiến các con vật đi lại và tìm kiếm thức ăn như trong tự nhiên.
Khó ngăn sự lây lan
Sở thú Zurich đã mở chuồng voi mới vào năm 2014, cung cấp cho đàn voi không gian nhiều hơn gấp 6 lần so với trước đây.
Nhưng 8 năm trôi qua, sở thú thừa nhận họ đang trải qua "những ngày khó khăn".
“Điều đặc biệt khó chịu là chúng tôi bất lực trước loại virus này, bất chấp được cung cấp dịch vụ chăm sóc thú y tốt nhất từ bệnh viện đại học ở Zurich”, giám đốc sở thú Severin Dressen cho biết trong một tuyên bố.
Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc chủng ngừa cho loại virus này. Mặc dù con người đã phát minh thuốc kháng virus, chúng không hiệu quả lắm và ngay cả khi voi được điều trị nhanh chóng, chỉ khoảng 1/3 trong số chúng sống sót.
“Dịch tễ học của căn bệnh này vẫn chưa rõ ràng” , Bhaskar Choudhury, bác sĩ thú y và là thành viên của Nhóm chuyên gia về voi châu Á của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết.
“Virus này không thường xuyên lây nhiễm ở voi trưởng thành nhưng tần suất này có thể tăng lên khi chúng gặp căng thẳng. Đây được cho là nguồn lây nhiễm cho voi con", ông nói với AFP.
Voi châu Á, có thể sống đến khoảng 60 tuổi, được IUCN xếp vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng, chỉ còn khoảng 50.000 con trong tự nhiên.
Phá rừng, mở rộng đô thị và phát triển nông nghiệp đã cướp đi môi trường sống tự nhiên của chúng, trong khi nạn săn trộm và buôn bán ngà voi trái phép cũng đe dọa nhiều đàn voi.
"Các quần thể đang suy giảm ở khắp mọi nơi" , ông Marty nói và cho biết thêm để bảo tồn, "việc nuôi dưỡng những quần thể voi châu Á tốt và khỏe mạnh ở châu Âu cũng thực sự quan trọng" .
Ông cho biết sở thú Zurich có một trong những chuồng voi hiện đại nhất thế giới và đang có ý định tiếp tục sứ mệnh nhân giống chúng.
Ông mô tả những con voi trong công viên là "đối tác" trong việc giáo dục mọi người về những vấn đề mà voi hoang dã gặp phải.
“Những con voi ở vườn thú có vai trò quan trọng như những đại sứ cho loài của chúng” , ông nói.