Virus mới ở Trung Quốc: Tỉ lệ tử vong tới 75%, chưa có thuốc điều trị

Chia sẻ Facebook
10/08/2022 15:33:28

Virus mới phát hiện ở Trung Quốc đã lây nhiễm cho 35 người. Hiện tại, chưa có thuốc và vắc-xin cho loại virus này. Tỉ lệ tử vong ở người mắc lên tới 75%.

Ngày 8/8, tạp chí y khoa New England (NEJM) công bố báo cáo của nhóm chuyên gia tại Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc và Trường Y Duke-NUS (Singapore) cảnh báo về mầm bệnh mới được phát hiện ở tỉnh Sơn Đông, Hà Nam, Trung Quốc. Các nhà khoa học đặt tên cho virus mới là Langya henipavirus (LayV), có nguồn gốc từ động vật, có thể lây nhiễm sang người.


"Loại virus này cùng chi với virus Nipah. Đến nay, những trường hợp này chưa gây tử vong hoặc nghiêm trọng. Chúng ta nên cảnh giác với loại virus mới nhưng không cần quá hoảng sợ. Điều quan trọng là mọi người cần phải cẩn thận vì có rất nhiều loại virus tương tự trong tự nhiên và nếu một loại virus nào đó lây truyền sang người, tình hình có thể khác", The Paper dẫn nhận định của nhóm chuyên gia trong bài báo.


Henipavirus là một chi trong họ Paramyxoviridae, thường cư trú trong cơ thể dơi ăn quả và một số loài dơi nhỏ. Các nhà khoa học đánh giá sự xuất hiện gần đây của Henipavirus với tư cách là mầm bệnh truyền từ động vật, có khả năng gây bệnh và tử vong là thực trạng đáng lo ngại. Henipavirus được ghi nhận song song với nhiều loại virus khác như virus corona , virus Menangle, virus Marburg và virus Ebola.

Virus có đặc trưng là bộ gene dài, phạm vi ký sinh rộng, được phân loại vào nhóm có mức an toàn sinh học cấp độ 4 - cấp màu đỏ nguy hiểm. Tỉ lệ tử vong trên số người mắc là 40-75%, theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ít nhất 35 người ở tỉnh Sơn Đông và Hà Nam được ghi nhận trong báo cáo trên đã nhiễm virus thuộc chi Henipavirus, tên là Langya henipavirus (LayV).

Các nhà khoa học hiện chưa có nhiều thông tin về phân nhánh Langya henipavirus. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, vật chủ ban đầu của virus có thể là chuột chù.


Trong nghiên cứu được công bố trên NEJM , các nhà khoa học xác định mầm bệnh mới từ mẫu ngoáy họng của một bệnh nhân, thông qua giải trình tự gene và phân lập virus khi giám sát những người sốt sau khi tiếp xúc động vật.

Bộ gene của LayV gồm 18.402 nucleotide, tổ chức bộ gene giống các Henipavirus khác. Các chuyên gia phát hiện đây là dòng mới, có mối quan hệ tiến hóa giống virus Henipa đã được phát hiện trước đây ở Mặc Giang, Vân Nam, Trung Quốc. Đặc biệt, virus Nipah và Langya henipavirus (LayV) là có liên quan nhất.


Các virus thuộc chi Henipavirus là một trong những nguyên nhân lớn gây ra các loại bệnh trên động vật ở châu Á, Thái Bình Dương. Các chuyên gia lưu ý cả phân nhánh virus Hendra (HeV) và virus Nipah (NiV) (thuộc chi này) đều có thể lây nhiễm từ động vật sang người.

Thông thường, con người lây virus HeV qua ngựa hoặc dịch thể của ngựa. Các cá thể ngựa nhiễm virus sau khi tiếp xúc với nước tiểu của dơi. HeV không truyền từ người sang người hoặc trực tiếp từ dơi sang người.

Trong khi đó, NiV lây truyền qua tiếp xúc với lợn hoặc dơi bị nhiễm bệnh, có thể truyền từ người sang người thông qua giọt bắn hô hấp. Nhiều người nhiễm virus sau khi chăm sóc các thành viên trong gia đình bị bệnh.

HeV từng bùng phát trong cộng đồng tại miền bắc Australia và Đông Nam Á. Đợt lây nhiễm được báo cáo năm 1999 ở Malaysia và Singapore khiến nhiều người tử vong. Ấn Độ cũng ghi nhận làn sóng virus Nipah gần như hàng năm.

Thời gian ủ bệnh sau nhiễm Henipavirus là khoảng 5-16 ngày (hiếm khi lên đến 2 tháng). Bệnh có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng. Các triệu chứng tiêu biểu bao gồm sốt, mệt mỏi, ho, chán ăn, đau cơ và buồn nôn. 26 trong số 35 trường hợp nhiễm virus ở Trung Quốc cũng có các biểu hiện lâm sàng như sốt, khó chịu, ho, chán ăn, đau cơ, buồn nôn, nhức đầu và nôn.

Langya henipavirus gây ra các triệu chứng giống cúm. Ảnh: Freepik.

Cụ thể, các triệu chứng lâm sàng của 26 bệnh nhân là sốt (100%), mệt mỏi (54%), ho (50%), chán ăn (50%), đau cơ (46%), buồn nôn (38%), nhức đầu (35%), nôn (35%), kèm theo giảm tiểu cầu (35%), giảm bạch cầu (54%), suy giảm chức năng gan (35%) và suy giảm chức năng thận (8%).

Các triệu chứng này có thể tiến triển thành viêm não nặng, tình trạng lú lẫn, phản xạ bất thường, co giật và hôn mê. Viêm não tái phát hoặc khởi phát muộn, xảy ra vài tháng hoặc vài năm sau giai đoạn mắc bệnh cấp tính. Một số người cũng gặp triệu chứng hô hấp.

Hiện, các chuyên gia vẫn chưa xác định được liệu LayV có thể truyền từ người sang người như SARS-CoV-2 hay không. Song các báo cáo trước đó đã cảnh báo về con đường lây truyền này.

Người mắc không có tiền sử tiếp xúc gần hay tiếp xúc chung giữa các bệnh nhân, chứng tỏ sự lây nhiễm trong quần thể có thể là lẻ tẻ. Họ cũng không có lây nhiễm thứ phát cho các thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận kích thước mẫu quá nhỏ để xác định tình trạng lây truyền từ người sang người của LayV nên việc phát hiện LayV cần được đánh giá chéo với virus Nipah.

Nhóm chuyên gia kết luận LayV là loại Henipavirus mới được phát hiện có thể có nguồn gốc từ động vật, liên quan bệnh sốt ở người và phát hiện này cần được nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về các bệnh liên quan ở người

Hiện chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho các trường hợp nhiễm Henipavirus. Bác sĩ thường chỉ chăm sóc hỗ trợ nhằm kiểm soát các triệu chứng và biến chứng.


Thế giới cũng chưa có loại vắc-xin hiệu quả ngăn ngừa Henipavirus. Để phòng tránh lây nhiễm, các nhà khoa học đề xuất cộng đồng, du khách hạn chế tiếp xúc với ngựa, lợn, dơi bị bệnh hoặc chất bài tiết của chúng. Người dân không nên tiêu thụ nhựa cây chà là thô hoặc các sản phẩm làm từ nhựa cây thô.

Theo các nhà khoa học, các mầm bệnh mới nổi xuất hiện là do sự xâm phạm của con người vào lãnh thổ của loài dơi hoặc quá trình di cư của dơi sau khi mất nguồn thức ăn và môi trường sống.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook