Vĩnh Phúc: Lực lượng cảnh sát đường thủy nỗ lực bảo đảm an toàn giao thông mùa mưa bão
Với nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến sông… thời gian qua, lực lượng cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã khắc phục khó khăn, ngày đêm bám tuyến, góp phần mang lại bình yên trên những dòng sông.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 3 con sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy với chiều dài hơn 100km. Toàn tỉnh hiện có có 41 bến thuỷ nội địa, trong đó có 3 bến phà, 13 bến đò và 15 bến bốc xếp vật liệu xây dựng, 2 bến với 14 phương tiện hoạt động trở khách du lịch tại khu vực lòng hồ đại lải, 7 bến khách ngang sông với 08 phương tiện. Hàng ngày lưu lượng phương tiện hoạt động trên tuyến dao động khoảng 200 lượt phương tiện... Chính vì vậy, việc đảm bảo bình yên cho những tuyến sông, lòng hồ trên địa bàn là một nhiệm vụ quan trọng của lực lượng cảnh sát đường thủy.
Trong thời điểm mưa lũ, lưu lượng dòng chảy trên các tuyến sông tăng cao, nhiều điểm có gió lớn, xoáy nước, phức tạp về luồng lạch... làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), lực lượng cảnh sát đường thủy, phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung tổ chức tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các bến đò, bến khách ngang sông nhằm kịp thời chấn chỉnh, nâng cao ý thức của chủ bến bãi, chủ phương tiện cũng như người dân đối với việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng là một nội dung quan trọng được các chiến sĩ đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện. Lực lượng cảnh sát đường thủy chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh và các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền pháp luật về công tác đảm bảo an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và phòng chống đuối nước trẻ em đến 2.979 lượt phương tiện và người tham gia giao thông trên tuyến sông Hồng, sông Lô, tuyên truyền tới 604 lượt học sinh, giáo viên nhà trường.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Hữu Thành phó trưởng phòng cảnh sát giao thông cho biết: Lực lượng Cảnh sát đường thủy thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến sông Hồng, sông Lô và hướng dẫn phân luồng giao thông tại các khu vực trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Tổ chức cho 100% chủ phương tiện, chủ bến cát, sỏi, bến phà, bến đò chở khách ngang sông ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
Đồng thời, tiến hành kiểm tra các bến bãi, cơ sở khai thác khoáng sản, bến tàu khách, bến đò ngang trên trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kết quả, từ đầu năm 2023 đến nay đội cảnh sát đường thủy đã xử phạt 221 trường hợp vi phạm với số tiền phạt là 217 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu của phương tiện vận tải thủy gồm có: Chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn và thuyền viên vi phạm nồng độ cồn.
Mùa mưa, lũ đã tới, các biện pháp đảm bảo ATGT đường thủy đã và đang được các cấp, ngành, lực lượng chức năng tích cực triển khai như: tích cực tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và phòng chống đuối nước đối với các phương tiện và người tham gia giao thông; Tổ chức hướng dẫn điều tiết phương tiện tại các khu vực luồng hay diễn biến đột xuất như khu vực luồng Cao Đại, luồng Đức Bác; hướng dẫn, yêu cầu các phương tiện neo đậu an toàn khi thời tiết mưa giông, tầm nhìn hạn chế; Phối hợp các cơ quan kiểm tra kịp thời, kiến nghị ngành chức năng bổ sung, thay thế phao tiêu, biển báo hiệu đường thủy bị hỏng hoặc bị mất; Tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường của thời tiết thì mỗi người dân có hoạt động mưu sinh liên quan đến sông nước, cũng như các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng có trách nhiệm bảo đảm TTATGT đường thủy cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, phải luôn sẵn sàng ứng phó, thực hiện mọi biện pháp xử lý tình huống một cách hiệu quả nhằm đảm bảo TTATGT, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản xuống mức thấp nhất.
Thanh Tâm