Vinfast và câu chuyện phần thưởng cho người dũng cảm

Chia sẻ Facebook
27/11/2022 20:54:37

Vinfast thuộc tập đoàn VinGroup của Việt Nam đã xuất khẩu lô xe ô tô điện đầu tiên sang Mỹ. Đây được coi là một chỉ dấu quan trọng của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam.

Theo thông cáo báo chí của công ty cho biết, lô xe VinFast VF 8 sản xuất tại Việt Nam , có số lượng 999 chiếc này là sản phẩm dành riêng cho thị trường Mỹ. Đây cũng là lô xe đầu tiên xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF 8 và VF 9 trên toàn cầu. Ngay sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF 8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023.

Lô xe VinFast VF 8 đầu tiên sản xuất tại Việt Nam đang đến với thị trường Mỹ.


Có thể nói, bước đi mới này của Vinfast đang có những điểm khá tương đồng với hành trình mà “gã khổng lồ” ô tô của Hàn Quốc, Hyundai đã từng tạo ra ở thập niên 80 của thế kỷ trước, thời điểm mà họ cũng lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, chinh phục thị trường khó tính nhất trên thế giới.


Dấu ấn của Hyundai

Trên thực tế, Hyundai không phải là một nhà sản xuất ô tô có truyền thống lâu đời nhất của Hàn Quốc, nhưng ở thời điểm hiện tại họ đang là biểu tượng của ngành sản xuất ô tô của nước này. Khởi đầu với tư cách là một công ty xây dựng và kỹ thuật được thành lập vào năm 1947, sau đó họ mở rộng sang lĩnh vực sản xuất ô tô vào năm 1967. Ban đầu, hãng chế tạo theo giấy phép một loạt xe Ford châu Âu, từ chiếc Cortina nhỏ gọn đến chiếc sedan cỡ lớn Tanus.

Vào tháng 2 năm 1986, Hyundai ra mắt mẫu xe Excel tại thị trường Mỹ, khởi đầu cho "giấc mơ Mỹ" của nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc.


Bước đột phá đầu tiên của Hyundai trong hành trình trở thành tên tuổi lớn là họ việc có tham vọng tạo ra những chiếc xe của riêng mình. Năm 1974, Hyundai đã thuê cựu giám đốc Leyland người Anh, Sir George Turnbull để giúp làm điều đó. Sir George khi đó đã thuê một số kỹ sư người Anh khác, khai thác công ty Italdesign của Giorgio Giugiaro để tạo kiểu dáng và dùng Mitsubishi để cung cấp hệ thống truyền động. Những chiếc xe đầu tiên của Hyundai có tên là Pony, ngay lập tức trở thành mẫu xe bán chạy nhất tại Hàn Quốc khi đó.

Điều đáng kinh ngạc là tốc độ mà Hyundai đã đi từ việc chưa thể chế tạo nổi chiếc xe nào của riêng mình sang sản xuất hàng loạt chiếc xe nhỏ gọn, có khả năng ít nhất ngang ngửa với chiếc Mazda GLC đương đại. Hành trình của Hyundai sau này được người ta ví như việc “đi từ bãi đất trống đến nhà máy hoạt động hoàn chỉnh chỉ trong một năm”.

Tuy nhiên, dấu ấn đặc biệt của Hyundai trên hành trình trở thành “gã khổng lồ” trong ngành ô tô là khi họ đã từng có một bước đột phá cực kỳ quan trọng, đó là việc thâm nhập vào thị trường Mỹ.

Vào tháng 2 năm 1986, Hyundai ra mắt mẫu xe cỡ nhỏ Excel tại thị trường Mỹ. Truyền thông Hàn Quốc khi đó đã từng cho rằng, những người Mỹ gốc Hàn Quốc đang sinh sống tại đây đã rơi nước mắt khi chứng kiến những chiếc Hyundai Excel lăn bánh tại đường phố Manhattan hay là San Francisco. Với họ đây là một bước tiến lớn lao của đất nước mình khi đã vươn lên từ một quốc gia nghèo khó sau chiến tranh, trở thành một nước có thể “xuất khẩu xe sang một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới”.

Chỉ bảy tháng sau đó, Hyundai đã bán được 100.000 chiếc Excel. Tổng doanh số bán hàng năm 1986 là 168.882 chiếc, một kỷ lục trong ngành đối với một nhà phân phối ô tô nhập khẩu trong năm đầu tiên. Doanh số bán hàng của Hyundai đạt trung bình 1.431 chiếc trên mỗi đại lý, một kỷ lục bán hàng khác. Năm 1987, doanh số bán hàng của họ tiếp tục tăng vọt, đạt kỷ lục 263.610 chiếc.

Thành tích của Hyundai khi đó rất đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng thời điểm mà nhà sản xuất ô tô của Hàn Quốc đến Mỹ là quá lý tưởng. Khi đó, hầu hết các nhà sản xuất ô tô kỳ cựu đã từ bỏ thị trường cấp thấp để chuyển sang các loại xe cao cấp, giá cao và để lại một khoảng trống mênh mông trên thị trường. Hyundai đã tận dụng khoảng trống này và tập trung vào phân khúc khách hàng gồm những người mua xe lần đầu như sinh viên đại học và các gia đình trẻ, những người không thể tìm được những chiếc xe được trang bị đầy đủ, giá trị đáp ứng nhu cầu của họ nhưng vẫn có giá phù hợp với khả năng kinh tế của họ.


Và bước đi của Vinfast

Quay trở lại câu chuyện của Vinfast . Có thể nói, những chiếc xe Vinfast đầu tiên ở thời điểm hiện tại xuất khẩu đến Mỹ cũng đang tạo được những xúc cảm không hề nhẹ với những người Việt đang sinh sống, làm việc tại đây. Việt Nam cũng đã từng là một quốc gia nghèo đói sau chiến tranh và giờ đây đã vươn mình để trở thành một quốc gia sản xuất được ô tô, xuất khẩu được ô tô, thậm chí còn hiện đại không kém những sản phẩm tại chính đất nước đã sản sinh ra Henry Ford, “ông tổ” của ngành sản xuất xe hơi hàng loạt.

Vinfast cũng sẽ thành công tại thị trường Mỹ?

Trên thực tế, hành trình chinh phục nước Mỹ ở thời điểm này của Vinfast là không hề dễ dàng. Thị trường Mỹ được coi là cô gái đẹp, luôn có lực hấp dẫn mãnh liệt và khiến cho người ta chưa bao giờ ngừng khao khát chinh phục. Tuy nhiên, nước Mỹ cũng là mảnh đất đang chứng kiến đến 90% các công ty khởi nghiệp ô tô thất bại, thậm chí cả các “tay chơi” kỳ cựu với các nguồn đầu tư khổng lồ và mang trong mình nhiều kỳ vọng.

Việc Vinfast “dám” mang xe đến nơi đây bán là một quyết định dũng cảm, đầy rủi ro và thách thức, nhưng họ đang dũng cảm với kỳ vọng sẽ tạo ra những hiệu ứng tốt vì chỉ cần những chiếc xe này được chạy tại Mỹ, được người dân nơi này sử dụng thì coi như đã vượt qua tiêu chuẩn khắt khe nhất, dễ bề tiến vào các thị trường khác.

Có lẽ vậy, nên ngay từ đầu Vinfast đã xác định nước Mỹ sẽ là thị trường chính. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VinGroup, công ty mẹ của Vinfast đã từng chia sẻ trong đại hội cổ đông thường niên hồi năm 2020: “Thị trường Mỹ giống như một phép thử, nếu chúng tôi vào được thị trường khó nhất thì vào những thị trường khác đơn giản, dễ dàng. Và với những công ty mới, mang tính startup như Vinfast, chúng tôi càng phải đặt những mục tiêu rất cao và nghiêm khắc”.

Việc ông Vượng có tham vọng chinh phục thị trường nước Mỹ là điều không hề giấu diếm. Song, nhiều người từng đánh giá đây là một tuyên bố “làm màu” trong khi những người khắt khe thì cho rằng đó là sự tự tin thái quá. Tuy nhiên, hành trình của Vinfast đến với “giấc mơ Mỹ” giờ đây đã thành hiện thực, dẫu cho mới chỉ là những bước khởi đầu. Tuy nhiên, “chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”, muốn thành công ai mà chằng cần phải dũng cảm, khát khao và dám chinh phục?

Có lẽ đã đến lúc chúng ta hãy nên tin vào những khát khao của Vinfast, khát khao sự thành công của một thương hiệu Việt.

Chia sẻ Facebook