VinFast ném đá dò đường về loại xe 'màu mỡ': Mercedes thua thảm hại, số 1 Mỹ thì sao?

Chia sẻ Facebook
23/05/2022 16:09:02

Bán tải điện là một thị trường có thể nói là màu mỡ, nhưng không dễ để có được thành công.

Bản vẽ bán tải của VinFast trên cơ sở dữ liệu của cơ quan sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Theo như chuyên trang Motortrend đưa tin gần đây thì không chỉ có những mẫu SUV, VinFast sẽ mang tới thị trường một mẫu sedan hạng trung và đang cân nhắc một mẫu xe bán tải.

Dòng tin này của Motortrend nằm trong bài viết nói về trải nghiệm của họ với mẫu VinFast VF8 tại nhà máy Cát Hải, Hài Phòng hồi tháng 4 vừa rồi.

Tuy nhiên, đi từ "cân nhắc" tới thực sự sản xuất một mẫu xe thương mại còn rất xa và cần nhiều tính toán, trong đó ít nhiều phải kể tới sự thất bại của Mercedes trong lần thử với một mẫu bán tải cao cấp.

VinFast tự định vị mình là một hãng xe cao cấp thiên hướng sang trọng, liệu có lặp lại sai lầm của Mercedes?


VÌ SAO XE BÁN TẢI LẠI KHIẾN VINFAST SUY NGHĨ?

Trong bài viết cách đây khoảng nửa năm, chúng tôi đã đề cập rằng dù doanh số chung của thị trường giảm nhưng tỷ trọng của dòng Light Trucks (tạm dịch: Xe tải nhẹ - bao gồm SUV và xe bán tải) tại Mỹ lại tăng. Chiều hướng phát triển đó là một điểm mấu chốt mà các hãng xe cần nắm được khi muốn tung ra một sản phẩm nào, nhất là khi xác định Mỹ là một thị trường quan trọng.

Không chỉ có một thị trường nhộn nhịp, nói riêng tới dòng bán tải chạy điện thì phân khúc này không có quá nhiều cạnh tranh. Ở đầu thời kỳ xe điện, không có nhiều cái tên bán tải chạy điện nổi trội, chỉ có thể kể tới một vài cái tên đã, đang và gần tới thị trường như Ford F-150 Lightning, Tesla Cybertruck, Rivian R1T, GMC Hummer EV, hay Chevrolet Silverado EV. Ngoài những cái tên này ra thì vẫn còn một số cái tên khác, như Lordstown Endurance, Alpha Wolf, Nikola Badger..., nhưng không được nhiều người quan tâm tới.

Đứng trước một khu chợ đông người mua, ít kẻ bán, có lẽ khó có nhà sản xuất nào có thể bước qua mà không ít nhiều dừng lại suy tính. Dẫu vậy, để tạo ra được một sản phẩm có thể thu hút được sự chú ý thì không phải là điều dễ dàng. Ngay như Mercedes cũng đã từng thử và rồi ôm về một thất bại cay đắng.


SAI LẦM CỦA MERCEDES

Trầm trồ

Cuối tháng 10/2016, Mercedes chính thức giới thiệu tới khách hàng toàn thế giới mẫu xe ý tưởng cho chiếc bán tải mà hãng sẽ làm, gọi là Mercedes X-Class. Thật sự, mẫu xe và ý đồ của Mercedes đã khiến nhiều người phải trầm trồ khi họ cố gắng định nghĩa lại khái niệm của xe bán tải: Không cứ phải thô kệnh, gằn xóc, xe bán tải có thể bảnh bao, mềm mại và sang trọng. Thực tế, mẫu bán tải X-Class của Mercedes được xem là mẫu bán tải cao cấp đầu tiên của thế giới.


Đó là đường hướng phát triển xe bán tải của Mercedes. Họ trình làng 2 phiên bản cho mẫu xe bán tải của mình: Mẫu đầu tiên được Gorden Wagener (trưởng thiết kế của Mercedes) nhắc đến với cái tên Stylish Explorer (tạm dịch: Nhà thám hiểm phong cách) với vẻ ngoài sang trọng thường thấy trên các mẫu Mercedes; mẫu thứ hai, Powerful Adventurer (tạm dịch: Kẻ phiêu lưu tráng kiện) vẫn giữ nét sang trọng chung nhưng có thêm các chi tiết giúp tăng dáng vẻ hầm hố, như bộ lốp địa hình, tời kéo, nội thất theo kiểu thực dụng...

Mercedes X-Class phiên bản Powerful Adventurer (bên trái) và Stylish Explorer (bên phải)

Doanh số thảm hại

Dù rằng Mercedes X-Class thực sự là một minh chứng cho khả năng thiết kế kỳ tài của hãng xe Đức khi đã làm được những điều chưa từng thấy, nhưng chỉ nhiêu đó thôi có lẽ là chưa đủ khi mẫu xe này trải qua những năm tháng ngắn ngủi với doanh số đáng xấu hổ.

Chỉ có khoảng 16.700 chiếc được bán ra tại khu vực châu Âu, Nam Phi và Úc sau khi mở bán trọn vẹn cả năm 2018; và khoảng 10.000 chiếc trong 9 tháng của năm 2019. Với kết quả này, Mercedes X-Class đã được "điền tên vào sổ tử" từ tháng 5/2020, kết thúc khoảng 2,5 năm tẻ nhạt.

Không đạt kỳ vọng khách hàng

Nhưng lý do nào khiến một mẫu xe đã từng được kỳ vọng tới vậy, làm được những điều khó tới vậy lại thất bại? Một trong những lý do thường được nhắc tới là việc X-Class chính là một chiếc Nissan Navara khoác trên mình lớp áo bảnh bao cộp mác Mercedes.

Thật vậy, Mercedes X-Class là một sản phẩm trong hợp tác giữa Mercedes, Renault và Nissan. Nếu có cơ hội trải nghiệm Mercedes X-Class, người dùng sẽ thấy ngay những bộ phận sử dụng chung với Nissan NP300 Navara, như miếng ốp nhựa sần, khối động cơ 2.3L cũng từ Renault, bộ khung sát-xi rời (Mercedes cho biết rằng hãng đã tùy biến lại, ở một số phiên bản thì hộp số cũng được sử dụng chung.

Mercedes X-Class được xây dựng dựa trên Nissan NP300 Navara.

Truyền thông thế giới ghi nhận rằng Mercedes đã rất tài ba khi đưa lên được mẫu xe này những đặc điểm riêng của Mercedes, từ ngoại thất tới nội thất - thậm chí cả hệ thống giải trí cũng được đưa lên, nhưng có lẽ chưa đủ để bù cho cảm giác lái không thuần chất Mercedes. Sau buổi lái thử mẫu X-Class tại Chile hồi cuối tháng 11/2017 (thời gian Mercedes X-Class mới được bán ra), truyền thông của Nam Phi có đưa ra một nhận xét như sau: "Để nói rằng X-Class cho cảm giác lái đậm vẻ cao cấp thì có lẽ là hơi quá."

Như vậy, có thể thấy rằng vẻ ngoài đẹp mã của Mercedes X-Class chưa đủ để thuyết phục người dùng bỏ qua "cốt cách" Nissan Navara ẩn sau.


ĐỐI THỦ SỪNG SỎ VÀ BÀI HỌC ĐẮT GIÁ

Những con số biết nói

Khi Mỹ là thị trường quan trọng của dòng xe tải nhẹ, hãy cùng nhìn về mẫu xe được ưa chuộng nhất tại thị trường này: Ford F-150. Mẫu xe này thuộc dòng F-series của Ford, đã luôn là dòng xe bán chạy nhất tại Mỹ trong hơn 40 năm liên tục. Không lâu trước đây, Ford cũng đã cho ra mắt phiên bản chạy điện của F-150, tên đầy đủ là Ford F-150 Lightning.

Những con số nói lên thành công của mẫu xe này có thể nêu tới như 20.000 đơn sau 12 tiếng mở cọc, 100.000 đơn sau 3 tuần, và 200.000 đơn sau hơn nửa năm, khiến chiếc xe có thời gian chờ lên tới 3 năm.

Những con số đặt cọc khổng lồ có thể khiến người ta choáng ngợp, nhưng những con số sau mới thực sự cho thấy Ford F-150 Lightning đã thành công ra sao: Ford cho biết rằng 50% người đặt cọc Ford F-150 Lightning là lần đầu tiên dùng bán tải, 75% là khách hàng mới của Ford. Từ những con số này, Ford cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để lôi kéo người sử dụng chuyển sang xe điện, có thể sánh ngang với việc Tesla ra mắt mẫu xe điện giá phổ thông Tesla Model 3 giữa bối cảnh xe điện đều thuộc phân khúc cao cấp.

Từ khóa: Thực dụng

Ford dường như muốn xây dựng cho F-150 Lightning hình tượng một con "ngựa thồ" hơn là một "tuấn mã".

Điều ẩn sau thành công của Ford F-150 Lightning có lẽ khá dễ hiểu. Trong những video giới thiệu về mẫu xe này, nhiều người đã nhấn mạnh đến tính thực dụng của mẫu xe, như việc cốp trước có dung tích lên tới 400 lít, chịu tải tối đa 180kg - dung tích cốp tương đương với nhiều mẫu sedan hạng C. Ngoài ra, Ford F-150 Lighning còn có rất nhiều ổ cắm, từ cốp trước, trong xe, đến thùng sau, thậm chí có thể làm nguồn điện cho cả một gia đình sử dụng trong ít nhất 3 ngày.

Nói đến khả năng vận hành, Ford F-150 Lightning bản tiêu chuẩn có công suất 426 mã lực / 1051Nm mô-men xoắn, có thể đi tối đa 370km; tải tối đa 900kg (cả cốp trước và thùng sau), kéo tối đa 4,5 tấn. Với nhiều công năng như vậy, Ford F-150 Lightning lại chỉ có giá khởi điểm ở quanh mốc 40.000 USD. Mẫu xe này quả thực là một lựa chọn không tồi, có thể nói là "Ngon - Bổ - Rẻ".

Như vậy, có thể thấy rằng chỉ nhờ xoay quanh từ khóa "thực dụng", Ford đã thành công trong việc tạo ra một sản phẩm đánh trúng vào nhu cầu của khách hàng.

3 THÁCH THỨC VỚI VINFAST

1. Cao cấp và thực dụng, trung điểm nằm ở đâu?

Như đã đề cập trong bài, có thể thấy rằng Mercedes chú trọng tới cao cấp thì thất bại, Ford tập trung vào thực dụng thì thành công. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ cao cấp và thực dụng dường như không đi cạnh nhau.

Các sản phẩm cao cấp có lẽ phải mang tính gợi cảm, giúp người dùng có được một cảm xúc đặc biệt nào đó, tức là thiên về mặt trải nghiệm, hưởng thụ; trong khi đó thì thực dụng giống với một công cụ để làm việc. Ví dụ một cách cực đoan, người ta sẽ cần một chiếc kìm được làm bằng chất liệu tốt và bền dù có thể hơi xấu, hơn là một chiếc kìm mạ vàng nạm kim cương. Với định vị là một hãng xe cao cấp, VinFast sẽ cần tìm một điểm mà ở đó thỏa mãn được cả tính cao cấp lẫn thực dụng.

2. Không có "chất Mỹ"

VinFast hay bất cứ hãng xe không có gốc Mỹ nào cũng sẽ phải đối mặt với những đối thủ bản địa, những người hiểu chính người dân của họ và có lợi thế về sự tự hào quốc gia. Điều này thực sự được các hãng xe bản địa tận dụng triệt để.

Chi tiết cờ Mỹ trên Ford F-150 Lightning.

Có thể kể tới việc Ford thường sử dụng lá cờ Mỹ để trang trí một vài điểm trên các sản phẩm của mình. Ngoài cờ Mỹ, Ford còn có tấm kim loại khắc laze bản đồ của bang Detroit - quê nhà của Henry Ford. Trên Ford F-150 Lightning, Ford đã khéo léo kết hợp cờ Mỹ với biểu tượng sấm sét cho dòng Lightning. Trên thực tế, mẫu Ford F-150 từng được trang Cars.com bình chọn là mẫu xe đậm chất Mỹ nhất.

GMC Hummer EV có một số chi tiết gợi nhớ tới Neil Armstrong - phi hành gia người Mỹ, người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.

Ngoài Ford, GMC Hummer EV cũng có một điểm thú vị về tính Mỹ, đó là việc hãng sử dụng dấu chân giày trên Mặt Trăng của Neil Armstrong. GMC đưa chi tiết này lên phần ốp loa và phần để chân của người lái.

3. Điểm khó chung của xe điện

Khi lựa chọn định hướng 100% điện, chiếc bán tải của VinFast hẳn cũng sẽ là một mẫu xe điện. Do vậy, chiếc xe cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề người dùng thường đặt ra với một chiếc xe điện: Sạc trong bao lâu, cự ly di chuyển ra sao khi đầy pin, giá thành có hợp lý; bên cạnh đó còn câu hỏi về độ sẵn có của trạm sạc.


Theo Minh Đức

Nhịp Sống Kinh tế

Chia sẻ Facebook