VinFast chính thức dừng bán xe xăng từ 15/7
Sau khi những chiếc xe xăng cuối cùng được khách Việt đặt mua, VinFast sẽ dừng bán. Trước đó, kế hoạch dừng bán xe xăng là tháng 12 năm nay.
Ngày 15/7, Công ty TNHH kinh doanh thương mại và dịch vụ VinFast công bố dừng kinh doanh ô tô chạy xăng sau khi lô xe Lux và Fadil cuối cùng đã được khách hàng đặt mua hết.
"Từ nay đến cuối tháng 8, hãng sẽ tập trung sản xuất để bàn giao xe cho các khách hàng đã ký hợp đồng, đồng thời chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất và kinh doanh xe điện", thông cáo mới đây của VinFast nêu rõ.
VinFast cho biết việc dừng kinh doanh xe chạy xăng diễn ra sớm hơn so với kế hoạch của VinFast là vào cuối tháng 12/2022 do lượng khách hàng đặt mua các dòng xe Lux và Fadil thời gian qua tăng đột biến. "Sau khi sản xuất đủ lượng xe trả các đơn hàng đã ký, VinFast sẽ chính thức đóng dây chuyền xe xăng để chuyển sang tập trung hoàn toàn vào sản xuất xe điện", thông cáo của VinFast nêu.
VinFast cũng nhấn mạnh thêm rằng việc dừng sản xuất và kinh doanh xe xăng sẽ không ảnh hưởng đến các cam kết về chất lượng dịch vụ mà hãng cung cấp cho khách hàng.
Cụ thể, hãng này đã nâng thời gian bảo hành chính hãng cho tất cả các dòng xe lên 10 năm, triển khai thêm các dịch vụ tiện ích như sửa chữa lưu động (Mobile Service), mở rộng mạng lưới xưởng dịch vụ trên toàn quốc, đồng thời chuẩn bị lượng linh kiện nhiều gấp 1,5 lần so với thông lệ thị trường, đảm bảo phục vụ việc sửa chữa, bảo dưỡng đến hết vòng đời xe.
Nếu khách đang dùng xe xăng VinFast muốn đổi sang xe điện, hãng này sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng.
Hãng này cũng cho biết đang đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống 150.000 cổng sạc ô tô, xe máy điện trên toàn quốc trong năm 2022, qua đó, hoàn thiện hệ sinh thái di chuyển xanh tại Việt Nam.
Kế hoạch chuyển hoàn toàn sang xe điện được VinFast đưa ra lần đầu tại Triển lãm CES 2022 hôm 6/1. Đồng thời, hãng này công bố dải sản phẩm ô tô điện mới, gồm 5 mẫu xe: VF 5, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9. Dự kiến, VF 8 và VF 9 sẽ bàn giao đến người dùng cuối năm nay.
Tại Việt Nam, VinFast đã bắt đầu bàn giao mẫu ôtô điện đầu tiên VF e34 từ cuối 2021. Tính đến hết tháng 6, đã có hơn 2.200 chiếc VF e34 đến tay khách hàng, trong bối cảnh hãng này phải đối mặt với không ít khó khăn khách quan từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng linh kiện trên toàn cầu. Tháng trước, VF e34 lần đầu vào top 10 xe bán chạy nhất thị trường.
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến ngày 19/5/2022, VinFast có vốn điều lệ gần 57.380 tỷ đồng. Sau 10 lần tăng vốn từ ngày thành lập, vốn điều lệ của VinFast vượt cả vốn của công ty mẹ - Vingroup.
Trong phiên họp Đại hội Cổ đông thường niên năm 2022 được tổ chức sáng 11/5 của Vingroup, trước lo ngại của cổ đông về khả năng tiêu thụ xe VinFast, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết năm nay số lượng đơn đặt hàng đã đạt 4.000 chiếc ở Mỹ, phù hợp với kế hoạch sản xuất là 17.000 xe xuất xưởng. Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cũng cho rằng thế giới đang "rất thiếu xe chứ không thừa", nên nếu sản phẩm tốt sẽ có cơ hội bán nhanh.
Việc công xưởng thế giới là Trung Quốc đang gián đoạn cung ứng do Covid-19 cũng gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp khi một phần linh kiện được nhập từ thị trường này. Nhiều nhà máy của Mỹ, Đức, châu u tại Trung Quốc đã đóng cửa. Trong khi đó, một chiếc xe ô tô có khoảng 3.000-4.000 linh kiện mà "thiếu một con ốc cũng không thể xuất xưởng".
Vấn đề phụ thuộc nguồn cung bên ngoài cũng khiến lãnh đạo Vingroup muốn thúc đẩy chiến lược nội địa hóa linh kiện. Tập đoàn này đang mời các nhà sản xuất linh kiện, chip về Việt Nam mở nhà máy với các ưu đãi lớn như miễn tiền thuê đất, nhà xưởng trong 10-15 năm... "Lúc đó, chúng tôi đảm bảo nguồn cung thì sẽ phát triển rất nhanh", ông Phạm Nhật Vượng nói. Chủ tịch Vingroup khẳng định đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội vàng cho VinFast .