Vinaconex sau một năm đổi… mẹ
Cổ đông lớn nhất và cũng là công ty mẹ của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) là CTCP Đầu tư Pacific Holdings - một doanh nghiệp thành lập từ cuối năm 2021. Sau một năm đổi chủ, dù không khác về bản chất, Vinaconex vẫn kết thúc năm cũ theo cách tương đối suôn sẻ.
Vinaconex sau một năm đổi… mẹ
Cổ đông lớn nhất và cũng là công ty mẹ của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE : VCG ) là CTCP Đầu tư Pacific Holdings - một doanh nghiệp thành lập từ cuối năm 2021. Sau một năm đổi chủ, dù không khác về bản chất, Vinaconex vẫn kết thúc năm cũ theo cách tương đối suôn sẻ.
Hành trình đổi “mẹ” của Vinaconex
Đầu năm 2022, Vinaconex bất ngờ đổi cổ đông lớn. Chính xác là vào ngày 23/02/2022, CTCP Đầu tư Pacific Holdings (gọi tắt là Pacific Holdings) nhận chuyển nhượng toàn bộ hơn 277.8 triệu cp từ Công ty TNHH An Quý Hưng, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 62.9%, trở thành Công ty mẹ của Vinaconex.
Chuyện doanh nghiệp đổi chủ không có gì lạ, nhưng câu chuyện của Pacific Holdings thì có. Ngay từ ngày mới thành lập 12/11/2021, Pacific Holdings ghi nhận mức vốn điều lệ khủng 7.1 ngàn tỷ đồng. Tân binh có hơn 130 ngành nghề đăng ký kinh doanh, song, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Sau ba tháng thành lập, Pacific Holdings nhanh chóng trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp hơn 30 năm tuổi đời - Vinaconex. Quy mô vốn điều lệ của Pacific Holdings được đảm bảo gấp rưỡi vốn của công ty con này.
Pacific Holdings tưởng lạ mà quen, bởi 99.92% vốn điều lệ do Công ty TNHH An Quý Hưng nắm, tương đương hơn 709 triệu cp. Nói cách khác, An Quý Hưng không thoái vốn khỏi Vinaconex, mà sở hữu gián tiếp thông qua công ty con là Pacific Holdings.
Các cổ đông sáng lập còn lại của Pacific Holdings gồm ông Đào Ngọc Thanh , Dương Văn Mậu , Nguyễn Hữu Tới , Nguyễn Xuân Đông , mỗi người nắm 0.02% cổ phần. Ông Trần Đình Tuấn giữ chức Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật Pacific Holdings. Đây đều là những nhân vật thượng tầng của Vinaconex, bao gồm: ông Thanh là Chủ tịch HĐQT; ông Đông là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; ông Mậu và ông Tới đều là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc; ông Tuấn là Phó Tổng giám đốc Vinaconex.
Về An Quý Hưng, đây là cái tên từng gây xôn xao vào cuối năm 2018 khi trúng giá trọn lô cổ phiếu VCG trị giá hơn 7.3 ngàn tỷ đồng do SCIC thoái vốn. Sau thâu tóm thành công, An Quý Hưng tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2019 để bầu lại toàn bộ HĐQT cùng BKS, qua đó đưa ban lãnh đạo của Công ty vào thượng tầng Vinaconex.
Quá trình thâu tóm cùng thay máu ban lãnh đạo diễn ra chóng vánh của An Quý Hưng tại Vinaconex gây ra nhiều phản ứng trái chiều, trong đó có nghi vấn về tính hợp pháp của các thành viên (5 thành viên HĐQT mới chưa đủ thời gian nắm giữ cổ phiếu để đủ điều kiện đề cử); cũng như nguồn lực tài chính của An Quý Hưng khi tại thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản của doanh nghiệp chỉ là 1,000 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với số tiền bỏ ra để thâu tóm Vinaconex.
Trở lại với “mẹ mới” của Vinaconex, một điểm đáng chú ý là chỉ sau 1 tháng thành lập, vào ngày 14/12/2021, Pacific Holdings đã ký một hợp đồng bảo đảm với tài sản thế chấp là hơn 126.6 triệu cp VCG của Vinaconex. Giá trị theo mệnh giá là 1.26 ngàn tỷ đồng, nhưng với thị giá cổ phiếu VCG khi đó là gần 43,000 đồng/cp, giá trị số cổ phiếu được Pacific Holdings đem thế chấp rơi vào khoảng 5.4 ngàn tỷ đồng.
Lưu ý, thời điểm này Pacific Holdings chưa nhận chuyển nhượng cổ phần từ An Quý Hưng.
Vinaconex sau một năm “đổi chủ”
Dù không khác về bản chất nhưng so với năm gần nhất còn nằm trong tay An Quý Hưng, Vinaconex đã có một năm đạt kết quả nhìn chung suôn sẻ.
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2022, Vinaconex kết năm với doanh thu hơn 8.6 ngàn tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 1.13 ngàn tỷ đồng và gần 1.05 ngàn tỷ đồng, tăng 57% và 102%. So với mục tiêu năm, Vinaconex hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 75% lợi nhuận.
Công ty cho biết, việc không hoàn thành kế hoạch đặt ra do Vinaconex chủ động điều chỉnh phương án đầu tư đối với một số dự án bất động sản để phù hợp với điều kiện thị trường. Hơn nữa, chi phí vật liệu xây dựng, chi phí lãi vay tăng mạnh so với dự đoán, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Bóc tách cơ cấu doanh thu, mảng xây lắp chiếm nhiều nhất với 70%, kế đến là sản xuất chiếm 11% và các dịch vụ khác 12%. Đáng chú ý, doanh thu của mảng bất động sản chỉ chiếm 7% tổng doanh thu (tương đương 608 tỷ đồng) đến từ việc bàn giao dự án Green Diamond.
Thậm chí ngay cả với kết quả sau kiểm toán khiến lợi nhuận sau thuế “rơi” mất 118 tỷ đồng, còn 931 tỷ đồng, Vinaconex vẫn đạt tăng trưởng 79% so với cùng kỳ 2021. Giải thích cho phần lợi nhuận hụt mất, Doanh nghiệp cho biết lý do vì giảm lợi nhuận từ một số hợp đồng thi công xây lắp của các công ty con tại các dự án đầu tư xây dựng dở dang của Công ty.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Vinaconex đạt 32,285 tỷ đồng, cao hơn thời điểm đầu năm 1,315 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 7,627 tỷ đồng lên 10,026 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn giảm 52.4% so với đầu năm, còn hơn 3,100 tỷ đồng. EPS đạt 1,824 đồng, gần gấp đôi năm trước.
Cuối năm 2022, nợ phải trả của Vinaconex còn hơn 22.25 ngàn tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Công ty nợ hơn 4.1 ngàn tỷ đồng vay ngắn hạn với ngân hàng, đã hoàn tất thanh toán gần 700 tỷ đồng trái phiếu tới hạn trong năm. Với nợ dài hạn, Vinaconex nợ 4.2 ngàn tỷ đồng với ngân hàng, và hơn 3.78 ngàn tỷ đồng dư nợ trái phiếu.
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (Mirae Asset) nhận định, trên bối cảnh kế hoạch thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ trong năm 2023, Vinaconex được Bộ Giao thông Vận tại (GTVT) chỉ định là nhà thầu thực hiện thêm 4 gói thầu trong dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Điểm trừ lớn nhất của Vinaconex là dự án Cát Bà Amatina, chiếm phần lớn hàng tồn kho và tài sản dở dang dài hạn (ước tính tổng giá trị khoảng 7,000 tỷ đồng). Mirae Asset cho rằng, dự án này có thể làm trì trệ bảng cân đối kế toán, tiêu tốn nhiều vốn đầu tư và chi phí của Vinaconex khi nhu cầu của thị trường vẫn còn yếu.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 mới công bố, Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng 70% so với thực hiện 2022, đạt 16.3 ngàn tỷ đồng. Tuy vậy, Công ty tỏ ra dè dặt hơn với lợi nhuận sau thuế, khi mục tiêu là 860 tỷ đồng, giảm 8%.
Động thái thoái vốn?
Ngày 27/03, Pacific Holdings bán thành công 13 triệu cp VCG từ ngày 20/03 - 27/03/2023. Mục đích giao dịch, theo thông tin công bố, là để cơ cấu lại khoản đầu tư. Chiếu theo thị giá trung bình trong giai đoạn là 20,017 đồng/cp, ước tính Pacific Holdings đã thu về hơn 260 tỷ đồng, qua đó, hạ tỷ lệ sở hữu từ 62.9% xuống còn 60.23% vốn điều lệ (tương đương 292.6 triệu cp).
Ngay sau khi bán thành công, Pacific Holdings tiếp tục đăng ký bán 19.6 triệu cp VCG , vẫn với mục đích cơ cấu lại khoản đầu tư. Dự kiến thời gian thực hiện giao dịch là 31/03-28/04/2023.
Nếu thành công, chiếu theo thị giá trung bình 3 tháng gần nhất của cổ phiếu VCG trên thị trường gần 19,800 đồng/cp, ước tính Pacific Holdings có thể thu về thêm 388 tỷ đồng nữa, đồng thời hạ tỷ lệ sở hữu tại 60.23% xuống còn 56.19% vốn điều lệ (tương đương hơn 273 triệu cp VCG ).
Diễn biến giá cổ phiếu VCG kể từ khi Pacific Holdings sở hữu | ||
Giao dịch của Pacific Holdings nhằm cơ cấu thông thường hay là động thái thoái dần vốn khỏi Vinaconex, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Dẫu vậy, nếu xét đến hoạt động của Vinaconex, Doanh nghiệp liên tục thoái vốn khỏi các công ty thành viên từ đầu năm 2022, nhằm mục đích tái cấu trúc doanh nghiệp. Trên bảng cân đối, doanh thu hoạt động tài chính năm vừa qua của VCG tăng mạnh, đạt hơn 1 ngàn tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2021.
Trong quý 1/2022, Vinaconex thoái bớt vốn tại CTCP Phát triển Thương mại Vinaconex (VCTD), giảm sở hữu từ 55% còn 45%, đồng nghĩa VCTD chuyển từ công ty con thành công ty liên kết của Vinaconex.
Tháng 04/2022, Vinaconex bán toàn bộ vốn góp 46 tỷ đồng tại Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc.
Ngày 13/05, Vinaconex hoàn tất hạ tỷ lệ sở hữu tại Vinasinco từ 50% (2 triệu cp) xuống còn 25% (1 triệu cp). Theo đó, Vinasinco không còn là công ty con của VCG . Vinasinco hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà cửa và các công trình.
Gần nhất là tại CTCP Cơ điện Vinaconex (Vinaconex M&E), Vinaconex bán 6 triệu cổ phần, qua đó hạ sở hữu xuống còn 500,000 cổ phần, tương đương 5% vốn điều lệ Vinaconex M&E vào ngày 21/02/2023.
Châu An