VinaCapital sẽ đầu tư thế nào trong 4 tháng cuối năm?

Chia sẻ Facebook
26/08/2022 14:34:44

4 tháng cuối năm 2022, VinaCapital dự định tăng tỷ trọng với các nhóm ngành tài chính - ngân hàng, tiêu dùng, bán lẻ; khu công nghiệp; tiện ích, năng lượng; vật liệu xây dựng.

VinaCapital sẽ đầu tư thế nào trong 4 tháng cuối năm?

Chiến lược 4 tháng cuối năm của VinaCapital

Sáng ngày 26/08, tại Hội thảo Đầu tư Chứng khoán và Cân bằng những rủi ro do VinaCapital và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp tổ chức, ông Đinh Đức Minh - Giám đốc Đầu tư tại VinaCapital đã chia sẻ về chiến lược đầu tư các tháng cuối năm của Quỹ.

Hội thảo Đầu tư Chứng khoán và Cân bằng những rủi ro tổ chức sáng 26/08/2022

Về chiến lược chung, VinaCapital sẽ phân bổ vào các ngành và chủ đề là động cơ chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Quỹ sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp có khả năng bền vững trong trung và dài hạn và kiểm soát rủi ro với tỷ lệ Sharpe (so sánh lợi nhuận với rủi ro) cao hơn thị trường.

Trong 4 tháng cuối năm, ông Minh cho biết VinaCapital đánh giá tích cực đối với một số nhóm ngành và sẽ dự định tăng tỷ trọng với các nhóm ngành sau.

Thứ nhất là tài chính - ngân hàng. Đối với nhóm ngành hàng, chuyên gia cho rằng đã cơ bản dự phòng cho Covid xong, lợi nhuận cuối năm sẽ tốt hơn.

Nhóm ngành tiếp theo là hàng tiêu dùng, bán lẻ. Đây được đánh giá là lĩnh vực ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài và có tăng trưởng tốt.

Nhóm ngành khu công nghiệp cũng được đánh giá tích cực với xu hướng chuyển dịch sản xuất về Việt Nam.

Tiếp theo là nhóm tiện ích, năng lượng. Theo vị chuyên gia, cuộc chiến Nga - Ukraine đã giữ giá năng lượng ở mức cao. Mặt khác, trong các năm qua và đặc biệt là giai đoạn COVID-19, các nước giảm đầu tư vào năng lượng làm thiếu hụt nguồn cung. Chênh lệch cung cầu đang tạo ra triển vọng cho nhóm ngành này.

Cuối cùng là nhóm vật liệu xây dựng. VinaCapital đang chú ý tới nhóm ngành này theo xu hướng đầu tư công. Cổ phiếu vật liệu xây dựng vừa qua có diễn biến không tốt nhưng Quỹ đánh giá đây là cơ hội để mua giá rẻ đối với các doanh nghiệp có triển vọng trong ngành này.

Song song đó, Quỹ đang đánh giá không tích cực với một số nhóm ngành gồm bất động sản và xuất khẩu.

Mặt khác, VinaCapital sẽ hạn chế giữ tiền mặt trong 4 tháng cuối năm. Chuyên gia quỹ đánh giá thị trường đã qua giai đoạn xấu nhất. Sự tiêu cực đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu. Do đó, quỹ sẽ tăng tỷ trọng cổ phiếu và giảm tiền mặt xuống.

Ông Đinh Đức Minh - chia sẻ chiến lược của VinaCapital

Triển vọng chứng khoán Việt Nam vẫn tươi sáng

Nhà đầu tư quan tâm nhờ thị trường chứng khoán tích cực năm 2020 - 2021. Số tài khoản tăng, tích cực là mức độ phổ biến của chứng khoán tăng nhà đầu tư thấy đây là kênh đầu tư tốt. Tuy vậy có rủi ro là nhà đầu tư muốn kiếm tiền nhanh, xu hướng mua bán ngắn hạn và dễ sa vào một số cổ phiếu không có cơ bản, đổ xô mua theo có tin đồn, đội lái.

Ông Minh đánh giá thời gian qua những vi phạm trên thị trường (vụ thao túng FLC, nhóm Louis, Tân Hoàng Minh) có tác động nhiều nhất tới thị trường. Tiếp đến là áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá. Căng thẳng Nga - Ukraine có tác động nhất định nhưng thị trường đã dần quen và không còn chịu ảnh hưởng nhiều.

Trong những tháng cuối năm, có nhiều yếu tố tác động tích cực tới thị trường.

Quan trọng nhất là kinh tế phục hồi. Những năm qua, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương dù có COVID-19. Hiện tại, Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế và du lịch trở lại do đó triển vọng tăng trưởng là rất lớn. GDP Việt Nam quý 2 tăng mạnh. Có thể tăng trưởng quý 3, 4 sẽ cao hơn nhiều nếu so với nền thấp năm trước. Các nhà kinh tế cũng đã tăng dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sau khi có số liệu quý 2. Đó là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế.

Về phần vĩ mô thế giới, sau đợt tăng lãi suất dưới áp lực lạm phát, lãi suất ở Mỹ đã quay lại mức 2018. Sau đợt tăng lãi suất gần nhất, chứng khoán lại tăng điểm. Nhà đầu tư đang nhìn vào thông điệp gần đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell: Fed có thể giảm tốc các đợt tăng lãi suất sau khi đánh giá tác động của quá trình điêu chỉnh chính sách tới nền kinh tế và lạm phát. Thị trường đang diễn biến tích cực với kỳ vọng vào thông điệp này.

Liên quan tới lạm phát, giá hàng hóa cơ bản đang hạ nhiệt. Đỉnh giá hàng hóa đã diễn ra vào tháng 5 - 6 do nhiều yếu tố đứt gãy nguồn cung, biến động chiến tranh. Ông Minh đánh giá khó có yếu tố đẩy giá hàng hóa về lại mức đỉnh trước đó. Áp lực lạm phát sẽ ít hơn, khi đó Fed sẽ có chính sách nới lỏng nhiều hơn.

Một điểm tích cực khác là dòng vốn FDI Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc.

Khối ngoại trở lại mua ròng sau 2 năm bán ròng 2020 - 2021, giá trị mua ròng không lớn nhưng cũng là tín hiệu tích cực cho thị trường. Thị trường đã về vùng định giá hấp dẫn nên dòng tiền ngoại trở lại.

Từ đó, ông Minh nhận định triển vọng thị trường chứng khoán đang mang gam màu sáng nhiều hơn màu tối. Kinh tế đang hồi phục tốt và trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Giá cổ phiếu đang hợp lý để đầu tư. P/E 2022 khoảng 11.3 lần, rẻ nhất 6 năm vừa qua.

Ngoài ra, câu chuyện nâng hạng thị trường cũng đang hấp dẫn. Kỳ vọng trong 2 - 3 năm tới, thị trường sẽ được nâng hạng. Đây là một mục tiêu rất quan trọng đối với thị trường Việt Nam và được Chính phủ chú trọng. Khi được nâng hạng, thị trường sẽ có dòng vốn rất lớn của quỹ đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam. Tiền mới sẽ đổ vào kéo giá cổ phiếu đi lên.

Chí Kiên

Chia sẻ Facebook