Vietnam Airlines thông tin: Hãng Pacific Airlines đang đứng trước rủi ro tiềm ẩn

Chia sẻ Facebook
25/06/2022 01:05:27

Vietnam Airlines hé lộ tình trạng ảm đạm của Hãng Pacific Airlines, dòng tiền bị thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán. Hiện hãng đang trong quá trình tái cơ cấu, tìm nhà đầu tư mới song vẫn trắc trở.


Ngày 24-6, Vietnam Airlines (VNA - mã chứng khoán: HVN) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Hãng sẽ tổ chức đại hội vào ngày 28-6 tại Hà Nội.


Vietnam Airlines Group gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco. Pacific Airlines hiện có vốn điều lệ 3.522 tỉ đồng, xếp thứ 4 trong các hãng hàng không của Việt Nam.

Vietnam Airlines lên kế hoạch năm nay với doanh thu công ty mẹ 45.252 tỉ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù doanh thu tăng, công ty vẫn dự kiến lỗ ròng 9.335 tỉ đồng trong năm nay, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước. Kế hoạch này được đặt dựa trên số lượng khách hàng vận chuyển 17 triệu khách và hàng hóa vận chuyển 271.000 tấn.

Vietnam Airlines cho rằng nếu dịch được kiểm soát như hiện nay và không phát sinh các biến chủng mới, đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi trước dịch bệnh.

Đáng chú ý, việc tái cơ cấu cổ đông Pacific Airlines tiết lộ thêm về tình cảnh khó khăn của hãng bay này. Vietnam Airlines hé lộ tình hình tài chính của Pacific Airlines ảm đạm, dòng tiền bị thiếu hụt và "đang đứng trước rủi ro tiềm ẩn".

Trong quý 1-2022, Vietnam Airlines đã tiếp nhận toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Qantas Asia Investment Company tại Jetstar Pacific (sau khi Vietnam Airlines tiếp nhận đổi tên Pacific Airlines). Qua đó, Vietnam Airlines sẽ kiểm soát tới gần 99% vốn tại hãng hàng không này.

Dù đã triển khai nhiều biện pháp duy trì hoạt động, tìm nhà đầu tư mới tham gia quá trình tái cơ cấu Pacific Airlines nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc cơ chế, chính sách quy định hiện hành với doanh nghiệp nhà nước.

Thời gian gần đây, nhiều thông tin xôn xao về "số phận" của Pacific Airlines đang được một tập đoàn có quy mô lớn đặt vấn đề để sở hữu, điều hành.


Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , Pacific Airlines và Vietnam Airlines không bình luận về vấn đề trên và cho rằng "có rất nhiều thông tin đang đàm phán" chưa có kết quả cuối cùng.

Năm 2022, Vietnam Airlines muốn bán 6 máy bay ATR-72. Đây là dòng máy bay hãng đang khai thác các đường bay ngắn như TP.HCM - Côn Đảo, Hà Nội - Điện Biên.

Kế hoạch bán máy bay được thông qua từ năm ngoái nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được do thị trường không thuận lợi. Do đó, năm nay, Vietnam Airlines tiếp tục triển khai kế hoạch này kể cả theo hình thức "sale and lease back" - nghiệp vụ bán và thuê lại.

Vietnam Airlines thu về 35 triệu USD nhờ bán 35% vốn tại Cambodia Angkor Air. Hãng Cambodia Angkor Air là hãng hàng không liên doanh giữa Vietnam Airlines và Chính phủ Campuchia.

Bên cạnh đó, hãng hàng không quốc gia tiếp tục bán 9 máy bay sản xuất năm 2007 - 2008. Hiện tại, Vietnam Airlines đã bán 2 máy bay thông qua hình thức "sale and lease back" sau khi chuyển đổi sang chở hàng.

Nếu các thủ tục hoàn thành theo dự kiến, cuối tháng 10-2020, Vietnam Airlines sẽ nhận 30% cổ phần của Tập đoàn Hàng không quốc gia Úc - Qantas Group tại Hãng hàng không Pacific Airlines (tên cũ là Jetstar Pacific) theo hình thức tặng.

Chia sẻ Facebook