Vietnam Airlines lỗ thêm 2,700 tỷ đồng trong quý 4, có nguy cơ bị hủy niêm yết
Những tưởng khi Việt Nam bước ra khỏi dịch bệnh, bức tranh kinh doanh của Vietnam Airlines (HOSE: HVN) sẽ tươi sáng trở lại, nhưng thực tế thì lại khác. Quý 4/2022, hãng hàng không này vẫn báo lỗ gần 2.7 ngàn tỷ đồng dù doanh thu tăng rất mạnh.
Vietnam Airlines lỗ thêm 2,700 tỷ đồng trong quý 4, có nguy cơ bị hủy niêm yết
Đến cuối năm 2022, lỗ lũy kế của hãng hàng không quốc gia đã hơn 34 ngàn tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm hơn 10 ngàn tỷ đồng.
Trong 3 tháng cuối năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần gần 19.5 ngàn tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên, việc kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng hàng không này lỗ gộp 828 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 635 tỷ của cùng kỳ.
Góp phần tô xám bức tranh kinh doanh của Vietnam Airlines là các khoản chi phí tài chính và chi phí bán hàng. Quý 4, chi phí tài chính của Vietnam Airlines gấp 3.6 lần cùng kỳ, lên hơn 1 ngàn tỷ đồng, chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá (540 tỷ) và lãi vay (370 tỷ). Và khi ngành hàng không sôi động trở lại, chi phí bán hàng cũng tăng lên hơn 1 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.
Hệ quả, hãng hàng không quốc gia lỗ ròng gần 2.7 ngàn tỷ đồng trong quý 4/2022, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1 ngàn tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 4/2022 của Vietnam Airlines
Đvt: Tỷ đồng
Cả năm 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng 10.4 ngàn tỷ đồng, dù rằng doanh thu gấp 2.5 lần cùng kỳ (đạt 70.5 ngàn tỷ đồng). Như vậy, dù đã bước ra khỏi dịch bệnh COVID-19 từ lâu, nhưng bức tranh kinh doanh của hãng hàng không này vẫn mang màu ảm đạm.
Theo lý giải của Vietnam Airlines, kết quả thua lỗ quý 4/2022 là do thị trường quốc tế phục hồi chậm, chi phí nhiên liệu tăng mạnh, xung đột Nga-Ukraine, các biến động về tỷ giá và lãi suất tăng.
Lỗ lũy kế hơn 34 ngàn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 10 ngàn tỷ
Nhìn sang bảng cân đối kế toán, các vấn đề của Vietnam Airlines vẫn còn nguyên, thậm chí còn tệ hơn.
Áp lực thanh khoản ngắn hạn ngày càng lớn hơn. Cuối năm, hãng hàng không quốc gia nắm 12.3 ngàn tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó có 3.4 ngàn tỷ đồng tiền mặt. Ở bên đối ứng, nợ ngắn hạn lên tới 53 ngàn tỷ đồng, trong đó nợ thuê tài chính ngắn hạn là 17.6 ngàn tỷ đồng.
Với 12 quý lỗ liên tiếp, Vietnam Airlines đang lỗ lũy kế hơn 34 ngàn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 10 ngàn tỷ. Điều này cũng đẩy cổ phiếu của hãng hàng không này đến bờ vực hủy niêm yết.
Trước đó, HOSE cũng lưu ý tới trường hợp của cổ phiếu HVN. Cơ quan này nhấn mạnh tới khả năng hãng hàng không quốc gia bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Vũ Hạo