Vietnam Airlines lỗ ngàn tỷ, lương lãnh đạo vẫn tăng mạnh

Chia sẻ Facebook
01/11/2022 15:16:51

Theo BCTC hợp nhất quý 3/2022, người nhận lương cao nhất trong ban lãnh đạo (BLĐ) của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) là Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà.

Vietnam Airlines lỗ ngàn tỷ, lương lãnh đạo vẫn tăng mạnh


Trong 9 tháng đầu năm nay, HVN chi gần 6.4 tỷ đồng để trả lương cho BLĐ và HĐQT, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, người nhận lương cao nhất là Tổng Giám Đốc Lê Hồng Hà với mức lương khoảng 75 triệu đồng/tháng. Cùng kỳ, ông Hà nhận mức lương 46 triệu đồng/tháng.

Chi phí lương cho ban lãnh đạo của HVN thời điểm cuối tháng 09/2022

Nguồn: BCTC quý 3/2022 của HVN


Xếp thứ 2 là Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa , với mức lương gần 66 triệu đồng/tháng, tăng 41% so với năm ngoái.


3 Phó Tổng Giám đốc của HVN là ông Trịnh Ngọc Thành , Trịnh Hồng Quang và Nguyễn Chiến Thắng , mỗi người nhận lương hơn 62 triệu đồng/tháng, tăng 55% so với năm ngoái. Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cũng nhận mức lương tương tự.


Bà Nguyễn Thị Thiên Kim – Trưởng BKS HVN nhận gần 55 triệu đồng/tháng, tăng 38%.

Vietnam Airlines lỗ thêm 2.6 ngàn tỷ, vốn chủ sở hữu âm 7.5 ngàn tỷ

Lỗ ngàn tỷ, âm vốn chủ và nguy cơ hủy niêm yết


Trong quý 3/2022 HVN tiếp tục có một kỳ kinh doanh thua lỗ. Dù thị trường hàng không giúp HVN đạt doanh thu gấp 4 lần cùng kỳ (21 ngàn tỷ đồng), nhưng mức tăng mạnh này chỉ đến nhờ việc so sánh với nền thấp cùng kỳ (giai đoạn dịch bệnh vẫn hoành hành).


Nhờ vậy, lãi gộp HVN đạt 165 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 3 ngàn tỷ, tuy nhiên các khoản chi phí trong kỳ tăng mạnh (chủ yếu từ lỗ chênh lệch tỷ giá) đã khiến HVN phải báo lỗ ròng 2.6 ngàn tỷ đồng trong quý 3/2022.

Dẫu sao nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, hãng hàng không quốc gia đã bớt lỗ gần 700 tỷ so với cùng kỳ.


Trong giải trình, HVN cho biết thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga-Ukraine kéo dài và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của HVN vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022.


Cũng theo BCTC quý 3, HVN đang chịu áp lực lớn về thanh khoản ngắn hạn. Cụ thể ở thời điểm cuối tháng 9/2022, Vietnam Airlines nắm giữ gần 3.8 ngàn tỷ đồng tiền mặt và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Khoản phải thu tăng lên 4.5 ngàn tỷ, còn hàng tồn kho ở mức hơn 3.5 ngàn tỷ đồng.


Trong khi đó ở bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn tăng lên hơn 50 ngàn tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 14.5 ngàn tỷ đồng. Cuối quý 3, Vietnam Airlines ghi nhận vốn chủ sở hữu âm 7.5 ngàn tỷ đồng và lỗ luỹ kế 31.5 ngàn tỷ đồng. Điều này có nghĩa hãng hàng không quốc gia đang đối mặt với nguy cơ huỷ niêm yết.


Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM ( HOSE ) cũng đã lưu ý đến khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN . Để tránh huỷ niêm yết, Doanh nghiệp cho biết sẽ thoái vốn khỏi Pacific Airlines, nếu thành công sẽ tác động rất tích cực tới số liệu tài chính sau đó. Đơn cử, hãng có thể giảm lỗ lũy kế vì nắm 98% vốn của Pacific Airlines - doanh nghiệp đang lỗ 7,000-8,000 tỷ đồng.


Nếu tìm được nhà đầu tư mua cổ phần, HVN sẽ có thêm nguồn thu nhập tài chính cũng như dòng tiền. Tuy nhiên, việc thoái vốn khỏi hãng bay giá rẻ này đang gặp mâu thuẫn về quy trình giữa các văn bản luật, dù có 3 nhà đầu tư muốn tham gia thương vụ.


Trong năm 2022, đã có thời điểm cổ phiếu HVN vọt lên đỉnh 27,300 đồng/cp (phiên ngày 18/02), nhưng sau đó "chìm sâu". Kết phiên sáng ngày 01/11, thị giá 11,100 đồng/cp, chia hơn 2 lần giá trị so với đỉnh trên.

Diễn biến giá cổ phiếu HVN từ đầu năm 2022

Châu An

Chia sẻ Facebook