Việt Nam và đại án 'chuyến bay giải cứu': Hành khách có được bồi thường hay không?
Có hay không khả năng đòi bồi thường vì bạn đã phải trả giá "cắt cổ" để được có chỗ trên 'chuyến bay giải cứu' người Việt Nam hồi hương thời đại dịch Covid?
19 tháng 7 2023
Những người bỏ tiền mua vé để được có chỗ trên những 'chuyến bay giải cứu' mà chính phủ Việt Nam cùng các hãng hàng không tổ chức đưa công dân hồi hương thời đại dịch Covid không phải ai cũng giàu có.
Nạn nhân 'được giải cứu', ngoài du học sinh, công dân đi du lịch, làm ăn bị mắc kẹt, còn có những người lao động tha hương ở Saudi Arabia, Angola... Thậm chí trong số họ có gần 2.000 tù nhân Việt Nam mãn hạn tù ở Malaysia.
Chúng tôi đã trao đổi với một số lao động giúp việc nhà Việt Nam từ Saudi Arabia, những người phải trốn chạy khỏi nhà chủ sau khi bị ngược đãi nghiêm trọng.
Qua trao đổi thì họ đều có điểm chung là không hiểu tại sao lại có giá vé máy bay quá chênh lệch trên hành trình bay từ Riyadh về Việt Nam.
Từ tỉnh Long An, chị Huỳnh Thị Gấm, một lao động giúp việc tại Saudi Arabia kể chi tiết với BBC News Tiếng Việt quá trình bay về Việt Nam trên một 'chuyến bay giải cứu' sau khi trốn khỏi nhà chủ hồi tháng 10/2021.
Thắc mắc vì giá vé chênh lệch cao
Chị Huỳnh Thị Gấm cho biết, "Tôi bị chủ ngược đãi khi chỉ ngủ một ngày 2-3 tiếng, chỉ được ăn đồ thừa của nhà chủ. Tôi trốn khỏi nhà chủ và chạy đến báo công an Ả Rập Xê-Út. Công an Ả Rập Xê-Út kêu tôi về lại nhà chủ nhưng tôi kiên quyết không muốn quay trở lại."
"Tôi được về Việt Nam nhờ tổ chức BPSOS giúp lo tiền vé là 28 triệu, còn tôi phải tự trả tiền cách ly. Mẹ tôi đã chuyển tiền cho tôi đóng phí cách ly tại một doanh trại quân đội ở Nha Trang là 15 triệu."
"Tôi bị cách ly 14 ngày, không may là trong phòng tôi có tám người dương tính với Covid nên tôi phải ở lại 14 ngày nữa. Một ngày tiền ăn là 120.000 đồng, tính thêm tiền test Covid. Tổng cộng là 15 triệu tiền cách ly và đi xe về nhà ở Nha Trang."
Ở trung tâm bảo trợ Sakan ở Riyadh, chị Gấm được thông báo giá vé máy bay về từ Riyadh đến Nha Trang là 28 triệu.
Tuy nhiên sau đó chị phát hiện mình đã may mắn hơn những lao động khác, khi từ Saudi Arabia về với những giá vé bay khác nhau, có người phải trả tiền lên đến hơn 60 triệu đồng.
Chị Gấm cho biết các người lao động khác khi đó rất thắc mắc vì sao giá vé máy bay lại cao như vậy "vì lương chúng tôi có khoảng 1.500 Riyal, 8-9 triệu đồng một tháng, lấy tiền đâu mà bay về".
"Trên chuyến bay tôi về Việt Nam, thì có những lao động khác nói giá vé khác nhau. Tôi có hỏi thăm thì giá vé của họ từ 36 triệu, hơn 40 triệu, có người tới 62 triệu. Đó chỉ là tiền vé máy bay về, chưa tính tiền phí cách ly. Mọi người khi biết giá vé của nhau đều rất thắc mắc vì sự chênh lệch. Không ai hiểu lý do vì sao."
"Có những người lao động không có tiền thì công ty môi giới ở Việt Nam kêu chuyển tiền cho họ, để họ chuyển tiền qua văn phòng bên Ả Rập Xê-Út. Hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê-Út còn cho số tài khoản để chuyển thẳng tiền cho họ nữa."
"Đâu phải ai cũng có đủ tiền để bay về nước. Có những người, gia đình họ phải đi vay tiền để công ty môi giới ở Việt Nam chuyển sang cho công ty phía bên Ả Rập Xê-Út", chị cho biết.
Chị Gấm cho biết gia đình chị có hoàn cảnh khó khăn, và mẹ chị phải đi "vay nóng" để trả phí cách ly.
"Trong trung tâm Sakan, trước khi tôi về thì Đại sứ quán Việt Nam có vào đó để họp với người dân Việt Nam. Khi họp thì Đại sứ quán có lên danh sách người nào được về. Tôi có nghe Đại sứ quán kêu đóng tiền cho công ty môi giới hoặc chuyển thẳng tiền cho họ. Đại sứ quán đưa thẳng số tài khoản ngân hàng nữa. Đại sứ quán Việt Nam có giải thích với chúng tôi là giá vé cao vì khác ngày thường, chuyến bay giải cứu là dạng chuyến bay thẳng, chỉ bay để đưa người lao động về nước."
Chị Gấm cho biết sau khi trở về nước, chị còn phải tiếp tục trả nợ nần vì đời sống gia đình khó khăn, công ty may mặc chị đang làm bị cắt đơn hàng.
Chị cáo buộc đã bị công ty môi giới ở Việt Nam "lừa đảo" đi lao động vì những lời hứa hẹn "sai sự thật". Riêng giám đốc công ty môi giới Thành Đô đã "lặn mất tăm", theo chị.
"Giám đốc công ty này tên Cường đã mất tích và chặn tôi trên Facebook, Zalo. Hồi ở Ả Rập Xê-Út, tuyệt vọng quá, tôi chỉ biết khóc với mẹ tôi, đã già yếu. Mẹ tôi thương quá mới đi vay nóng hơn 90 triệu để đưa cho ông Cường này chuộc tôi từ Ả Rập Xê-Út về. Tuy nhiên sau khi nhận tiền của gia đình tôi xong thì hắn ta mất tích luôn. Gia đình tôi giờ phải mang nợ", chị Gấm nói thêm với BBC.
Việc xét xử đại án 'Chuyến bay giải cứu' có tính chính trị?
Đòi một phần tiền vé được không?
Trả lời với BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng "quyền lợi của người dân không được xem xét trong vụ xử án lần này".
"Trong năm tội danh mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" về các tội: "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", không tội danh nào xác định những người mua vé chuyến bay giải cứu là nạn nhân/bị hại hay nguyên đơn dân sự nên họ không có quyền yêu cầu phần bồi thường thiệt hại (nếu có) thông qua vụ án này."
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng vụ án sẽ được điều tra mở rộng.
"Tôi không nghĩ họ sẽ dừng lại tại đây, vì nếu dừng lại tại đây thì rất vô lý vì thiệt hại cuối cùng là người dân. Tiền thu lợi bất chính được tịch thu, sung công quỹ, nếu xuất phát từ túi tiền những người đưa đi chạy án, tiền cá nhân họ. Nhưng nếu tiền có nguồn gốc từ của người dân, thì phải xem xét thật kỹ. Người dân có thể khởi kiện bằng vụ án dân sự khác sau này."
"Người dân có thể tập trung, ủy quyền cho luật sư nếu đi khởi kiện. Đa số người dân Việt Nam thì chấp nhận như kiểu phải "mua gói mì tôm trong đại dịch", họ lo ngại không biết đòi được bao nhiêu tiền, rồi lại tốn kém tiền cho luật sư. Các vụ án tham nhũng thì cứ xử lý xong thì thôi, người dân cũng không quan tâm nữa", ông nói thêm.
Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay chỉ đạt 32,5%, tức mất 10 đồng thì chỉ thu hồi được 3 đồng", theo báo Tuổi Trẻ ngày 08/05.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết không có trang web để người dân có thể truy cập và biết số tiền sung vào công quỹ là bao nhiêu sau các vụ đại án tham nhũng.
Ông đưa ra một đề xuất cho các nạn nhân 'được giải cứu' như sau:
"Theo tôi, số tiền này [hối lộ mà các bị cáo nộp lại] cần được giữ lại ở một tài khoản độc lập trong một thời hạn nhất định để những người bị thiệt hại có thể có yêu cầu chi trả lại quyền lợi cho họ. Sau thời hạn này, nếu người dân không có yêu cầu thì khoản tiền này sẽ được sung công quỹ. Nếu chúng ta vội vàng sung công quỹ thì sẽ không công bằng với người dân vì nếu họ kiện đòi tiền doanh nghiệp/cá nhân gây thiệt hại cho họ nhưng những người này không chi trả hoặc không đủ chi trả thì có thể trích khoản này ra trả cho người dân vì một khi đã bị trách nhiệm hình sự, bị tù tội thì họ chỉ chăm chăm lo khắc phục phần nhà nước yêu cầu, chứ chờ họ trả lại cho người dân thông qua một vụ án dân sự còn khó hơn tìm đường lên trời."
VN xử đại án 'Chuyến bay giải cứu': Chi 2,65 triệu USD 'chạy án' không thành
Chụp lại hình ảnh, Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo
Chuyến bay giải cứu đang thu hút lớn sự quan tâm của dư luận trong nước vì tính chất nghiêm trọng và phức tạp.
Theo quan sát của BBC, dư luận Việt Nam đặt câu hỏi về liệu vụ đại án lần này có phải chỉ do đạo đức của một số cá nhân bị biến chất vì "lợi dụng "một chủ trương nhân đạo của Đảng, Chính phủ" hay không.
Một câu hỏi khác là về cơ chế, cụ thể từ tháng 04/2021, lại có quy định năm bộ cấp phép cho các chuyến bay giải cứu và bay combo, vì điều này đã tạo ra một cơ chế xin cho, từ đó có thể dẫn đến tiêu cực.
Năm bộ này bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, là những cơ quan có thẩm quyền "tiếp nhận hồ sơ và xét duyệt cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước."
Luật sư Ngô Anh Tuấn đồng thời đặt câu hỏi tại sao có quy trình "lòng vòng" trong chính sách thực hiện chuyến bay giải cứu.
"Tại sao không để các hãng hàng không thực hiện các chuyến bay mà lại sinh ra chuyện các doanh nghiệp phải đi xin thực hiện chuyến bay giải cứu. Muốn đảm bảo y tế, an toàn thì có thêm bộ phận khác, vì sao lại phải có sự tham gia của các công ty khác để thực hiện những chuyến bay này?", ông nói với BBC.
Bộ Tài chính Việt Nam khẳng định "ngân sách Nhà nước không hỗ trợ cho các "chuyến bay giải cứu".
Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, khoảng hơn 1.000 chuyến bay đã được cấp phép, đưa hơn 200.000 công dân về nước.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.
Ban đầu, đây là các chuyến bay do hành khách trả tiền vé, còn các chi phí khác trong thời gian cách ly tại các cơ sở quân đội hoàn toàn do nhà nước đài thọ. Về sau bắt đầu có cả các chuyến bay 'combo', theo đó hành khách phải chi trả trọn gói toàn bộ các chi phí phát sinh.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, bị đề nghị mức án từ 12 - 13 năm tù
Trong giai đoạn hai của vụ án, Viện kiểm sát kiến nghị cơ quan chức năng tiếp tục điều tra trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, bị cáo buộc là người nhận số tiền hối lộ nhiều nhất với 253 lần, tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.
Bị cáo Kiên là người duy nhất bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị án tử hình. Các bị cáo khác bị đề nghị mức án cao nhất lên đến 20 năm tù.
Bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, bị đề nghị mức án từ 12 - 13 năm tù.
Bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu Phó trưởng Phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh), nhận hối lộ hơn 27 tỷ đồng, bị đề nghị mức án từ 19 - 20 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao) nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng, bị đề nghị mức án từ 18 - 19 năm tù.
Trong một bình luận với BBC News Tiếng Việt cuối tuần qua, nhà văn Trần Trung Đạo từ Pháp nhấn mạnh để chống tham nhũng, "xã hội Việt Nam cần phải được thay đổi phải bắt đầu từ gốc rễ, tức từ cơ chế".
"Vì nhận thức chính trị của đa số người dân Việt Nam còn thấp nên khi một lãnh đạo bị ra tòa, không ít dân chúng vỗ tay tán thưởng," ông nói.
Tuy nhiên, "Khi đất nước bị đặt trọn trong tay một nhóm người nắm mọi quyền hành mà không có những biện pháp kiểm soát và chế tài độc lập như tam quyền phân lập, tôn trọng quyền tự do phát biểu của người dân, tự do báo chí, tự do phản biện của các tổ chức xã hội dân sự nhóm người đó, thì chắc chắn đất nước đó sẽ còn xảy ra lạm quyền, tham nhũng," nhà văn Trần Trung Đạo cho biết.