Việt Nam tự tin với mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 10 tỷ USD
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, nếu đầu tư chế biến sâu, khai thác tiềm năng thị trường thì 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.
Xuất khẩu rau quả tích cực
Sáng 3/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về kết quả thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn 6 tháng đầu năm và mục tiêu 6 tháng cuối năm 2023.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng thực hiện mục tiêu xuất khẩu rau quả đến năm 2030 đạt 10 tỷ USD, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngành trồng trọt hiện nay đang có xu thế giảm về diện tích, điều này tác động phần nào đến vấn để giảm về sản lượng.
Tuy nhiên mục tiêu trong tương lai hoàn toàn có thể đạt được bằng giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, cộng với sự đầu tư cho khâu chế biến thì vẫn có thể tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, ông Cường nhấn mạnh đầu tư vào khâu giống cây trồng. Hiện nay, bộ giống cây trồng cà phê và lúa của Việt Nam đang đứng đầu thế giới. Năng suất cà phê bình quân các nước chỉ đạt 8-9 tạ/ha, nhưng của Việt Nam là 20-30 tạ/ha, đặc biệt một số giống cà phê có thể đạt 50-70 tạ/ha.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Chưa bao giờ xuất khẩu rau quả đạt cao như hiện nay, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2%. Nếu tiếp tục tăng trưởng theo đà này, chắc chắn năm 2023 sẽ đạt trên 5 tỷ USD, đó là hầu như chúng ta mới xuất khẩu thô, sản phẩm ở dạng quả tươi".
Tình trạng vi phạm IUU trên biển còn nhiều
Tại cuộc họp, thông tin về kết quả của đợt kiểm tra trực tiếp tình hình IUU tại các địa phương, ông Dương Văn Cường - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: “Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đến thời điểm hiện tại cơ bản đã đạt 100%, có những tiến bộ rõ rệt về giám sát đội tàu và truy suất nguồn gốc”.
Tuy nhiên, về tập thể, đại diện Cục Kiểm ngư chia sẻ hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Theo đó, vẫn còn xảy ra trường hợp tàu cá của ngư dân địa phương bị bắt giữ trên vùng biển nước ngoài; tình trạng vi phạm IUU trên biển còn nhiều nhưng kết quả xử lý vi phạm hành chính còn thấp so với yêu cầu.
“Ngoài ra, dù việc lắp thiết bị giám sát hành trình đạt 100% nhưng tình trạng mất kết nối, cố tình trốn tránh sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền vẫn xảy ra phổ biến nhưng chưa xác minh và xử lý triệt để vấn đề này", ông Cường nói.
Đồng thời, ông Cường cũng nhấn mạnh hiện trạng chưa xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá neo đậu tại các cảng cá tư nhân, cảng cóc. Dẫn đến tình trạng thống kê và giám sát sản lượng qua cảng ở các địa phương còn chưa đạt như yêu cầu.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sau hơn 5 năm bị cảnh báo “thẻ vàng”, kết quả chống khai thác IUU đã chuyển biến đáng kể; tuy nhiên còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục trên thực tế tại địa phương.
Thứ trưởng cho hay, đ ến nay, tổng số tàu cá toàn quốc là 86.820 chiếc (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.
"Hiện nay, rất nhiều quốc gia đã đặt sự quan tâm rất lớn đối với vấn đề IUU, không chỉ với Châu Âu mà hiện nay Việt Nam đã phải giải trình với Mỹ và Nhật Bản về vấn đề này. Trong tương lai, đây là xu hướng, “không chỉ IUU trên biển mà còn IUU trên rừng", Thứ trưởng chia sẻ.
Trước những tồn tại trên, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, thời gian tới các đơn vị liên quan cần tập trung cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại vùng biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định, các khu vực tập trung nhiều tàu cá và tại các đảo, cửa sông, cửa lạch, bãi ngang... nơi tiềm ẩn nguy cơ các tàu không đủ điều kiện lẩn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
“Chúng ta phải xây dựng ngành thủy sản bền vững, lâu dài, cho cả con cháu chúng ta sau này”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Trước bối cảnh chung của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Tiến cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản trên thị trường thế giới. Từ cơ cấu thị trường và ngành hàng, Bộ sẽ có những điều hành linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới.
Xác định những khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều từ suy giảm thị trường, tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào và thời tiết diễn biến bất thường, El Nino khiến nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất, Bộ NN&PTNT xác định nhiều giải pháp trọng tâm.
Từ cơ cấu thị trường, cơ cấu ngành hàng để điều hành xuất khẩu một cách hợp lý và linh hoạt. Còn riêng sản xuất nông nghiệp vẫn giữ một vai trò bệ đỡ. “Đã không phát triển sản xuất, không tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì đừng nghĩ đến việc xuất khẩu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định .