'Việt Nam trở thành con hổ mới của châu Á'
Trang lepetitjourna của Pháp mới đây có bài phân tích đầy tính lạc quan rằng: "Việt Nam thực sự sẽ trở thành con hổ mới của châu Á".
Việt Nam là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á có mức tăng trưởng dương 2 năm liên tục bất chấp bị đại dịch COVID-19 hoành hành, lần lượt là 2,9% cho năm 2020 và 2,58% vào năm 2021. Còn nhìn lại tổng thể quá trình phát triển của Việt Nam sau đổi mới, không ngừng cải thiện các chính sách... chính là những căn cứ để các nhà phân tích chứng minh về triển vọng của Việt Nam.
Nếu nhìn vào 4 con hổ châu Á hiện nay là Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), từ năm 1960 đến 1990, những nền kinh tế này đều ghi nhận mức tăng trưởng trung bình khoảng 6% /năm, chính tốc độ này đã tạo điều kiện cho phát triển và công nghiệp hóa.
Trong trường hợp của Việt Nam, kể từ năm 1986, năm đầu tiên của Đổi mới đến nay là hơn 30 năm, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã vào hàng cao nhất thế giới, với tốc độ bình quân 6,55%/năm cho đến năm 2019. Dù dịch COVID-19 bùng phát, nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn ghi nhận dương, điều ít quốc gia có thể làm được suốt 2 năm qua.
"Chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam và chúng ta có thể trở thành con hổ nền kinh tế mới trong khu vực châu Á. Việt Nam là một trong những nước thu hút FDI hàng đầu trong khi vực. FDI giải ngân trong 5 tháng đầu năm tăng 7,8%. Điều này thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam", ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ, Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC (Việt Nam), đánh giá.
"Có thể thấy những biến động toàn cầu đang khiến các dòng vốn đầu tư, công ty đa quốc gia định hình lại điểm đến đầu tư, đảm bảo các yếu tố về địa chính trị, vị trí địa lý. Với lợi thế độ mở kinh tế cao, rõ ràng đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong chuỗi sản xuất, ở đây là chuỗi giá trị toàn cầu chứ không đơn thuần là cung ứng", ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết.
Tiếp tục soi chiếu với 4 con hổ kinh tế, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định tự do thương mại, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…
"Công đồng kinh tế Đông Nam Á, cụ thể là có 10 nước, trong đó chỉ có 4 nước là thành viên của Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, gồm có Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Trong 4 nước, chỉ có Singapore và Việt Nam là có hiệp định thương mại tự do với châu Âu. Do đó khi chúng tôi nghĩ đến việc đầu tư ở khu vực này, Việt Nam nổi lên là nước có vị trí thuận lợi vì ở đây chúng tôi có thể dễ dàng nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa được sản xuất ở Việt Nam đi Bắc Mỹ, châu Âu. Điều này khiến các bạn trở nên rất hấp dẫn", ông Marko Walde, Trưởng đại diện Bộ Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, nhận định.
Bên cạnh đó, đầu tư xanh cũng đang là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2021, Việt Nam đã trở thành thị trường lớn thứ 3 thế giới về lắp đặt công suất điện gió ngoài khơi mới, chỉ sau Trung Quốc và Vương quốc Anh.
Còn Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 vừa được công bố vào giữa tuần qua bởi Bộ Công Thương và Cục Năng lượng Đan Mạch cho thấy, Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong quá trình chuyển đổi xanh và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Với những yếu tố trong hệ quy chiếu trên, Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng trở thành 1 con hổ mới tại châu Á trong thời gian tới.
Theo Anh Quang
VTV News