Việt Nam thu hẹp khoảng cách năng suất lao động với Nhật Bản, Hàn Quốc

Chia sẻ Facebook
15/02/2023 23:45:46

Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

Việt Nam thu hẹp khoảng cách năng suất lao động với Nhật Bản, Hàn Quốc

Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách tương đối về năng suất lao động với Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore, nhưng chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo báo cáo mới nhất về năng suất lao động (NSLĐ) tại Việt Nam của Tổng cục Thống kê, NSLĐ năm 2020 của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động, gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động).

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ từ năm 2016 đến năm 2019 đều đạt trên 6%, trong đó năm 2019 đạt tốc độ tăng cao nhất (6,62%). Năm 2020, tốc độ tăng NSLĐ chậm lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn đạt gần 5%.

Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ của toàn nền kinh tế đạt 5,29%.

Thu hẹp khoảng cách


Tính theo sức mua tương đương ( PPP 2017), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 5,4%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Malaysia (1,3%/năm); Hàn Quốc (1,5%/năm); Singapore (1,7%/năm); Thái Lan (2,2%/năm); Indonesia (2,6%/năm); Philippines (3,5%/năm).

Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với một số nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Nếu năm 2011 NSLĐ của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines lần lượt gấp NSLĐ của Việt Nam 12,4 lần; 4,3 lần; 2,1 lần; 1,7 lần và 1,3 lần thì đến năm 2020, khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 8,8 lần; 3 lần; 1,7 lần; 1,3 lần và 1,2 lần.

Khoảng cách tương đối về NSLĐ của Việt Nam so với Hàn Quốc giảm từ 6,1 lần xuống 4,3 lần; Nhật Bản từ 6,8 lần xuống 4,1 lần.


Tính theo PPP 2017, NSLĐ của Việt Nam năm 2020 đạt 18.400 USD , chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Malaysia; 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của Indonesia và bằng 86,5% NSLĐ của Philippines.

NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).

Báo cáo chỉ ra một số điểm mạnh của Việt Nam như tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2020 được duy trì và cải thiện, lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động chuyển dịch khá mạnh mẽ, người lao động chịu khó, sáng tạo.

Tuy nhiên, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm quốc gia có thu nhập thấp và đang trải qua thách thức vượt qua bẫy trung bình thấp. Nhưng phát triển kinh tế vẫn còn mang tính thuần nông, thị trường chưa phát triển bền vững.

Số lượng doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng số doanh nghiệp (khoảng 97%). Chất lượng lao động còn thấp, nền sản xuất chưa lớn, khoa học công nghệ áp dụng hạn chế.

Bài học từ Nhật Bản, Hàn Quốc

Chiến tranh thế giới thứ hai đã gây thiệt hại nặng nề cho Nhật Bản với tổng giá trị thiệt hại lên tới 61,3 tỷ yen. Sau khi chiến tranh kết thúc, nền kinh tế Nhật Bản bị rơi vào khủng hoảng trầm trọng: thiếu năng lượng, lạm phát tăng, 13,1 triệu người không có việc làm.

Nhật Bản đã từng bước khôi phục nền kinh tế và khiến thế giới ngỡ ngàng khi kinh tế phát triển chóng mặt nhờ chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực lành nghề, có đủ khả năng nắm bắt, sử dụng kỹ thuật và công nghệ mới để tăng NSLĐ.

Nhật Bản đã sử dụng 3 công cụ quan trọng trong cải thiện NSLĐ, gồm hệ thống quản lý chất lượng toàn diện, bảo trì năng suất tổng thể và sản xuất tiết kiệm hay cải tiến liên tục.

Khi NSLĐ sụt giảm đáng kể trong những năm qua, Nhật Bản đã đưa ra một số biện pháp khắc phục như tăng dần tuổi nghỉ hưu để giữ chân người lao động nhiều kinh nghiệm, xem xét chính sách nhập cư, cải cách hệ thống giáo dục, tăng cường văn hóa khởi nghiệp và cải cách phong cách làm việc.

Còn với Thái Lan, vào cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, đất nước đã rơi vào bẫy phát triển do là nước có thu nhập trung bình, bất bình đẳng về thu nhập và mất cân bằng kinh tế-xã hội.

Khi Thái Lan không còn đủ sức cạnh tranh với các nước có chi phí lao động thấp, nếu không có kỹ năng, nghiên cứu và đổi mới để cạnh tranh với các nước tiên tiến trên các thị trường giá trị cao, nước này sẽ ngày càng mất đi tính cạnh tranh của mình.

Để có thể được xếp vào nhóm các quốc gia có thu nhập cao, Thái Lan đã tập trung thực hiện chiến lược tăng trưởng dựa vào năng suất.

Sáng kiến Thái Lan 4.0 được Chính phủ công bố vào tháng 5/2016, bao gồm tập trung vào công nghệ, đổi mới và sáng tạo; nâng cao hiệu suất giáo dục và tăng cường giáo dục, đào tạo kỹ thuật, dạy nghề; cải thiện khung chính sách để khuyến khích sự gia nhập của các doanh nhân đổi mới và các doanh nghiệp quy mô vừa; tăng cường hội nhập khu vực và phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Mục tiêu của sáng kiến này là nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước tiên tiến và đang phát triển khác, tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao, tạo ra nhiều nghề nghiệp có chất lượng cao hơn.

Trở lại với Việt Nam, Tổng cục Thống kê chỉ ra một số giải pháp về cơ chế, chính sách của Nhà nước bao gồm đổi mới thể chế; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tạo điều kiện cho phát triển khoa học công nghệ, tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Cùng với đó là tháo gỡ rào cản tài chính đối với doanh nghiệp; hoàn thiện các chính sách tiền lương, tiền công, chính sách về giáo dục, đào tạo.

Tổng cục Thống kê cũng đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao NSLĐ trong doanh nghiệp, gồm xác định mô hình sản xuất phù hợp, tăng cường sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, hoàn thiện quản trị sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị và quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sản phẩm.

Thảo Cao

Chia sẻ Facebook