Việt Nam tăng 39 bậc về chỉ số chất lượng sống tốt nhất thế giới: Nhiều tín hiệu đáng mừng

Chia sẻ Facebook
27/06/2022 23:58:47

Mức tăng hạng của Việt Nam cho thấy chất lượng cuộc sống ở Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt trong những năm qua.


Tăng hạng vượt bậc

Theo báo cáo xếp hạng được tạp chí kinh doanh, thương mại hàng đầu thế giới CEOWORLD (Mỹ) công bố, trong năm 2021, chỉ số "Chất lượng sống" của Việt Nam đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165 các quốc gia trên bảng xếp hạng.

So với năm 2020 (Việt Nam đứng thứ 101/165 các quốc gia trên thế giới), thứ hạng chất lượng sống của Việt Nam đã tăng 39 bậc chỉ sau 1 năm.

Cũng trong bảng xếp hạng này, Phần Lan là quốc gia có chất lượng sống tốt nhất thế giới với chỉ số chất lượng sống đạt 99,06 điểm. Tiếp đến là Đan Mạch (98,13 điểm), Na Uy (96,75 điểm).

Trong số các quốc gia ở Đông Nam Á, chỉ có Singapore lọt top 20 quốc gia có chất lượng sống tốt nhất thế giới.

CEOWORLD lựa chọn 165 quốc gia có đóng góp nhiều nhất vào GDP của thế giới để xếp hạng chỉ số chất lượng sống.

Để xác định thứ hạng, các nhà nghiên cứu tại tạp chí CEOWORLD đã phân tích và so sánh 165 quốc gia trên 10 hạng mục chính: Chi phí sống, Ổn định kinh tế, Chính sách thân thiện với các gia đình, Thị trường việc làm tốt, Bình đẳng thu nhập, Trung lập và ổn định chính trị, An toàn, Ảnh hưởng văn hóa, Hệ thống giáo dục công lập phát triển và hệ thống y tế công cộng phát triển tốt. Mỗi yếu tố được chấm trên thang điểm 100.

Nguồn dữ liệu được tạp chí CEOWORLD tập hợp và có một nhóm chuyên gia đánh giá các điểm dữ liệu được chọn lọc từ các nguồn như Chỉ số EIU, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Global Insight, Chỉ số Thịnh vượng Legatum, Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Better Life Index, CIA World Factbook, CIA World Factbook, Ngân hàng Thế giới, Báo cáo thường niên của UNDP, cũng như nghiên cứu của tạp chí CEOWORLD.

Các dữ liệu được tổng hợp vào khoảng thời gian sát với hiện tại nhất có thể.

Theo bảng xếp hạng, ngoài Phần Lan (vị trí số 1), Đan Mạch (số 2) và Na Uy (số 3), còn có Bỉ ở vị trí thứ 4, Thụy Điển ở vị trí thứ 5, trong khi Thụy Sĩ đứng thứ 6 và Hà Lan đứng thứ 7. Syria ở vị trí cuối cùng sau Sudan, Montserrat, Triều Tiên và Comoros.

Một số quốc gia đáng chú ý như Trung Quốc đứng ở vị trí 37, Mỹ đứng thứ 14 và Nga đứng thứ 43.

Những tiến bộ ở Việt Nam

Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về chất lượng cuộc sống trong những năm qua. Năm 2016, báo cáo của Happy Planet Index cho thấy Việt Nam là quốc gia hạnh phúc nhất Châu Á. Tuổi thọ ở Việt Nam cũng phản ánh xu hướng tích cực về chất lượng cuộc sống tại đây. Tuổi thọ trung bình của Việt Nam ở khoảng 75 năm, đây là con số đặc biệt ấn tượng khi xét tới tuổi thọ ở Mỹ là 77,3 năm.


Dưới đây là 3 sự cải thiện lớn tại Việt Nam:


- Y tế tốt hơn: Tỷ lệ tử vong của sản phụ ở Việt Nam đã giảm 4 lần trong những năm gần đây. Số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong cũng đã giảm một nửa. Những tiến bộ như vậy đã trở thành hiện thực nhờ việc người dân Việt Nam được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đáng tin cậy. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều có thể cải thiện. Hiện tại, UNICEF đang hỗ trợ để cải thiện hơn nữa ngành y tế Việt Nam và qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống ở Việt Nam.


- Giáo dục tốt hơn: Hệ thống giáo dục tốt hơn là một hình thức để nâng cao chất lượng cuộc sống ở Việt Nam. Việt Nam đã đạt được điều này thông qua một số phương pháp. Một là nâng cao trình độ giáo viên Việt Nam. Giáo viên ở Việt Nam phải có đủ kỹ năng và kiến thức theo tiêu chuẩn được ban hành.


- Xóa đói giảm nghèo cho người thiểu số: Việt Nam đang cải thiện và giảm tỷ lệ đói nghèo ở các nhóm dân tộc thiểu số. Phần lớn các dân tộc thiểu số ở Việt Nam sống ở các vùng cao. Những nơi này thường là vùng nông thôn và khoảng 72% người có thu nhập thấp của Việt Nam sinh sống tại các vùng này. May mắn thay, tỷ lệ hộ nghèo của nhóm này đã giảm 13% trong năm 2018. Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao trồng các loại cây trồng có giá trị cao hơn các loại cây trồng thông thường.

Tất cả những sự cải thiện này đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống ở Việt Nam theo nhiều cách. Chăm sóc sức khỏe tốt hơn có nghĩa là người Việt Nam sống lâu hơn, giáo dục tốt hơn sẽ dẫn đến cơ hội việc làm tốt hơn và xóa đói giảm nghèo sẽ cải thiện điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số.


Theo Tất Đạt

Tổ Quốc

Chia sẻ Facebook