Việt Nam - Singapore đàm phán về tuyến cáp ngầm mới - BBC News Tiếng Việt

Chia sẻ Facebook
22/12/2024 08:43:57

Sovico nổi tiếng về hàng không và ngân hàng ở Việt Nam, nhưng hiện đang đàm phán cùng đối tác Singapore xây dựng cáp ngầm xuyên biển. Cáp ngầm được cho là trung tâm của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung.

Việt Nam - Singapore đàm phán xây hai tuyến cáp ngầm xuyên biển


Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Một công ty của Đức đang lắp đặt cáp biển ở Biển Baltic

15 tháng 12 2024

Công ty quản lý tài sản Singapore Keppel và tập đoàn Sovico Group của Việt Nam đang thảo luận về kế hoạch xây dựng hai tuyến cáp quang ngầm mới với mục tiêu thúc đẩy ngành dữ liệu của hai nước, theo Reuters.

Các quốc gia Đông Nam Á, điểm trung chuyển chính cho các tuyến cáp kết nối châu Á với châu Âu, đang tìm cách mở rộng mạng lưới của mình để đáp ứng nhu cầu bùng nổ về các dịch vụ AI và trung tâm dữ liệu.

Riêng Việt Nam có kế hoạch xây dựng 10 tuyến cáp ngầm mới vào năm 2030.


Việt Nam trước đó được cho là chịu sức ép từ cả hai phía Mỹ và Trung Quốc trong việc trao gói thầu lắp đặt 10 đường cáp ngầm trọng yếu dưới biển.


Suốt gần một năm qua, Mỹ đã vận động hành lang và tổ chức hàng loạt cuộc họp với quan chức Việt Nam để thuyết phục loại bỏ HMN Technologies - một công ty của Trung Quốc mà Hà Nội được cho là đang để mắt đến - hay bất cứ công ty nào của Trung Quốc.

Phía Mỹ đưa ra các thông tin tình báo cảnh báo nguy cơ phá hoại và gián điệp từ phía Trung Quốc. Đây là một phần của chiến dịch toàn cầu nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của giới nhà thầu Trung Quốc.

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem Play video, "Bài toán cáp biển Việt Nam: Lệ thuộc Mỹ hay Trung Quốc đều gặp trái đắng", Thời lượng 10,39 10:39

Chụp lại video, Bài toán cáp biển Việt Nam: Lệ thuộc Mỹ hay Trung Quốc đều gặp trái đắng

Cáp ngầm là trung tâm của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung.

Hai cường quốc này đang cạnh tranh giành hợp đồng, đặc biệt là ở châu Á, để xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng chiến lược truyền tải hầu hết dữ liệu internet, bao gồm cả các thông tin nhạy cảm.

Theo một kế hoạch đang được thảo luận, một tuyến cáp sẽ được lắp đặt để kết nối trực tiếp Việt Nam với Singapore.

Theo một nguồn tin, chi phí sẽ là 150 triệu đô la.

Sovico tỏ ý quan tâm phương án này, nhưng các cuộc đàm phán với Keppel về tuyến cáp trực tiếp đang diễn biến phức tạp và vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào.

Họ nói thêm rằng Keppel thiên về một kế hoạch cáp tham vọng hơn liên quan đến một nhóm các nhà đầu tư.

Theo kế hoạch thứ hai đó, tuyến cáp kết nối với Việt Nam do Sovico phát triển sẽ là một nhánh của một tuyến cáp dài hơn.

Tuyến cáp này sẽ chạy từ Singapore đến Nhật Bản, với các tuyến cáp nhánh kết nối các quốc gia dọc theo tuyến đường.

Theo các kế hoạch sơ bộ, chưa có quyết định nào được đưa ra về việc nhà thầu nào sẽ xây dựng bất kỳ tuyến cáp nào, nhưng nguồn tin của Reuters cho hay Trung Quốc sẽ không tham gia vào tuyến cáp liên kết trực tiếp giữa Việt Nam và Singapore.

Sovico đã được các quan chức Hoa Kỳ thông báo về những rủi ro được cho là liên quan đến việc lựa chọn các nhà thầu Trung Quốc cho việc lắp đặt các tuyến cáp ngầm dưới biển, hai nguồn tin nói với Reuters.

Sovico, một tập đoàn hoạt động trong cả lĩnh vực hàng không và ngân hàng, gần đây đã công bố kế hoạch phát triển trung tâm dữ liệu.

Hồi tháng 11, Keppel đã đồng ý mua một cơ sở trung tâm dữ liệu hỗ trợ AI tại Nhật Bản.

Singapore là một cơ sở lớn cho các trung tâm dữ liệu và cáp ngầm, nhưng quốc đảo nhỏ này đã gần như bão hòa khả năng sử dụng dữ liệu của mình.

Theo thông tin công khai, hai dự án này tách biệt với các khoản đầu tư vào bốn tuyến cáp ngầm mới của Việt Nam, trong đó hai tuyến sẽ do NEC của Nhật Bản và một tuyến do HMN Tech của Trung Quốc xây dựng, để kết nối Việt Nam với các tuyến cáp quốc tế hiện có.

Dự án thứ tư do công ty viễn thông Viettel của Việt Nam và Singtel của Singapore công bố vào tháng Tư và sẽ kết nối trực tiếp Việt Nam với Singapore theo một kế hoạch sơ bộ. Không có hợp đồng xây dựng nào được công bố.

Việt Nam, với dân số gần 100 triệu người, là một thị trường lớn cho các nền tảng trực tuyến, nhưng hiện chỉ được kết nối với cơ sở hạ tầng internet toàn cầu thông qua năm nhánh ngầm dưới biển đến các tuyến cáp quốc tế.

Các chuyên gia trong ngành coi kế hoạch tăng gấp ba số lượng cáp của Việt Nam là một động lực có thể thúc đẩy cơ hội trở thành một trung tâm dữ liệu trong khu vực, bất chấp các vấn đề về nguồn cung cấp điện và các quy định hà khắc về quản lý internet và dữ liệu.

Mối nguy từ Trung Quốc?


Hồi tháng 9/2024, khi có tin Việt Nam đang xem xét lựa chọn công ty HMN Technologies cho dự án lắp đặt 10 tuyến cáp ngầm dưới biển của mình, một số chuyên gia đã lên tiếng.

Có ba rủi ro chính nếu Việt Nam chọn công ty HMN Technologies hay bất cứ công ty nào của Trung Quốc để lắp cáp biển, Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Úc) nói với BBC.

Thứ nhất, Trung Quốc sẽ có khả năng theo dõi mọi hoạt động truyền dữ liệu qua hệ thống này và khai thác chúng cho chương trình phân tích big data của nước này, gây ra mối nguy tiềm tàng đối với quốc phòng.

Thứ hai, Trung Quốc sẽ có thể làm gián đoạn lưu lượng thông tin trên các tuyến cáp ngầm của Việt Nam vào thời điểm khủng hoảng hoặc xung đột.

Thứ ba, Việt Nam có thể trở nên phụ thuộc vào công nghệ thông tin và truyền thông của Trung Quốc do xu hướng hiện nay mà Hoa Kỳ khởi xướng, đó là tách rời công nghệ và thiết bị do Hoa Kỳ thiết kế và sản xuất khỏi các hệ thống của Trung Quốc.

Trung Quốc đã có hẳn luật quy định các cá nhân, tổ chức phải hợp tác về mặt cung cấp thông tin tình báo nếu được yêu cầu.

Điều 7 và 14 Luật Tình báo Quốc gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (2017) quy định: "Tất cả các tổ chức và công dân phải hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác với các nỗ lực tình báo quốc gia" và "Các tổ chức làm công tác tình báo quốc gia có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức và công dân có liên quan cung cấp sự hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác cần thiết."

Trung Quốc trước đây đã có lịch sử thực hiện một số hoạt động không được "fair play" (chơi đẹp) với Việt Nam, theo ông Hoàng Việt, giảng viên luật quốc tế, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh.

"Bắc Kinh nhiều lần giúp Việt Nam các dự án đường sắt, đường bộ và khi mối quan hệ hai bên xấu đi, như vào năm 1979, tất cả những công trình này đều bị Trung Quốc phá hoại."

"Hiện hai nước đang có căng thẳng trên Biển Đông, nơi có nhiều cáp ngầm đi qua. Nếu xảy ra xung đột thì Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách cắt cáp ngầm của Việt Nam," ông Hoàng Việt nói.

Do đó, chuyên gia này cho rằng nếu chọn Trung Quốc, Việt Nam cần phải tính tới việc đảm bảo an toàn cho các đường cáp trong trường hợp mối quan hệ giữa hai nước xấu đi.

Chia sẻ Facebook