Việt Nam sẽ bùng nổ giới siêu giàu nhanh nhất thế giới?
Việt Nam được dự báo là thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới về số lượng triệu phú sở hữu trên 100 triệu USD trong thập kỷ tới.
Theo báo cáo Centi-Millionaire vừa được Công ty tư vấn đầu tư Henley & Partners công bố, với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc 95%, Việt Nam được dự báo là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới của giới triệu phú sở hữu từ 100 triệu USD trở lên trong thập kỷ tới.
Báo cáo cho rằng, số lượng người sở hữu tài sản trên 100 triệu USD sẽ phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản, công nghệ và các lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Tiếp đó là Ấn Độ với tỷ lệ tăng trưởng dự báo 80% về số cá nhân sở hữu khối tài sản trị giá trên 100 triệu USD vào năm 2023.
Báo cáo Centi-Millionaire là nghiên cứu toàn cầu đầu tiên về 25.490 triệu phú USD trên thế giới, cho thấy một bức tranh về tầng lớp siêu giàu ngày càng lớn trong lĩnh vực công nghệ, tài chính, các CEO đa quốc gia cũng như những người thừa kế.
Nếu như những năm cuối thập kỷ 1990, 30 triệu USD được coi là siêu giàu, thì ngày nay theo ông Juerg Steffen - CEO của Henley & Partners, 100 triệu USD mới được coi là “siêu giàu”.
“Triệu phú centi-millionaire (chỉ những người sở hữu 100 triệu USD trở lên) là những người giàu đến mức không cần phải suy nghĩ về số tiền mà họ tiêu. Trên thực tế, mức độ giàu có mà họ đạt được khiến họ không bao giờ phải lo lắng về tiền”, ông nói.
Theo báo cáo, Mỹ vẫn là quê hương của các triệu phú centi-millionaire trên toàn cầu, với 9.730 người, chiếm 38% số triệu phú toàn cầu. Tiếp đó là Trung Quốc và Ấn Độ với lần lượt 2.021 người và 1.132 người. Anh đứng thứ 4 với 968 người, tiếp đó là Đức với 966 người, xếp vị trí thứ 5.
Mặc dù có quy mô dân số nhỏ song Thụy Sĩ cũng đứng vị trí thứ 6 về số lượng triệu phú sở hữu tài sản từ 100 triệu trở lên, với 808 người. Tiếp đó là Nhật Bản (765 người), Canada (541 người), Australia (463 người) và Nga đứng thứ 10 với 435 người.
Theo báo cáo, không có con đường cố định nào để trở thành triệu phú centi-millionaire, một số được thừa kế tài sản, một số tự vươn lên trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số khác biệt thế hệ ngày càng lớn. Đó là trong khi ngày càng có nhiều doanh nhân trẻ trong lĩnh vực công nghệ gia nhập câu lạc bộ triệu phú 100 triệu USD thì những triệu phú thuộc thế hệ Baby Boomers (những người sinh năm 1946-1955) vẫn có xu hướng thống trị danh sách, mặc dù nhiều người hiện đang kiếm tiền từ quyền chọn cổ phiếu và bán doanh nghiệp của họ.
Nhà báo tài chính Misha Glenny - tác giả và người đóng góp cho báo cáo Centi-Millionaire - cho rằng: “Ở mức tăng trưởng 57%, tốc độ phát triển số lượng triệu phú 100 triệu USD ở châu Á sẽ gấp đôi châu Âu và Mỹ trong thập kỷ tới, trong đó, tập trung chủ yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ”.
Theo Trích lược báo cáo Centi-Millionaire