Việt Nam phản đối Đài Loan tập trận bắn đạn thật tại đảo Ba Bình

Chia sẻ Facebook
09/06/2023 10:20:36

Việt Nam lên tiếng phản đối, yêu cầu Đài Loan hủy bỏ việc tập trận bắn đạn thật trái phép tại đảo Ba Bình, xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam.

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. (Ảnh: CSIS)

Chiều ngày 8/6, báo Nhà nước dẫn câu trả lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng với phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 7/6, Đài Loan tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.


Theo đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa”.

Theo bà Hằng, việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe doạ hoà bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Đài Loan huỷ bỏ hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn vi phạm tương tự trong tương lai.

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Mới đây, hồi cuối tháng 3, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng phản đối Đài Loan tổ chức tập trận bắn đạn thật tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền ở Biển Đông.

Cuối năm 2022, Việt Nam đã từng lên tiếng phản đối cứng rắn khi Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, thuộc Trường Sa tại Biển Đông.

Nằm tại vị trí gần như trung tâm biển Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 600km; cách đảo Palawan khoảng 500 km và cách bãi cạn Scarborough của Philippines khoảng 800km, đảo Ba Bình được đánh giá là một trong những điểm chiến lược tại Biển Đông.

Với chiều dài khoảng 1.400m, chiều rộng khoảng 500m, đây là đảo lớn nhất trong các đảo ở Trường Sa với diện tích gần 50ha. Ngoài việc được cho là có nguồn dầu khí dồi dào, đây cũng là nơi duy nhất có nguồn nước ngọt tiềm năng cho việc trồng trọt cũng như sinh hoạt hằng ngày và phát triển du lịch. Xung quanh đảo này cũng có san hô và mực nước khá ôn hòa, là điều kiện tốt cho các tàu nhỏ ra vào.

Theo thông tin từ phía Việt Nam, quân Tưởng Giới Thạch đã chiếm đảo Ba Bình từ năm 1947 khi được nhiệm vụ giải giáp quân Nhật tử vĩ tuyến 16 trở ra Bắc theo hiệp định Postdam. Năm 1950, quân Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa. Kể từ năm này, không có lực lượng nước ngoài nào chiếm đóng tại hai quần đảo này trừ lực lượng trú phòng Việt Nam của chính quyền Bảo Đại.

Tuy nhiên, tháng 10 năm 1956, Đài Loan đã giành quyền kiểm soát đảo Ba Bình cho đến nay.

Ngày 20/5/1956, Đài Loan đã xây dựng cơ sở quân sự kiên cố tại đây. Hiện, ở đây có một sân bay nhỏ và cầu tàu cho các chiến hạm cặp bến.

Ngày 21/1/2008, lần đầu tiên Đài Loan đã cho máy bay quân sự C-130 Hercules hạ cánh xuống đường băng vừa xây xong trên đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.


Khánh Vy (t/h)

Sau 28 ngày nghiên cứu trái phép, tàu khảo sát của Trung Quốc rời vùng biển Việt Nam Sau 28 ngày liên tục đi lại và nghiên cứu trái phép, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc đã rời vùng biển Việt Nam.

Chia sẻ Facebook