Việt Nam phải lo gần 1,2 triệu tỷ đồng trả nợ công giai đoạn 2022-2024
Năm 2022, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ tối đa là 673.546 tỷ đồng. Con số này bằng dự toán được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 34/2021/QH15...
Việt Nam phải lo gần 1,2 triệu tỷ đồng trả nợ công giai đoạn 2022-2024
Bộ Tài chính đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.
Theo đó, với mức tăng bội chi ngân sách Nhà nước tối đa 240.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ giai đoạn 2020-2024 tối đa là khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng.
Trong đó, vay để bù đắp bội chi ngân sách Trung ương khoảng 1,3 triệu tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của Chính phủ khoảng 612.000 tỷ đồng; vay về cho UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khoảng 117.000 tỷ đồng.
Riêng năm 2022, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ tối đa là 673.546 tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương là 450.000 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc của ngân sách Trung ương là 196.149 tỷ đồng (bằng dự toán được Quốc hội phê duyệt); huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ cho vay lại khoảng 26.697 tỷ đồng.
Dự kiến các nguồn vay bổ sung trong giai đoạn này chủ yếu từ phát hành trái phiếu Chính phủ, vay ODA, ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ cân đối ngân sách và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Về nghĩa vụ trả nợ Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2022-2024 là khoảng 1,19 triệu tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 1,04 triệu tỷ đồng, trả nợ các khoản vay về cho vay lại khoảng 146.000 tỷ đồng.
Trường hợp thị trường vốn biến động bất lợi, Chính phủ phải tăng lãi suất vay hoặc huy động công cụ nợ kỳ hạn dưới 5 năm để đáp ứng nhiệm vụ vay cho Kế hoạch tài chính Quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và cho chương trình, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng tương ứng.
Kết hợp với việc áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế để thực hiện chương trình, Bộ Tài chính nhìn nhận chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách giai đoạn này có thể có năm tiến sát 25%. Trường hợp có biến động, rủi ro lớn, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Với phương án tăng bội chi ngân sách Nhà nước tối đa 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023 để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến đến năm 2024 nợ công khoảng 46-47% GDP, nợ Chính phủ khoảng 44-45% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước khoảng 24-25%.
Kết hợp với việc áp dụng chính sách miễn, giảm thuế, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước giai đoạn này có thể có năm vượt 25%, nhưng Bộ Tài chính cho biết sẽ phấn đấu để bình quân cả giai đoạn 2021-2025 vẫn trong giới hạn 25%.
Hiện tại, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang diễn ra. Gần nhất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng hơn 3 năm qua. Biểu đồ khảo sát của Fed cũng cho thấy có ít nhất thêm 6 lần tăng lãi suất trong năm nay.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam chưa chịu tác động nhiều do mức tăng lãi suất của Fed không lớn (0,25 điểm phần trăm) và đã được tiên lượng trước.
Tuy nhiên, ông Lực cũng lưu ý, từ quý 4/2022, việc Fed tăng lãi suất sẽ có những tác động rõ nét hơn đến kinh tế Việt Nam. Trong đó, USD lên giá sẽ tạo sức ép lên tỷ giá USD /VND, điều này kéo theo chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng.
Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần theo dõi, đánh giá nghĩa vụ nợ nước ngoài khi Fed tăng lãi suất. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát.
Vũ Phong
VnEconomy