Việt Nam nằm trong nhóm nổi bật về cả tốc độ và quy mô tăng trưởng thương mại
Trung Quốc sẽ vẫn đạt được mức tăng trưởng thương mại cao nhất từ năm 2021 đến năm 2026, nhưng tỷ trọng của nước này trong tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống còn 13%
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được dự báo sẽ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu 5,6% trong giai đoạn 5 năm từ 2021-2026, theo sau là Nam và Trung Á ở mức 5% và châu Phi cận Sahara là 4,4%, theo một báo cáo của DHL, nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới.
3 khu vực này là “cực mới” của tăng trưởng thương mại, theo Báo cáo Tăng trưởng Thương mại Toàn cầu 2022, đánh giá các xu hướng và triển vọng quan trọng đối với thương mại toàn cầu, bao gồm 173 quốc gia.
“Thương mại sẽ vẫn là động lực chính của sự thịnh vượng, như nó đã diễn ra trong nhiều thế kỷ. Thương mại quốc tế được coi là đặc biệt quan trọng hiện nay, vì nó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm lạm phát và cho phép các quốc gia đa dạng hóa các nguồn đầu vào chính để phục hồi kinh tế”, ông John Pearson, Giám đốc điều hành của DHL Express phát biểu trong buổi giới thiệu báo cáo do DHL và Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York phối hợp thực hiện và xuất bản.
Theo nghiên cứu, đại dịch không phải là một trở ngại lớn đối với thương mại toàn cầu như dự kiến trước đó, vì thương mại hàng hóa quốc tế tăng cao hơn 10% so với mức trước đại dịch.
Bất chấp cuộc xung đột Nga-Ukraine, các dự báo gần đây cho thấy năm 2022-23, thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với thập kỷ trước. Thương mại điện tử chứng kiến doanh số bán hàng tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, và thương mại điện tử xuyên biên giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ vào năm 2030, tăng từ 300 tỷ USD năm 2020.
“Bối cảnh thương mại đang thay đổi và tạo ra những thách thức mới, nhưng báo cáo này là sự phản bác mạnh mẽ trước những dự đoán về sự suy thoái của thương mại toàn cầu”, ông Steven Altman, học giả Nghiên cứu cấp cao kiêm Giám đốc phụ trách Sáng kiến DHL về Toàn cầu hóa tại Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York cho biết.
Theo báo cáo của DHL, các nền kinh tế mới nổi dự kiến sẽ tạo ra 45% tổng mức tăng trưởng thương mại toàn cầu từ năm 2021 đến 2026, vì họ đang trở thành những nhà xuất khẩu quan trọng của các tư liệu sản xuất phức tạp, chẳng hạn như thiết bị và động cơ công nghiệp.
Tăng trưởng thương mại đang lan rộng ra nhiều quốc gia hơn. Từ năm 2016 đến năm 2021, Trung Quốc đã tạo ra một phần tư tăng trưởng thương mại của thế giới.
Theo báo cáo, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Ấn Độ nổi bật về cả tốc độ và quy mô tăng trưởng thương mại dự kiến đến năm 2026 do nhiều công ty đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung thay vì tập trung vào thị trường Trung Quốc.
Theo ông Pearson, ông thường không chọn ra người chiến thắng hay kết luận ai đang làm tốt hơn ai. Ông cho biết báo cáo này hoàn toàn xuất phát từ quan điểm thực tế. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những người chiến thắng. Tất cả các quốc gia này đều nằm trên các đường cong xuất khẩu và tăng trưởng khác nhau, và Việt Nam tăng trưởng rất mạnh mẽ.
Trái ngược với các dự báo kinh tế trên toàn thế giới, tăng trưởng thương mại được kỳ vọng sẽ trở thành động lực chống lại lạm phát và gián đoạn nguồn cung.
Báo cáo cho biết, với lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, sức mạnh thương mại sẽ thúc đẩy tăng trưởng, giúp hạ nhiệt giá cả và đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu.
Theo báo cáo này, khối lượng, tốc độ và “dấu chân” thương mại toàn cầu ngày càng được cải thiện. Trong 2 năm tới, thương mại toàn cầu được dự đoán sẽ còn tăng trưởng nhanh hơn so với thời kỳ trước đại dịch .
Nguyễn Tuyết (Theo Bangkok Post, Thai PBS World)